Bà Eckart nói rằng, ngày bầu cử 26/9 là một trong những ngày nắng cuối cùng và hiếm hoi ở Đức trước khi bước vào những ngày Thu Đông lạnh giá. Sự thay đổi mùa, hay một sự chuyển dịch, có lẽ là điều người phụ nữ ở tuổi nghỉ hưu này muốn nói với tôi.
Sau thời gian xếp hàng dài chờ tới lượt do cử tri đi bầu khá đông, bà Eckart đã có thể bỏ phiếu. Và như thế, cuộc bầu cử quốc hội Đức đã diễn ra theo đúng kế hoạch. Các điểm bỏ phiếu mở cửa, vận hành theo dự kiến, ngoại trừ một vài sự cố nhỏ ở một số điểm bầu cử tại Berlin, nhưng cũng đã được khắc phục ngay sau đó. Sự cố ứng cử viên thủ tướng của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Armin Laschet gấp ngược lá phiếu rồi từ từ bỏ vào hòm phiếu để phóng viên chụp ảnh, khiến người ta có thể nhìn thấy rõ ông bầu cho ai - điều bị coi là vi phạm quy định bầu cử, cũng được người đứng đầu Uỷ ban Bầu cử liên bang xác nhận là "không vấn đề gì". Sẽ là "có vấn đề" nếu người giám sát điểm bỏ phiếu ngay lúc đó cho là phạm luật và thay bằng một lá phiếu khác, nhưng khi ông Laschet đã bỏ lá phiếu vào hòm thì không còn lý do gì để coi đó là vi phạm. Tuy vậy, hình ảnh lá phiếu của ông Laschet, tất nhiên đã được làm mờ phần bầu chọn, từ thành phố nhỏ Aachen đã ngay lập tức được lan truyền một cách chóng mặt trên khắp cả nước và hẳn là vị Chủ tịch CDU không vui khi sự việc không may đó lại rơi vào đúng ngày trọng đại mà ông đứng trước cơ hội lịch sử trở thành người lãnh đạo nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu.
Sau khi tất cả số phiếu được kiểm, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã giành chiến thắng trong cuộc đua này. Lần đầu tiên kể từ sau năm 2005, đảng trung tả của ứng cử viên thủ tướng Olaf Scholz đã trở lại là chính đảng mạnh nhất ở Đức. Thông tin trên trang web của Cơ quan Bầu cử liên bang Đức sáng 27/9 cho thấy SPD đã nhận được 25,7% số phiếu ủng hộ, CDU/CSU về thứ hai với 24,1% số phiếu, con số thấp kỷ lục. Đảng Xanh được 14,8%, kết quả cao nhất trong lịch sử của đảng này và trở thành chính đảng mạnh thứ ba ở Đức. Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do (FDP) được 11,5%, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) được 10,3% và đảng Cánh tả 4,9%. Do đảng Cánh tả có 3 nghị sĩ được bầu trực tiếp nên sẽ vẫn tham chính và có nhóm nghị sĩ ở Quốc hội liên bang. Tuy nhiên, với kết quả trên, đảng về nhất cũng chưa chắc đã giành được chức thủ tướng, bởi kết quả này cho thấy nước Đức lần đầu tiên cần phải có sự liên kết của 3 đảng mới có thể lập được liên minh cầm quyền. Vẫn chưa rõ những đảng nào sẽ nắm quyền trong thời gian tới, song về mặt toán học, một phiên bản "đại liên minh" 2.0 gồm SPD và CDU/CSU vẫn sẽ có thể được hình thành, song cả hai bên đều không nghiêm túc xem xét một lựa chọn như vậy. Do đó, mọi khả năng lúc này đều còn bỏ ngỏ và phần lớn được cho sẽ phụ thuộc vào đảng Xanh và FDP.
Khả năng đầu tiên được nhắm tới sẽ là một liên minh Đỏ - Vàng - Xanh giữa SPD, FDP và đảng Xanh. Liên minh 3 đảng này chắc chắn giành quá bán khi chiếm tới 52% số ghế quốc hội. Về nội dung, SPD và đảng Xanh cũng trùng lặp nhau nhiều vấn đề, từ thuế tài sản cho tới nới lỏng phanh nợ. Khó khăn ở đây nằm ở FDP khi đảng này từ trước tới nay luôn khẳng định muốn liên minh với CDU/CSU, phản đối việc "chuyển dịch tả khuynh" trong xu hướng chính trị với mức thuế cao hơn, song dù sao FDP cũng chưa từng bác bỏ một liên minh với SPD và đảng Xanh. Để có được tấm vé của FDP, nhiều khả năng SPD và đảng Xanh phải thỏa hiệp ở một số điểm, chẳng hạn như nhượng chức bộ trưởng tài chính liên bang. Nếu nhìn lại, SPD và đảng Xanh không hẳn là đồng nhất trong mọi chính sách, trong đó có việc ông Scholz không muốn cam kết loại bỏ than đá trước năm 2038 như mong muốn của bà Baerbock của đảng Xanh.
Lựa chọn thứ hai sẽ đẩy SPD thành đảng đối lập, đó là khi một liên minh Jamaica Đen-Vàng-Xanh giữa CDU/CSU, FDP và đảng Xanh được hình thành. Một liên minh như vậy cũng chiếm đa số ở quốc hội, song sẽ phải nhượng bộ nhau rất nhiều, CDU/CSU và FDP sẽ phải kiềm chế đảng Xanh rất nhiều trong các chính sách về vấn đề xã hội hay bảo vệ khí hậu của đảng này. Năm 2017, đàm phán thăm dò giữa 3 đảng này đã sụp đổ khi FDP rút lui giữa chừng và buộc CDU/CSU phải quay trở lại với SPD. Trong nhiều phát biểu, Chủ tịch FDP Lindner cho thấy ông khó có thể bị "kìm kẹp" với những chính sách cứng rắn về môi trường của đảng Xanh - đảng cũng muốn ngành công nghiệp phải cùng chịu trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ khí hậu.
Khả năng thứ ba sẽ là một liên minh giữa SPD, đảng Xanh và đảng Cánh tả. Ba đảng này nếu bắt tay nhau sẽ vẫn chỉ là một chính phủ thiểu số. Bên cạnh đó, đảng Cánh tả có nhiều khác biệt với hai đảng còn lại về chính sách đối ngoại như việc phản đối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mức chi tiêu 2% cho quốc phòng hay triển khai lực lượng vũ trang cho các sứ mệnh ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi đề cập tới các chính sách xã hội, y tế, lương hưu hay thuế quan, ba đảng này lại có nhiều điểm chung.
Khả năng nữa như đã đề cập ở trên là một chính phủ đại liên minh tái xuất, song lần này sẽ là sự đổi ngôi, sự chuyển dịch vai trò người đứng đấu chính phủ. Thực tế điều đó cũng sẽ khó xảy ra, bởi sau nhiều năm "sánh đôi", cả hai đều đã thấy mệt mỏi. Cử tri bầu số phiếu cao cho SPD là mong muốn một sự thay đổi và ngay cả ông Scholz cũng nhiều lần nói muốn đẩy CDU/CSU sang phía đối lập. Thế nhưng không thể bác bỏ khả năng đại liên minh như vậy sẽ quay trở lại, bởi nếu đảng Xanh và FDP không thể đạt thoả thuận trong các cuộc đàm phán thăm dò thì liên minh "đèn đường" cũng tan vỡ và cũng giống như năm 2017, không phải CDU/CSU mà là lần này SPD sẽ tìm tới "đảng chị em". Dù là kịch bản bất ngờ, song lần này biết đâu sẽ là sự chuyển dịch, sự đổi ngôi giữa thật sự giữa CDU/CSU và SPD, và ông Scholz sẽ từ Bộ Tài chính chuyển sang Phủ Thủ tướng?