Tờ Nikkei Asia đưa tin là đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực, Nhật Bản hồi tháng trước đã cam kết cung cấp gói viện trợ tài chính bổ sung trị giá 5,5 tỷ USD cho Ukraine. Theo Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, Tokyo đã hỗ trợ 600 triệu USD cho Kiev, cũng như hàng trăm triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
Nhưng về mặt quân sự, cho đến nay, nước này chỉ mới gửi áo chống đạn và các thiết bị phi sát thương khác cho Ukraine. Do theo quy định hiện hành, Nhật Bản chỉ có thể chuyển giao máy bay chiến đấu, xe bọc thép và tên lửa cho những quốc gia góp mặt trong các dự án sản xuất và phát triển vũ khí chung.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản và đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã đề xuất ý tưởng mở rộng số lượng quốc gia đủ điều kiện xuất khẩu vũ khí. Với những thay đổi đó, các quốc gia vướng vào xung đột quân sự sẽ đủ điều kiện nhận vũ khí của Tokyo.
Theo Chiến lược An ninh Quốc gia, vừa sửa đổi vào tháng 12/2022, quy định về xuất khẩu quốc phòng “sẽ được xem xét để sửa đổi”.
Tuần trước, Thủ tướng Fumio Kishida cũng đã kêu gọi các nhà lập pháp sửa đổi các quy tắc xuất khẩu vũ khí. Ông cho rằng: “Mở rộng xuất khẩu quân sự sẽ trở thành một công cụ chính sách quan trọng, giúp hỗ trợ các quốc gia là nạn nhân trong cuộc tấn công vi phạm luật pháp quốc tế”.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị đón tiếp lãnh đạo các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima. Hội nghị thượng đỉnh dự kiến được tổ chức vào tháng 5 tới sẽ tạo cơ hội cho Tokyo thể hiện sức mạnh ngoại giao và củng cố mặt trận thống nhất giữa các quốc gia hỗ trợ UKraine.
Sau màn mở đầu với vũ khí hạng nhẹ, Mỹ cùng nhiều quốc gia phương Tây đã bắt đầu cung cấp vũ khí hạng năng cho Ukraine - như xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp và hệ thống phòng không tiên tiến. Quyết định gửi vũ khí mạnh hơn tới Kiev cho thấy mong muốn xây dựng mặt trận thống nhất hỗ trợ Ukraine đối phó Nga đã chiến thắng mối lo ngại về việc khiêu khích Moskva ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, những hạn chế về xuất khẩu vũ khí theo quy định nay làm dấy lên lo ngại rằng Tokyo đang ở vị thế yếu khi dẫn dắt các cuộc thảo luận ngoại giao. Thủ tướng Kishida là nhà lãnh đạo G7 duy nhất chưa đến thăm Ukraine.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh vào đầu những năm 1990, Nhật Bản đã góp 13 tỷ USD cho liên minh do Mỹ lãnh đạo, nhưng không cử bất kỳ binh sĩ nào của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia cuộc chiến. Điều này khiến Chính phủ Nhật Bản phải hứng chịu những lời chỉ trích liên quan đến chính sách “ngoại giao chi phiếu”.
Thủ tướng Kishida đã nhiều lần cảnh báo rằng “Đông Á có thể trở thành Ukraine tiếp theo”. Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga, cũng như hợp tác sâu rộng với các cường quốc phương Tây trên mặt trận quân sự, sẽ là biện pháp ngăn chặn kịch bản này một cách hiệu quả.
Trong phát biểu hồi đầu tuần, nhà lập pháp Masahisa Sato cho rằng nếu xảy ra tình huống bất ngờ ở Nhật Bản, Tokyo cũng sẽ cần quốc gia khác viện trợ vũ khí và đạn dược bởi tiềm lực trong nước gần như không đủ đáp ứng.
“Nhật Bản có thể yêu cầu giúp đỡ hay không, khi chúng ta không viện trợ cho nước khác trong lúc họ gặp khủng hoảng?”, chính trị gia này đặt câu hỏi. Ông Sato đã đề nghị Nhật Bản gửi nhiều hệ thống phóng tên lửa tới Ukraine.
Trong khi đó, ông Itsunori Onodera - nhà lập pháp LDP, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - đã tổ chức một cuộc họp kín với các nhà lập pháp có cùng chí hướng nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu vũ khí.
Dự kiến sau cuộc bầu cử địa phương vào tháng 4, chính phủ Nhật Bản và liên minh cầm quyền LDP cũng bắt đầu các cuộc tranh luận chính thức về vấn đề trên. Tuy nhiên, tờ Nikkei dự đoán phe ủng hộ sẽ đối mặt áp lực từ công chúng khi có nhiều người cực kỳ phản đối ý tưởng này. Cuộc thăm dò của Nikkei công bố mới đây cho thấy, 76% số người được hỏi cho rằng Nhật Bản không cần thiết phải cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong khi chỉ có 16% ủng hộ.
Ngoài các quốc gia đang trong xung đột, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét xuất khẩu vũ khí sang những nước có quan hệ hợp tác về an ninh. Động thái chuyển giao này sẽ vượt ra ngoài phạm vi các bên tham gia dự án sản xuất và phát triển vũ khí chung.
Các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ xem xét các khuôn khổ như dự án quốc phòng giữa Nhật, Anh, Italy. Theo khuôn khổ mới, hai quốc gia còn lại có thể tự do xuất khẩu sang nước thứ 3 chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo mà họ đang cùng phát triển và sản xuất với Nhật Bản. Quy định hiện hành không cho phép xuất khẩu vũ khí theo khuôn khổ này vì máy bay chiến đấu có chứa các linh kiện của Nhật Bản.