Mặc dù chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra từ hồi đầu tuần (9-10/2), song tận vài ngày sau đó, Báo Độc lập (Nga) vẫn dành thời lượng để viết về chuyến thăm này.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tại cuộc hội đàm ở Cairo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong đêm cuối cùng ở Ai Cập hôm 10/2, khi trả lời phỏng vấn với tờ báo "Al Ahram", Tổng thống Putin đặc biệt nhấn mạnh mong muốn của Nga tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với Cairo. Hai bên cũng đạt được nhiều thỏa thuận song phương, trong đó có đề xuất từ phía Ai Cập để thanh toán thương mại bằng đồng nội tệ, bỏ qua đồng USD. Tuy nhiên, các nhà bình luận quốc tế cho rằng mục tiêu của Điện Kremlin tham vọng hơn thế nhiều. Theo các nhà quan sát, dường như ông Putin muốn xoáy sâu vào sự khác biệt, mâu thuẫn giữa Mỹ và Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi, nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại nơi mà trước kia Mỹ vẫn coi là “sân nhà”, và qua đó chấn hưng mối quan hệ tồn tại giữa Liên Xô và Ai Cập, vốn rất phát triển trong những năm 50-60 của thế kỷ trước. Và để đạt được mục tiêu sâu sa này, Moskva tỏ ra sẵn sàng nhập khẩu nhiều trái cây và rau quả của Ai Cập, cũng như giảm giá xuất khẩu lúa mì và vũ khí cung cấp cho Cairo. Thực ra, đây cũng là động tác được coi là “nhất cử lưỡng tiện” của ông Putin khi thị trường Nga đang khan hiếm rau quả củ, liên quan lệnh cấm vận của phương Tây.
Trước đó, Hãng AFP cho biết ông Al-Sisi cực lực lên án Washington đã đàn áp các cuộc biểu tình liên quan các sự kiện hồi năm 2013, khi quân đội lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohammed Mursi. Và đây chính là lý do đẩy quan hệ Mỹ-Ai Cập trở nên căng thẳng và đầy bất ổn. Nga đã loại bỏ yếu tố tư tưởng trong chính sách của mình đối với Ai Cập, và chính bởi vậy Nga đã tranh thủ được một đồng minh chủ chốt lên ngoài đất nước là ông Al-Sisi.
Có thể thấy, ông Putin tuy đã kết thúc chuyến thăm Ai Cập từ vài ngày nay, song Báo Độc lập (Nga) vẫn tỏ ra quan tâm điều gì, "nhiệm vụ" gì mà ông Putin thực sự nhắm đến trong hai ngày ở Cairo? Và tờ báo tương đối trung lập này ở Nga cho rằng Tổng thống của họ muốn thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Nga không bị cô lập như mục tiêu mà các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU hướng tới. Tờ báo có ảnh hưởng Gulf News coi chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Nga là một kế hoạch lớn. Ông Putin đang nỗ lực tạo ra một đối trọng trước những ảnh hưởng của phương Tây tại Trung Đông và khôi phục các liên minh giữa Moskva và Cairo, vốn tương đối phát triển trong những năm 50-60 của thế kỷ XX. Khi đó, Liên Xô và Ai Cập đã hợp tác rất chặt chẽ trên trường quốc tế, trong các lĩnh vực kinh tế và quân sự, trước khi Tổng thống Anwar Sadat hồi thập kỷ 70 của thế kỷ trước đã “lái” con tàu Ai Cập hướng sang Mỹ và phá vỡ thỏa thuận quân sự với Liên Xô. Quan hệ giữa hai bên cũng đi xuống từ đó.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận mặc dù có những thăng trầm trong quan hệ song phương trong thập kỷ vừa qua, song sự hợp tác giữa Nga và Ai Cập hiện nay trong lĩnh vực kinh tế và nhân đạo vẫn phát triển. Năm 2014, kim ngạch thương mại tăng lên tới gần một nửa so với năm trước đó và đạt hơn 4,5 tỷ USD. Hơn 3 triệu du khách Nga đã tới Ai Cập trong năm qua.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Độc lập, Giám đốc Trung tâm Đối tác của nền văn minh (thuộc Đại học Quan hệ Ngoại giao MGIMO của Nga), ông Veniamin Popov nhấn mạnh: “Chuyến thăm Ai Cập lần này của Tổng thống Putin hết sức quan trọng. Trước hết bởi vì Ai Cập là một đối tác chủ chốt của Nga trong thế giới Arab, với dân số gần 90 triệu người. Có thể thấy rõ Ai Cập luôn luôn là một đối tác truyền thống của Moskva. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi Mỹ có thái độ thù địch đối với Tổng thống đương nhiệm Ai Cập, thì sự phát triển quan hệ với Nga lại giúp cho ông Al-Sisi đạt được một chỗ đứng vững chắc”.
Có thể nói chuyến thăm Ai Cập đầu tuần qua của ông Putin đã đạt được những thành công bề nổi khi Nga và Ai Cập quyết định tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại và quân sự, song cái đạt được lớn hơn, mà cũng không khó để nhận ra, đó chính là mối quan hệ tốt đẹp giữa hai vị tổng thống được xây dựng, trên cơ sở cùng có chung những “ấm ức” đối với Mỹ.
Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)