Nơi ý tưởng gặp gỡ cơ hội

Từ ngày 1-3/11, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) lần thứ 23 sẽ được tổ chức ở thủ đô Kigali của Rwanda với chủ đề “Xây cầu nối tới tương lai bền vững”, nơi các nhà lãnh đạo và chuyên gia đánh giá, xem xét lại các dự báo hoạt động và phân tích những thách thức của ngành du lịch.

Chú thích ảnh
Khách du lịch đi thuyền gondola tại Venice, Italy. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh của WTTC được tổ chức tại một nước châu Phi, ghi nhận sự tăng trưởng phi thường mà ngành du lịch và lữ hành trên khắp "lục địa Đen" đã chứng kiến trong những năm gần đây. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, hứa hẹn định hình lại ngành du lịch và lữ hành toàn cầu trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh các nước đã quay trở lại guồng quay phát triển du lịch và lữ hành sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tại cuộc họp báo hồi đầu tháng 10, bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WTTC, cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu này là lời kêu gọi giới lãnh đạo, nhà đổi mới và người tạo ra sự thay đổi từ mọi nơi trên hành tinh cùng nhau xây dựng tầm nhìn mới cho lĩnh vực này”. Theo bà, đây là một cơ hội tuyệt vời để đi đầu trong việc định hình một lĩnh vực không chỉ có khả năng phục hồi mà còn cam kết tuân thủ các nguyên tắc bền vững và toàn diện.

Bà Simpson nhấn mạnh: “Rwanda là địa điểm hoàn hảo cho hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của chúng tôi, khi ngành du lịch bước sang một chương mới quan trọng. Châu Phi có dân số trẻ nhất thế giới và đến năm 2033, cứ 13 USD được tạo ra trên lục địa này thì có 1 USD đến từ lĩnh vực du lịch; Ngoài ra, cứ 17 công việc thì có 1 công việc tương ứng với ngành này. Điều này chứng tỏ tiềm năng to lớn của ngành du lịch ở khu vực trong việc tạo ra việc làm mới và tăng trưởng kinh tế mới cho giới trẻ Rwanda và khắp châu Phi”.

Sự kiện thường niên này có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành du lịch và lữ hành, quy tụ hàng nghìn nhà lãnh đạo và chuyên gia trong ngành cũng như các đại diện chủ chốt của chính phủ để tiếp tục nỗ lực hỗ trợ sự phát triển của ngành và hướng tới một tương lai an toàn hơn, kiên cường hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn.

Với các phiên thảo luận về khả năng phục hồi và tăng trưởng bền vững, tác động ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo (AI), tìm hiểu các thị trường mới và mới nổi, hội nghị thượng đỉnh toàn cầu sẽ đề cập đến những cơ hội và thách thức chính mà ngành du lịch phải đối mặt.

Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Rwanda (RDB) Francis Gatare nêu rõ hội nghị quan trọng này là dành cho toàn bộ "lục địa Đen" bởi châu Phi có một số đặc điểm và trải nghiệm du lịch ngoạn mục nhất trên thế giới và lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế liên tục của lục địa bằng cách tạo ra hàng triệu việc làm. Ông Gatare khẳng định Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu WTTC năm nay sẽ cung cấp một nền tảng tuyệt vời để xây dựng những cầu nối xuyên suốt hệ sinh thái du lịch và lữ hành, đồng thời cùng thiết kế một tương lai bền vững để phát huy hết tiềm năng của ngành này.

Nghiên cứu tác động kinh tế mới nhất từ cơ quan du lịch toàn cầu cho thấy ngành du lịch và lữ hành châu Phi sẽ có 10 năm phát triển "đáng kinh ngạc". Theo dự báo, đến năm 2033, ngành này sẽ tăng mức đóng góp vào GDP lên 15.500 tỷ USD, chiếm 11,6% nền kinh tế toàn cầu và sẽ tạo việc làm cho 430 triệu người trên khắp thế giới, tương đương gần 12% dân số làm việc trong ngành công nghiệp.

Riêng đối với châu Phi, vào năm 2033, WTTC dự đoán rằng ngành lữ hành và du lịch sẽ đóng góp hơn 300 tỷ USD cho nền kinh tế châu lục, tương đương 7% GDP của châu lục trong thập niên tới, trong khi việc làm trong lĩnh vực này sẽ tăng đáng kể, đạt tổng số hơn 36 triệu. Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) được thực hiện từ năm tạo nên khu vực có số lượng người tham gia lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và dịch vụ trên khắp lục địa. 

