Ông Duterte sẽ làm gì với phán quyết của PCA?

Trang tin "National Interest" (Mỹ) mới đây đăng bài phân tích của Giáo sư khoa học chính trị Richard Javad Heydarian thuộc Đại học De La Salle với nhận định rằng chiến lược "chiến tranh pháp lý" của Philippines trong tranh chấp Biển Đông đang nhích dần tới thời khắc của sự thật.

Theo giáo sư Richard Javad Heydarian, thế giới đang chờ đợi xem tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ làm gì trước phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) với nhiều khả năng có lợi cho Philippines. Không giống người tiền nhiệm Benigno Aquino, ông Duterte không muốn đối đầu với Trung Quốc và đã bày tỏ sự nghi ngờ về cam kết của Mỹ với các đồng minh Đông Nam Á. Đặc biệt là tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri - La gần đây, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cũng đã tránh đề cập về "giới hạn thực tế" trong cam kết Hiệp ước giữa Mỹ và Philippines nếu có sự tranh chấp ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại cuộc họp báo ở thành phố Davao ngày 26/5.

Mặc dù được biết đến là một người phản ứng nhanh nhạy, nhưng ông Duterte vẫn giữ vững lập trường như trong chiến dịch tranh cử khi bác bỏ việc mua máy bay chiến đấu phản lực và coi đó là hành động "lãng phí tiền bạc". Đối với tân tổng thống Philippines, mối quan tâm hiện nay của chính quyền mới là hoạt động an ninh nội địa, đặc biệt là khi các nhóm cực đoan, có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) ở phía Nam đảo Mindanao, đang có xu hướng hồi sinh mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Điều dễ nhận thấy là chính quyền Duterte sẽ không bỏ qua vụ kiện Trung Quốc với phán quyết dự kiến sẽ được PCA đưa ra vào ngày 12/7 tới không chỉ vì vấn đề chính trị mà còn vì số tiền hỗ trợ trong nước và quốc tế mà cuộc chiến pháp lý của Philippines mang lại. Trên thực tế, Ngoại trưởng nước này Perfecto Yasay đã nói rõ ràng rằng chính quyền Philippines sẽ "không theo đuổi bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào với Trung Quốc tại thời điểm này, cho đến khi PCA đưa phán quyết cuối cùng".

Tất nhiên, có một khả năng (mặc dù rất nhỏ) là Philippines sẽ thua về tất cả các luận điểm quan trọng trong vụ kiện này khi PCA có thể nhờ đến ngữ nghĩa luật pháp không xác định để tránh công khai chỉ trích Trung Quốc hoặc PCA sẽ tránh thực hiện quyền tài phán về các luận điểm quan trọng như tính hợp lệ của yêu sách "đường lưỡi bò". Điều này chắc chắn sẽ là một thảm họa đối với Philippines và các quốc gia có chung mục đích - những nước vẫn mong muốn sử dụng luật quốc tế để chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là chính quyền của ông Duterte sẽ chịu áp lực rất lớn từ tất cả các phía để đưa ra những chiến lược mang lại lợi ích tối đa thay vì chiến tranh pháp lý như người tiền nhiệm. Nhiều khả năng, tân Tổng thống Duterte, người đã tuyên bố sẽ áp dụng một chính sách đối ngoại độc lập, quyết định bước đi kế tiếp của mình dựa vào tính chất phán quyết của PCA và những gì ông coi là "lựa chọn thực dụng nhất" để bảo vệ lợi ích quốc gia của Philippines đồng thời tránh để xảy ra những xung đột không cần thiết với Trung Quốc trong tương lai.

Về phần Trung Quốc, các chuyên gia dự báo ba khả năng mà Trung Quốc sẽ thực hiện nếu thua kiện Philippines. Thứ nhất, Trung Quốc sẽ không làm gì và xem như mặc nhiên chấp nhận phán quyết với tuyên bố chủ quyền chung chung và âm thầm bước qua giai đoạn mới để khẳng định chủ quyền. Thứ hai, Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên vùng Biển Đông. Thứ ba, Trung Quốc dùng hết sức mạnh của mình để “gây rối” ở các điểm nóng của châu Á. Trong ba khả năng, khả năng thứ hai có xác suất xảy ra cao nhất.
TTK
Ba hạm đội Trung Quốc kéo ra Biển Đông diễn tập
Ba hạm đội Trung Quốc kéo ra Biển Đông diễn tập

Hôm nay (5/7), Trung Quốc bắt đầu diễn tập quân sự kéo dài 1 tuần ở khu vực bao trùm cả vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với sự tham gia của nhiều chiến hạm át chủ bài thuộc ba hạm đội chủ chốt của hải quân Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN