Cảnh báo bất ngờ
Ngày 5/5, Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Suốt 10 tháng qua, Trung Quốc đã trả thuế cho Mỹ ở mức 25% với hàng hóa công nghệ cao trị giá 50 tỷ USD và 10% với hàng hóa khác trị giá 200 tỷ USD. Những khoản này một phần giúp nền kinh tế vĩ đại của chúng ta có kết quả tốt. Mức 10% sẽ tăng lên 25% vào ngày 10/5”. Ông Trump lý giải việc cảnh báo áp thuế mới với hàng Trung Quốc là do Trung Quốc thất hứa.
Ngày 6/5, Tổng thống Trump tiếp tục viết trên Twitter rằng Mỹ đã mất 500 tỷ mỗi năm khi giao thương với Trung Quốc và nhấn mạnh: “Xin lỗi, chúng tôi sẽ không làm như thế nữa”.
Kênh CNN dẫn lời Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Trung Quốc đã từ bỏ những thỏa thuận đã đạt được trước đó, làm chệch hướng tiến triển đàm phán suốt nhiều tháng qua để đạt được một thỏa thuận thương mại chi tiết giữa hai bên.
Ông Lighthizer nói: “Trong thời gian tuần trước, chúng tôi đã thấy Trung Quốc giảm cam kết. Theo quan điểm của chúng tôi, đó là điều không thể chấp nhận”. Ông cho rằng Trung Quốc đã tìm cách thay đổi đáng kể văn bản thỏa thuận giữa hai nước khi đang tới giai đoạn cuối. Cụ thể là các nhà đàm phán Trung Quốc lại muốn sửa lại ngôn từ đã được đàm phán trước đó và điều đó có thể thay đổi lớn thỏa thuận. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ không hủy bỏ đàm phán tại thời điểm này. Nhưng bây giờ, thứ 6 tới, sẽ có mức thuế được áp dụng”.
Mấy ngày qua, các quan chức Mỹ đã trở nên tức giận khi Trung Quốc từ chối thay đổi luật theo như một phần trong thỏa thuận đã được thống nhất từ trước. Hai bên còn vướng mắc về cách thức thực thi thỏa thuận, về việc có giảm thuế trở lại như mức cũ không và tốc độ giảm thuế cũng như các vấn đề xung quanh bảo vệ tài sản trí tuệ.
Nút thắt mới trên diễn ra trong bối cảnh hai bên đều đang hài lòng với tiến trình đàm phán và đàm phán sắp kết thúc. Theo ông Mnuchin, đàm phán thương mại tổ chức tại Bắc Kinh lần trước là “có tính xây dựng” và đàm phán đã xong 90%.
Dù vậy, 10% còn lại không dễ giải quyết. Trọng tâm đàm phán bên phía Trung Quốc là dỡ bỏ thuế quan của Mỹ, còn Mỹ đang đi sâu vào các vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc như quyền sở hữu trí tuệ. Nhìn vào những vấn đề kinh tế đang tồn tại trong quan hệ Mỹ - Trung, có thể hiểu rằng hai bên luôn đi theo hướng xung đột và trên thực tế, những khác biệt then chốt giữa hai bên thực sự rất khó hóa giải, đặc biệt có những điểm được xem là "giới hạn đỏ".
Giải mã động thái bất ngờ
Những thông tin trên xuất hiện trước thời điểm phái đoàn Trung Quốc tới Washington vào cuối tuần này để tiếp tục đàm phán. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong một họp báo cho biết đoàn Trung Quốc vẫn tới Mỹ và Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn. Trước đó, sau mấy dòng tweet của Tổng thống Trump, truyền thông trong và ngoài nước đoán là ông Lưu Hạc sẽ không tới Mỹ nữa.
Theo ông Mnuchin và Lighthizer, động thái cảnh báo tăng thêm thuế của Tổng thống Trump không phải là dấu hiệu đàm phán đổ vỡ. Tổng thống Trump đang tìm cách “đánh động” Trung Quốc với dòng tweet trên.
Ông Larry Kudlov, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, nhận định với Fox News ngày 5/5: “Tôi cho rằng Tổng thống đang đưa ra một cảnh báo ở đây. Chúng ta đã làm nhiều thứ giúp đỡ họ trước đó, chúng ta đình chỉ mức thuế 25% và giảm xuống còn 10% và cứ giữ nguyên thế. Điều này có thể không giữ nguyên mãi nếu đàm phán không hiệu quả”.
Khi nghe báo cáo về diễn biến đàm phán từ cấp dưới, Tổng thống Trump cho rằng đó là thông tin đáng thất vọng. Ông cũng đang ngày càng mất kiên nhẫn với các cuộc đàm phán qua lại. Các phụ tá khuyên Tổng thống Trump rằng chấp nhận một thỏa thuận mà không có thay đổi cơ bản về cách vận hành của nền kinh tế Trung Quốc sẽ là một thỏa thuận yếu và không phù hợp về mặt chính trị.
Theo kênh CNN, Tổng thống Trump hy vọng đạt được thỏa thuận sẽ kích thích các thị trường và hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, từ đó gia tăng triển vọng chính trị của bản thân. Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 nóng lên từ bây giờ, Tổng thống Trump có thể sử dụng đàm phán thương mại Mỹ-Trung như một lá bài. Ông vốn nổi tiếng vì hay gây sức ép trong đàm phán thương mại và trước đây từng tuyên bố ông chỉ có thể đạt thỏa thuận thương mại mới bằng cách cảnh báo hoặc tăng thuế với đối tác thương mại. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể còn kéo dài khi Mỹ tăng tốc cho cuộc bầu cử năm 2020.
Dù vậy, cảnh báo có thể giúp Mỹ khiến Trung Quốc nhượng bộ thêm trong đàm phán, nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro cao. Một số nhà phân tích cho rằng lời cảnh báo của Tổng thống Trump không hẳn là một chiến thuật đàm phán mà thể hiện sự mất kiên nhẫn của ông.
Ông William Reinsch, chuyên gia chính sách thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đáp ứng mọi yêu cầu của Mỹ. Ông nói: “Tại một lúc nào đó, Tổng thống sẽ nhận ra rằng họ sẽ không cho ông mọi thứ ông muốn”. Điều đó sẽ đặt Tổng thống Trump vào tình thế chính trị bấp bênh khi phải quyết định chấp nhận một thỏa thuận sẽ bị chỉ trích là yếu hoặc không có thỏa thuận nào và bị chỉ trích là thất bại trong đàm phán.
Về phần Trung Quốc, chuyên gia Victor Gao thuộc Trung tâm Toàn cầu hóa và Trung Quốc cho rằng nước này vẫn còn cơ hội để hành động đối phó với “gió ngược” từ Mỹ trong chiến tranh thương mại.
Ông nói: “Chiến tranh thương mại thực sự có tác động tiêu cực tới kinh tế Trung Quốc. Không thể phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng ra sao và liệu Trung Quốc có tìm ra cách vượt qua hay không là một vấn đề khác. Trung Quốc vẫn tăng trưởng 6 đến 6,5%, gấp hơn hai lần tăng trưởng của Mỹ”.
Theo ông Victor Gao, cả hai bên đều cần thỏa thuận và muốn đạt thỏa thuận không sớm thì muộn. Chiến tranh thương mại không có lợi cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Vì thế, hai chính phủ giải quyết chiến tranh thương mại càng nhanh càng tốt. Điều ông Victor Gao cho rằng hai chính phủ cần làm là thực sự bình tĩnh.