Tại nước chủ nhà Rwanda, WTTC dự báo đến năm 2033, ngành du lịch và lữ hành sẽ đóng góp hơn 2,1 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia và sẽ hỗ trợ gần 568.000 việc làm. Đây là minh chứng cho cam kết của Rwanda đối với du lịch bền vững, đa dạng hóa những trải nghiệm và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học, văn hóa, di sản và nghệ thuật phong phú của nước này.

Trong Chiến lược chuyển đổi quốc gia kéo dài 7 năm đang được thực hiện, Rwanda đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu du lịch từ 445 triệu USD kiếm được vào năm ngoái lên hơn 800 triệu USD và trở thành một trong những điểm đến du lịch sinh thái sang trọng hàng đầu thế giới.

Mặc dù vậy, triển vọng phát triển ngành du lịch tại châu Phi vẫn còn nhiều thách thức. Chi phí đi lại cao và mạng lưới giao thông kém trong và giữa các quốc gia khiến việc lập kế hoạch cho chuyến đi trở nên khó khăn hơn so với các điểm đến phát triển hơn khác. Ngay cả vấn đề thị thực giữa các quốc gia trong lục địa cũng là một rào cản gây tốn kém. Dữ liệu trước đại dịch của WTTC cũng cho thấy du lịch nội địa chiếm 55% chi tiêu ở châu Phi, so với 83% ở Bắc Mỹ và 64% ở châu Âu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở châu Phi có thể tạo tiềm năng du lịch trong nước và khu vực. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính trước đại dịch, tầng lớp trung lưu ở châu Phi khoảng 170 triệu người trải khắp lục địa và các nền kinh tế đa dạng, bao gồm Kenya, Ai Cập, Maroc và Nigeria.

Ngân hàng Phát triển châu Phi coi 1/3 dân số lục địa này là tầng lớp trung lưu dựa trên mức chi tiêu hằng ngày từ 2-20 USD, còn công ty dữ liệu Fraym xác định “tầng lớp người tiêu dùng” gồm 330 triệu người bằng cách phân tích quyền sở hữu và trình độ học vấn. Châu lục này có dân số trẻ nhất thế giới, với hơn 60% người châu Phi dưới 25 tuổi, càng thể hiện một phân khúc du lịch tiềm năng đáng được nuôi dưỡng.

Rõ ràng, việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo cho những điểm đến ở châu Phi, làm nổi bật các dịch vụ đa dạng của lục địa này là điều cần thiết. Có thể thấy, mặc dù các điểm đến ở châu Phi có những điểm hấp dẫn chung như thiên nhiên hoang dã, "ngũ đại dã thú" (Big Five, 5 loài động vật lớn ở châu Phi gồm voi, sư tử, báo hoa mai, tê giác và trâu rừng), nhưng mỗi điểm đến đều có những khía cạnh văn hóa và lịch sử độc đáo gắn liền với người dân địa phương và di sản của họ.

Với xu hướng phục hồi trên toàn cầu sau đại dịch COVID-19 cũng như triển vọng mới trong ngành du lịch từ “lục địa Đen”, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu WTTC 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi được kỳ vọng sẽ trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi này, mang đến một nền tảng nơi những ý tưởng mang tinh thần sôi động gặp gỡ cơ hội, cũng là nơi tương lai của du lịch và lữ hành sẽ được vẽ lại và xác định lại.

Hồng Minh (Phóng viên TTXVN tại châu Phi)
Việt Nam tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế châu Á tại Singapore
Việt Nam tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế châu Á tại Singapore

Từ ngày 25-27/10 tại Trung tâm triển lãm Marina Bay Sands của Singapore đã diễn ra Hội chợ Thương mại Du lịch Quốc tế châu Á (ITB Asia 2023) với sự tham gia của hơn 80 cơ quan, tổ chức du lịch cùng hơn 1.800 các nhà triển lãm, trưng bày quốc tế và khu vực, trong đó Việt Nam đã tham dự tích cực với nhiều gian hàng của các tỉnh/thành và các doanh nghiệp lữ hành, du lịch hàng đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN