Trong tuần qua, ông Trump đã gặp Tướng James N. Mattiss - cựu quan chức lực lượng thủy quân lục chiến, người được đồn đoán là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí bộ trưởng quốc phòng. Trước đó, ông Trump cũng có cuộc gặp với Tướng về hưu John Kelly để bàn về khả năng ông này đảm nhận cương vị ngoại trưởng hoặc bộ trưởng bộ an ninh nội địa. Tướng Jack Keane, nguyên Phó Tư lệnh lực lượng lục quân và Đô đốc Michael S. Roger, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) cũng được ông Trump "tiếp cận" để đề cử lần lượt làm bộ trưởng quốc phòng và giám đốc cơ quan tình báo quốc gia.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. |
Trong khi đó, những phụ tá thân cận của ông Trump nhiều lần "bóng gió" nhắc đến Tướng Stanley A. McChrystal, cựu Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan, cho vị trí bộ trưởng quốc phòng và Tướng David. Petraeus - cựu Giám đốc CIA - cho cương vị ngoại trưởng. Trước đó, Tướng Michael T. Flynn, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội (DIA), đã được ông Trump đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia. Ngay cả người được ông Trump cử làm Cố vấn trưởng tại Nhà Trắng là Steve Bannon cũng có gốc gác "nhà binh". Ông Bannon từng là trợ lý đặc biệt của Trưởng trung tâm tác chiến hải quân ở Lầu Năm góc, có bằng thạc sĩ về an ninh quốc gia tại Đại học Georgetown.
Điểm đặc biệt là số tướng lĩnh trên đều có quãng thời gian "không bình lặng" dưới thời chính quyền Obama. Nhà Trắng đã "tước" cương vị Giám đốc DIA của Tướng Flynn vì "quản lý yếu kém". Tướng Mattis, người phụ trách chiến dịch quân sự ở Trung Đông, Tây Nam Á thời kỳ 2010 - 2013 cũng buộc phải thôi chức trước thời hạn do chính quyền Obama xem ông là người có "quan điểm diều hâu" với Iran. Ông Kelly thì đã thẳng thừng phản đối kế hoạch đóng cửa nhà tù quân sự ở Vịnh Guantanamo (Cuba) của Nhà Trắng. Ông Obama cũng từng "loại" Tướng McChrystal do đã làm mất mặt Phó Tổng thống Joe Biden và nói xấu chính quyền khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Rolling Stone. Tướng Petraeus đã thất bại trong việc thuyết phục ông Obama cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria và năm 2012 buộc phải về hưu vì vụ lùm xùm liên quan đến rò rỉ tài liệu mật.
Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đã không ngần ngại công khai những thông tin trên. Steve Bannon tuyên bố rằng thế hệ những người từng kinh qua chiến tranh đang quay lại làm lãnh đạo bởi họ đều là những người yêu nước, hiểu rõ những thách thức thực tế và cách xử lý vấn đề. Với riêng cá nhân ông Trump, quá khứ bất hòa của những tướng lĩnh này với người tiền nhiệm Obama không phải là "vết đen". Richard H. Kohn, Giáo sư sử học tại Đại học North Carolina lý giải: "Ông Trump luôn phản đối chính quyền tiền nhiệm. Ông ta luôn không tin tưởng vào giới quân sự đương nhiệm, cho rằng đó là những người thiếu mạnh mẽ". Bên cạnh đó, việc ông Trump thích chọn các cựu tướng lĩnh về hưu còn bởi một lý do khác: Ông coi họ là "tài sản chính trị". Trong khi niềm tin của người dân Mỹ vào các thiết chế liên bang rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, truyền thông suy đồi... thì giới quân sự Mỹ vẫn được đánh giá cao nhất về độ tin cậy.
Tờ "Wall Street Journal" nhận định, cách lựa chọn nhân sự của ông Donald Trump cho thấy chính sách đối ngoại của Mỹ thời gian tới sẽ hiếu chiến hơn so với chính quyền tiền nhiệm Obama. Dường như ông Trump muốn có ở bên mình những nhân vật mạnh mẽ và táo bạo. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ nghi ngại rằng xu thế này sẽ khiến chính sách đối ngoại của Mỹ bị chi phối quá nhiều bởi phái quân sự. Việc ông Trump "say mê" đề cử giới cựu tướng lĩnh vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới cũng trái với nguyên tắc lâu nay ở Mỹ. Đây là điểm đã được quy định trong hiến pháp, giúp Mỹ tránh trở thành một Pakistan hay Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà giới tướng lĩnh đồng thời là những "tay chơi chính trị".