Sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã công khai xin lỗi vì bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga và vừa có cuộc gặp nhằm xây dựng lại quan hệ với Tổng thống Putin tại Saint Petersburg. Theo Điện Kremlin, tân Thủ tướng Anh Theresa May đã điện đàm với ông Putin nhằm lên kế hoạch về những cuộc tiếp xúc trực tiếp trong tương lai gần. Hai bên cùng bày tỏ không hài lòng với tình trạng hợp tác giữa hai nước và cam kết tăng cường đối thoại giữa các cơ quan tình báo hai nước trong việc đảm bảo an ninh hàng không.
Những cuộc gặp này đã và sẽ phá hỏng nỗ lực của Mỹ và châu Âu trong việc trừng phạt Nga thông qua các biện pháp kinh tế, hạn chế tài chính, phong tỏa tài sản, cấm vận đi lại với các quan chức Nga và đưa vào sổ đen các công ty của nước này.
Tổng thống Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Tayyip Erdogan (phải) tại cuộc hội đàm ở Saint Peterburg. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun - hye dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Putin bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok (Nga) vào ngày 2 - 3/9 tới. Trước đó, ông Abe cũng đã gặp nhà lãnh đạo Nga hồi tháng 5 vừa qua tại Sochi để thảo luận về các nỗ lực của Nga trong việc phát triển vùng lãnh thổ Siberia ở vùng Viễn Đông, một chính sách đối nghịch với chính sách tái cân bằng của Mỹ. Bên cạnh đó, ông Abe cũng hy vọng Tổng thống Putin sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 12 tới, bất chấp sự phản đối của Mỹ.
Theo chuyên gia James Brown, tác giả cuốn "Nga, Nhật và cuộc tranh chấp lãnh thổ", mục đích của ông Abe là trao đổi với ông Putin về việc Nga hoàn trả 4 hòn đảo Etorofu, Kunashiri, Shikotan và Habomai mà nước này gọi là Lãnh thổ phương Bắc, vốn nằm dưới quyền kiểm soát của Nga từ cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai với tên gọi quần đảo Kuril, cho dù việc này là rất khó khả thi do sự phản đối ở trong nước Nga. Ông Brown cho rằng mặc dù Nga đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân với Trung Quốc tại Biển Hoa Đông hồi năm ngoái và Biển Đông trong năm nay, nhưng kể từ năm 2013, Nhật Bản đã ít coi Nga là một mối đe dọa và thay vào đó là một đối tác an ninh tiềm năng. Chuyên gia này nhận định: "Họ đang đi khác với các cam kết an ninh với Mỹ. Họ không muốn chịu cảnh cô độc trong một khu vực với sự thù địch với Trung Quốc và Nga". Nhật Bản không lo ngại Nga tấn công Hokkaido mà lo ngại hơn khả năng Trung Quốc chiếm lãnh thổ ở phía Nam.
Tuần trước, ông Putin đã sa thải Chánh văn phòng Tổng thống và bổ nhiệm chuyên gia về Nhật Bản Anton Vaino vào vị trí trên, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Nga.
Dự kiến cuộc gặp của bà Park với ông Putin sẽ tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế và nỗ lực kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn không tham gia các hoạt động trừng phạt Nga của Mỹ. Ko Jae - nam, chuyên gia về Nga tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc ở Seoul, cho biết Nga muốn xây dựng một tuyến đường ống vận chuyển khí đốt xuống miền Nam đi qua Triều Tiên nhưng việc này sẽ không thể xảy ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, có triển vọng cho sự hợp tác giữa Nga và Hàn Quốc trên các lĩnh vực khác, trong đó có việc phát triển tuyến đường biển qua Bắc cực tới châu Âu.
Ông Ko Jae - nam nhấn mạnh: "Hàn Quốc là một quốc gia bị chia cắt và chúng tôi muốn hợp tác với Nga để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi muốn duy trì quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng. Đó là lý do tại sao Mỹ muốn Hàn Quốc cùng tham gia trừng phạt Nga nhưng Hàn Quốc đã không hùa theo". Tóm lại, đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nỗ lực cô lập Nga của Mỹ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea dường như đã thất bại.