Trước thềm phán quyết về Biển Đông, Trung Quốc chọn giải pháp an toàn?

Việc Trung Quốc tổ chức diễn tập quân sự ở Biển Đông ngay trước thềm PCA ra phán quyết về Biển Đông giống như một "sự thách thức", nhưng có thể không đồng nghĩa với việc nước này sẽ có phản ứng quyết đoán.

Trung Quốc tiến hành bồi lấp trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DPA

Trong một thông báo ngắn gọn đưa ra hôm 3/7, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) ngang ngược tuyên bố nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự từ ngày 5 - 11/7 ở khu vực biển từ phía Đông đảo Hải Nam trở xuống và bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

 

Theo tạp chí Forbes (Mỹ), việc Trung Quốc tiến hành tập trận ngay trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về “đường lưỡi bò” (phi pháp, do Trung Quốc tự vạch ra gần như liếm trọn Biển Đông) là hành động “phô diễn cơ bắp”. Tuy Trung Quốc thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự ở Biển Đông, nhưng việc lựa chọn thời điểm cho cuộc diễn tập lần này khiến dư luận phải đặt câu hỏi.

 

Nhật báo Phố Wall (Mỹ) cũng cho rằng thời gian và địa điểm của cuộc diễn tập lần này “có tính khiêu khích”. Nó trùng lặp với thời gian diễn ra cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ chủ đạo với sự tham gia của Trung Quốc như một động thái nhằm cải thiện quan hệ quân sự Trung-Mỹ.

 

Vậy thông qua hành động “phô diễn cơ bắp” “có tính khiêu khích” ấy, Trung Quốc muốn gì?

 

Trong một phát biểu được trích dẫn trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 4/7 phát hành ở Hong Kong (Trung Quốc), nhà nghiên cứu Ashley Townshend thuộc Đại học Sydney cho rằng triển khai lực lượng quân sự ở Biển Đông là một trong những cách mà Trung Quốc tin rằng có thể giúp nước này xuất hiện trong bộ dạng mạnh mẽ, nhưng không thực sự làm gia tăng căng thẳng.

 

Theo chuyên gia Townshend, một hoạt động như vậy có lẽ được tổ chức nhằm trấn an dư luận trong nước rằng Bắc Kinh sẽ không khuất phục trước các áp lực quốc tế. Nó cũng là một tín hiệu gửi đến Mỹ và các nước ASEAN về quyết tâm của Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện diện quân sự ở Biển Đông bất chấp phán quyết.

 

Nói cách khác, cuộc tập trận của Trung Quốc giống như một "sự thách thức" trước phán quyết của PCA, nhưng có thể không đồng nghĩa với việc báo trước một phản ứng quyết đoán từ nước này.

 

“Cách thức thị uy này an toàn hơn so với các biện pháp quyết đoán khác như quân sự hóa bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag) hoặc thiết lập Khu vực Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông”, chuyên gia Townshend nhận định. 

Hoàng Hà
Phán quyết của PCA về Biển Đông chỉ là khởi điểm
Phán quyết của PCA về Biển Đông chỉ là khởi điểm

Ngày 12/7 tới, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò”, nhưng đối với Trung Quốc, áp lực thực sự lại đến sau khi PCA ra phán quyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN