Nước Anh 2017: Tương lai chưa thể đoán định

Một năm 2017 đầy thách thức và sóng gió hơn, cùng những diễn biến chưa thể dự đoán, đang chờ đợi nước Anh sau 2016 của cơn địa chấn Brexit.

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị sau cuộc trưng cầu ý dân cho kết quả Brexit. Ảnh: AFP/TTXVN

Brexit, tức Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), sẽ còn được nhắc tới như một sự kiện làm cả thế giới bàng hoàng trong năm 2016. Không những dẫn đến những thay đổi to lớn trong đời sống chính trị nước Anh, trước hết là khiến Thủ tướng Anh David Cameron phải trả giá bằng cả sinh mệnh chính trị của mình, cũng như để lại hệ lụy lâu dài cho kinh tế-xã hội Anh, Brexit còn tác động mạnh mẽ lên “ngôi nhà chung” châu Âu, tất cả gửi đi một thông điệp: một tương lai không thể đoán định cho nước Anh nói riêng và EU nói chung đang đến gần.

Bức tranh nhiều mảng màu

Bức tranh toàn cảnh về chính trị nước Anh có nhiều thay đổi kể từ sau sự kiện Brexit. Chủ nghĩa dân túy, bài ngoại đã thắng thế ngay tại một quốc gia được cho là có nền tảng lâu đời của nền dân chủ tự do. Sau sự ra đi của ông Cameron, bà Theresa May, một người được cho là ôn hòa đã lên nắm quyền lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành Thủ tướng Anh, với nhiệm vụ quan trọng là “kích hoạt” tiến trình phức tạp để Anh rời EU.

Công đảng, đảng đối lập lớn nhất Anh, cũng trở nên rối ren sau Brexit. Hàng loạt các vị trí cao cấp trong đảng đồng loạt từ chức để phản đối Chủ tịch đảng Jeremy Corbyn (Giê-rê-mi Cô-bin), người được cho là phải chịu trách nhiệm để xảy ra Brexit. Bất chấp ông Corbyn vẫn tại vị sau những cuộc họp toàn đảng vô cùng gay cấn, nhưng sự đoàn kết trong đảng bị rạn nứt đáng kể.

Đảng Dân tộc Scotland của Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon thì đang đấu tranh đòi cơ chế riêng được ở lại trong thị trường chung châu Âu, trong khi Thủ hiến Scotland nhiều lần đe dọa sẽ cho tiến hành trưng cầu dân ý đòi độc lập tách khỏi Vương quốc Anh, điều sẽ gây thêm rắc rối cho Chính phủ Anh. Trong khi đó, đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) cực hữu, có tư tưởng bài dân nhập cư và đã vận động rất mạnh cho việc rời khỏi EU, đang ngày càng củng cố vị trí trên chính trường Anh.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận nước Anh sau cơn choáng váng đã nhanh chóng trở lại bản tính điềm tĩnh vốn có. “Điểm sáng” trong bức tranh nước Anh 2016 chính là kinh tế. Khi xảy ra Brexit, nhiều dự đoán cho rằng kinh tế Anh sẽ bước vào thời kỳ suy thoái, nhưng thực tế đã hoàn toàn trái ngược. Kinh tế Anh có những dấu hiệu khởi sắc nhờ vào sức tiêu dùng mạnh mẽ, sự cải thiện lớn về sản xuất công nghiệp và đầu tư kinh doanh.

Đồng bảng giảm giá mạnh khoảng 17% so với USD kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6, đem đến cho nền kinh tế Anh cả những tác động tích cực. Lạm phát tăng cao kỷ lục trong 2 năm qua, song cũng là một tấm đệm chống đỡ các cú sốc, giúp tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Trung ương Anh với đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2009, cùng với nhiều biện pháp kích thích khác, khiến cho đồng bảng Anh yếu đi, giúp đẩy mạnh xuất khẩu và du lịch. Dù chưa hẳn hoàn toàn khả quan, song các số liệu cho thấy sản xuất và dịch vụ vẫn ổn định, doanh thu bán lẻ cao hơn dự kiến, thị trường việc làm phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong 11 năm trở lại đây (4,8%)...

Kịch bản chưa ngã ngũ

Năm 2017, nước Anh sẽ chính thức bước vào giai đoạn tiến hành đàm phán với EU để rút khỏi liên minh này, dự kiến là tháng 4/2019. Sức ép từ các nghị sĩ quốc hội và các đảng phái chính trị đã buộc chính phủ cam kết vào đầu năm 2017 sẽ công bố chi tiết nội dung đàm phán với các nước EU.

Thủ tướng Anh Theresa May tại số 10 phố Downing ở London ngày 15/9. Ảnh: EPA/TTXVN

Tuy nhiên, Thủ tướng May bác bỏ yêu cầu nội dung đàm phán này phải được Quốc hội Anh thông qua. Các nội dung đàm phán của Chính phủ Anh với EU sẽ là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trên chính trường Anh năm 2017, và chính những tranh cãi này sẽ đẩy nước Anh bước vào thời kỳ bất ổn định khi mà các nhà đầu tư, giới chủ cũng như người lao động đều trong tình trạng lo lắng bất an. Điều này sẽ tác động không tốt đến nền kinh tế Anh cũng như vị thế của Anh tại châu Âu.

Thách thức lớn của Thủ tướng Theresa May hiện nay là làm thế nào để nước Anh tránh được những thua thiệt về kinh tế, chính trị khi rời khỏi “mái nhà chung”. Các nghị sĩ, các đảng phái chính trị khác nhau ở Anh, cũng như lãnh đạo EU đều đưa ra những điều kiện đòi London phải đảm bảo mọi quyền lợi họ đang có hiện nay, khi Anh còn là thành viên EU, không bị mất đi: đó là tự do cư trú, tự do luân chuyển vốn, công nghệ, các dịch vụ tài chính và nguồn nhân lực giữa Anh và các nước trong EU.

Trong bối cảnh vấn đề người nhập cư, đặc biệt từ Đông Âu, đang tạo ra sức ép lớn lên an sinh xã hội và kích động làn sóng bài nhập cư ở Anh, Chính phủ của bà May đã thể hiện quan điểm về quyền được kiểm soát đường biên giới, không muốn tiếp tục duy trì quy định tự do đi lại, làm việc của người dân các nước EU tới Anh. Nhưng điều này lại được cho là điều kiện tiên quyết của EU: nếu Anh muốn đàm phán để có quy chế tham gia thị trường chung châu Âu thì phải chấp nhận quyền tự do đi lại của các công dân EU.


Một kịch bản Brexit “cứng”, khi nước Anh hoàn toàn “dứt khoát đoạn tuyệt" EU, sẽ không xây dựng một tư cách thành viên đặc biệt trong khối thị trường chung EU và không có các ưu đãi thương mại, hay một phương án mềm mỏng hơn, vẫn chưa thể ngã ngũ, trong bối cảnh phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh yêu cầu Chính phủ Anh phải có được sự phê chuẩn của quốc hội mới được phép kích hoạt tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU), có thể "đảo lộn" kế hoạch tiến hành cuộc "ly hôn" lịch sử này.

Những bất ổn liên quan vị trí của Anh tại châu Âu sau Brexit được coi là một nhân tố gây sức ép bất lợi lên tăng trưởng kinh tế, khi đồng bảng Anh nhiều khả năng sẽ tiếp tục mất giá trong năm 2017. Sự suy yếu của đồng bảng Anh sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng trong nước, khiến tăng trưởng kinh tế giảm, trong khi lạm phát năm 2017 có thể lên tới mức 3%.

Tranh luận giữa EU và Anh trong quá trình đàm phán Brexit sẽ dẫn đến đầu tư kém đi do nguy cơ bất ổn định mang lại. Thị trường việc làm cũng sẽ chịu tác động, trong đó vấn đề đáng lo ngại là tình trạng thiếu lao động trình độ cao cũng như những hạn chế trong tiếp cận thị trường lao động.

Ngay từ bây giờ, một số lĩnh vực ở Anh, như nông nghiệp và kỹ thuật, đang rất khó tuyển dụng nhân công từ EU trong bối cảnh đồng bảng mất giá và người lao động không thể chắc chắn liệu họ có được ở lại Anh sau Brexit hay không. Đa số các chuyên gia cho rằng thời hạn 2 năm hoàn tất đàm phán mà bà May và một số quan chức EU đưa ra là khó khả thi.

Bên cạnh bài toán bảo vệ quyền lợi kinh tế của nước Anh trong tiến trình đàm phán với EU, Thủ tướng Theresa May còn phải nỗ lực để duy trì vị thế của Anh tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), duy trì được mối quan hệ đồng minh đặc biệt vốn có với Mỹ trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang có rất nhiều ý tưởng về “một trật tự thế giới mới". Một năm 2017 đầy thách thức và sóng gió hơn, cùng những diễn biến chưa thể dự đoán, đang chờ đợi nước Anh.

Diễm Quỳnh (Phóng viên TTXVN tại Anh )
Brexit và tương lai đồng bảng Anh
Brexit và tương lai đồng bảng Anh

Cuộc trưng cầu dân ý để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là vấn đề Brexit, sẽ thay đổi tiến trình lịch sử nước Anh, đó là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đưa ra hồi tháng trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN