Ngày 16/1/2018, tại Geneva (Thụy Sĩ) diễn ra buổi họp báo trước thềm Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 (WEF 2018). Ảnh: Hoàng Hoa /Pv TTXVN tại Thụy Sĩ |
Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt”, Diễn đàn Davos 2018 năm nay tập trung vào thúc đẩy sự chia sẻ, chung sức của cộng đồng quốc tế để đối phó với những thách thức toàn cầu vì lợi ích chung.
Diễn ra từ ngày 23 – 26/1, WEF năm nay quy tụ một số lượng kỷ lục các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, các học giả và giới truyền thông. Những thách thức toàn cầu nổi cộm dự kiến được mang ra bàn thảo tại hội nghị lần này bao gồm tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo đối với thị trường lao động, sự gia tăng của tình trạng phân hóa giàu – nghèo, bất bình đẳng giới, vấn đề biến đổi khí hậu và các mối đe dọa an ninh như khủng bố. Ngoài ra, các vấn đề như các cuộc xung đột địa - chính trị leo thang hay môi trường năng lượng mới dự kiến cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.
Có thể nói, WEF lần thứ 48 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trong năm qua ghi nhận những gam màu tươi sáng. Từ đầu tàu kinh tế thế giới cho tới các nước phát triển và mới nổi, các hoạt động kinh tế đều được ghi nhận khả quan hơn so với dự báo ban đầu. Không chỉ Mỹ, Trung Quốc, mà châu Âu, Nhật Bản, những nền kinh tế vốn được xem có tốc độ tăng trưởng ảm đạm trong nhiều năm qua, cũng đã bứt phá và trở thành động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu khởi sắc. Giới chuyên gia cùng các thể chế kinh tế uy tín hàng đầu đều dự đoán đà thuận lợi này có thể kéo sang năm 2018, giúp kinh tế thế giới duy trì tăng trưởng ổn định trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng có thể lên tới 3,7-4% vào năm nay.
Bức tranh kinh tế tích cực trên khiến các đại biểu đến Davos lần này kỳ vọng thế giới đang quay trở lại thời kỳ kinh tế ổn định “Great Moderation”, giai đoạn cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi kinh tế tại các nước phát triển ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và tỷ lệ lạm phát thấp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn quá sớm để nghĩ đến thời kỳ “Great Moderation”, bởi nỗi lo âu về một thế giới chia rẽ sâu sắc trong hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, chính trị lẫn xã hội… đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Chủ tịch Tập đoàn Eurasia Ian Bremmer từng nhận định: "Thành thật mà nói: năm 2018 không phải là năm tốt lành. Mặc dù kinh tế tăng trưởng, nhưng người dân bị chia rẽ, các chính phủ không làm tốt nhiệm vụ điều hành, và trật tự toàn cầu đang bộc lộ những rắc rối". Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt” cho thấy nhận thức chung của các nhà lãnh đạo về một thế giới bị chia rẽ sâu sắc do sự cạnh tranh gia tăng giữa các nước cũng như những mâu thuẫn trong xã hội, đòi hỏi ráo riết nỗ lực để tìm kiếm giải pháp hàn gắn những rạn nứt này.
Trong năm qua, châu Âu không ít lần xáo trộn vì bất đồng và chia rẽ. Đó là việc nước Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau bao năm gắn bó, hay như là cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập của vùng tự trị Catalonia ở Tây Ban Nha… Nếu như thắng lợi ngoạn mục của ông Emmanuel Macron trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Pháp thắp lên hy vọng về một nước Pháp và một châu Âu thống nhất, thì chiến thắng của tân Thủ tướng Áo Sebastian Kurz lại là minh chứng cho thấy “cơn thủy triều” của tư tưởng cực hữu, chủ nghĩa dân túy cực đoan vẫn đang dân lên và gây chia rẽ trong lòng xã hội châu Âu.
Trong khi đó, những khu vực khác trên thế giới cũng như mối quan hệ giữa các cường quốc đều xuất hiện những rạn nứt. Điểm nóng này chưa “nguội” đã liên tiếp xuất hiện các điểm nóng mới. Trong đó phải kể đến mối bất hòa giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong năm qua không những không được cải thiện, mà còn bị khoét sâu bởi những bất đồng quan điểm sâu sắc trong nhiều vấn đề chủ chốt; Quan hệ Nga – Mỹ không ngừng căng thẳng với các hành động đáp trả lẫn nhau về cả ngoại giao và kinh tế; “Lò lửa” Trung Đông vốn đã rừng rực với hàng loạt cuộc xung đột, lại được “đổ thêm dầu” bởi quyết định đơn phương của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, hay cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh mà nguyên nhân sâu sa là sự tranh giành ảnh hưởng giữa các quốc gia, phe phái… Chính bối cảnh địa-chính trị suy yếu này là yếu tố dẫn tới triển vọng bi quan trong năm nay, với mối lo ngại các cuộc đối đầu chính trị giữa các cường quốc lớn sẽ càng diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, “làn gió mới” mang tên Donald Trump cũng khiến thế giới bao phen lo âu. Trong năm đầu cầm quyền, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ xuất thân từ doanh nhân này đã thực thi chính sách kinh tế thực dụng, nhất là thể hiện xu hướng ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, giảm mạnh ngân sách đóng góp cho Liên hợp quốc, rút khỏi nhiều thỏa thuận và cam kết quốc tế quan trọng .v.v. Những quyết sách của ông Trump đã đánh thẳng vào các nguyên tắc mà các nhà lãnh đạo dự WEF 48 vốn luôn tin tưởng, như thương mại tự do, toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương, hợp tác để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới.... Bởi vậy, với sự tham gia lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, WEF năm nay được dự báo sẽ có những màn tranh cãi gay gắt về chính sách giữa nhà lãnh đạo nền kinh tế số 1 thế giới với các đại biểu khác.
Mặt khác, mâu thuẫn xã hội ngày càng gia tăng khi sự phân bổ không đồng đều lợi ích của toàn cầu hóa đang nới rộng thêm khoảng cách giữa những người cố đua lên hàng đầu và những nhóm còn phải vật lộn để giữ mình ở hạng trung hay không để bị rơi xuống đáy xã hội. Mức độ phân hóa giàu – nghèo cũng trở nên trầm trọng hơn khi người giàu ngày càng giàu hơn còn người nghèo tiếp tục bị bỏ lại phía sau. Ước tính, nhóm 1% người giàu nhất thế giới hiện sở hữu khối tài sản có giá trị còn lớn hơn nhiều số tài sản của nhóm 99% còn lại. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu cũng góp phần làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển. Thực tế cũng cho thấy những nước nghèo trên thế giới là các nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất trước những hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc đã hơn một lần cảnh báo thiên tai sẽ làm gia tăng xung đột về nguồn tài nguyên, thúc đẩy các dòng người di cư, gây nên tranh chấp về lãnh thổ, việc làm, văn hóa cùng nhiều nguy cơ về kinh tế, xã hội khác.
Trong một thế giới biến động và chia rẽ như vậy, WEF năm nay được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để lãnh đạo các nước và các nhà doanh nghiệp hàng đầu nghiêm túc thảo luận, thúc đẩy một sự hợp tác đa phương rộng lớn và bao trùm hơn nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đây cũng là nơi các bên có thể tìm thấy sự đồng thuận về các giải pháp trong nỗ lực hàn gắn một thế giới còn nhiều rạn nứt.