Tàu do thám lớp Đông Điệu của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review/TTXVN |
Tờ China Daily phiên bản tiếng Anh của Trung Quốc hôm 4/7 dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho hay Bắc Kinh sẵn sàng nối lại đàm phán về các vấn đề như phát triển chung, hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, tiền đề để hai bên trở lại bàn đàm phán là Chính phủ mới của Philippines phải từ bỏ một cách thực chất kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vấn đề Biển Đông.
Trước đó, khi chủ trì phiên họp đầu tiên của Nội các mới ngày 30/6, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ đợi quyết định của PCA rồi mới đưa ra bất cứ tuyên bố công khai nào về vấn đề Biển Đông.
Còn tại cuộc phỏng vấn hôm 27/6, ông Duterte cho biết nếu trong 2 năm sau khi PCA ra phán quyết mà phía Philippines không có lợi gì từ phán quyết đó, ông sẽ cùng Trung Quốc khởi động lại đối thoại song phương giải quyết tranh chấp liên quan.
Cùng với việc Trung Quốc nỗ lực vận động các nước ủng hộ lập trường Biển Đông của mình, những tiết lộ trên tờ China Daily càng cho thấy Bắc Kinh vẫn rất lưu tâm tới hình ảnh quốc tế.
Quả thật, một khi PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines và “đường lưỡi bò” bị tuyên bố vô hiệu, dù Trung Quốc có từ chối chấp nhận, không tham gia và không thừa nhận phán quyết của PCA, theo giới phân tích, nước này cũng bị mang tiếng là không tuân thủ luật pháp quốc tế, phá hoại hệ thống quốc tế xây dựng trên nền tảng các quy tắc.
Trong một diễn biến liên quan, Giáo sư Greg Raymond thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Australia) cho rằng bác bỏ một phán quyết của PCA đồng nghĩa với việc không tôn trọng luật pháp quốc tế. Như vậy, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có thể nhóm họp và ra nghị quyết về vấn đề này.
Nội dung nghị quyết có thể chỉ rõ việc phớt lờ phán quyết của PCA sẽ làm xói mòn uy tín của UNCLOS (Công ước LHQ về Luật Biển 1982) và phủ nhận mọi nỗ lực ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ để đàm phán thành công văn bản này.