Lý do là Công đảng đã thể hiện sự đoàn kết và năng lực và đó không phải là một chiến thắng tầm thường.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu tại Sydney, sau khi Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang, ngày 3/5/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN
Phân tích thắng lợi của Thủ tướng Albanese, các chuyên gia cho rằng điều này bắt nguồn từ mong muốn ổn định của cử tri Australia trong một thế giới vốn đã đầy biến động. Việc Thủ tướng Albanese tái đắc cử là sự ghi nhận của cử tri đối với những chính sách của chính quyền nhiệm kỳ vừa qua. Bên cạnh đó, những chính sách mà ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, vấn đề nhà ở, chăm sóc y tế, giảm phí trông trẻ, giảm các hóa đơn năng lượng… cũng đã chiếm được cảm tình của người dân “xứ Chuột túi”.
Giáo sư Paul Strangio, chuyên ngành chính trị của Đại học Monash, cho rằng giờ đây, khi được cử tri Australia gửi trọn niềm tin một lần nữa, Thủ tướng Albanese cần phải hành động mạnh mẽ hơn, thúc đẩy đất nước tiến lên một cách kiên cường, chứ không nên coi thành công trong cuộc bầu cử là bằng chứng cho lời tự sự rằng ông luôn bị đánh giá thấp, rằng ông không cần phải đi chệch khỏi công thức nhiệm kỳ đầu tiên.
Theo Giáo sư Strangio, Thủ tướng Albanese là một người có thiện chí với những giá trị rõ ràng. Đó là một phẩm chất đáng quý. Việc có một thủ tướng như vậy là điều thực sự an tâm đối với người dân Australia trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay. Ông Albanese cũng là một thủ tướng tài giỏi và may mắn. Tuy nhiên, cử tri Australia chắc chắn sẽ mong đợi nhiều hơn thế ở ông. Nhiệm kỳ thứ hai sẽ là bài sát hạch khả năng “vững tay chèo” của ông trước những “cơn sóng cả”, đưa Australia vượt qua mọi khó khăn hay không.
Trong bối cảnh trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ đang thay đổi theo cách chưa từng thấy trong nhiều thập niên, một số chuyên gia cho rằng chính phủ của Thủ tướng Albanese nhiệm kỳ hai sẽ phải đối mặt với một “thế giới hỗn loạn” và phải thích nghi nhanh chóng, bao gồm những thay đổi chính sách mạnh mẽ của Mỹ, các tranh chấp thương mại, các cuộc chiến tranh đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông.
Các liên minh an ninh đang bị thách thức và an ninh kinh tế không ổn định, khiến cử tri đặt câu hỏi về ý nghĩa của điều này đối với vị thế của Australia trên thế giới. Các nhà phân tích, kinh tế và chuyên gia quốc phòng đã đưa ra nhiều lời khuyên về những gì mà chính phủ của Thủ tướng Albanese cần giải quyết trước tiên trong nhiệm kỳ tới để đảm bảo đất nước ổn định, an toàn và thành công.
Peter Jennings - Giám đốc của Trung tâm Phân tích Chiến lược Australia và là cựu Thứ trưởng phụ trách chiến lược của Bộ Quốc phòng – đánh giá Australia đang ở trong "một tình huống rất khó khăn", cần phải giải quyết hậu quả của nhiều thập niên đầu tư không đủ cho quốc phòng". Vì vậy, chính phủ sắp tới cần ngừng lãng phí thời gian và phải xác định rằng 3 năm tới là thời điểm rất quan trọng để xây dựng năng lực phòng thủ, tập trung vào các giải pháp ngắn hạn và sản xuất tại địa phương do khu vực tư nhân thúc đẩy.
Trong khi đó, ông Sean Turnell - Giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Macquarie – cho rằng khó khăn lớn nhất mà Australia phải đối mặt trong thời gian tới là nền kinh tế quốc tế cực kỳ bất ổn, có thể gây ra những tác động to lớn đối với nền kinh tế Australia. Vì vậy, chuyên gia này lưu ý chính phủ sắp tới cần nghiêm túc dự phòng ngân sách cho những tình huống bất trắc và phát triển nền kinh tế. Trong bối cảnh Australia đang bước vào kỷ nguyên mới, chính phủ cần tạo ra một "bảng cân đối kế toán vững chắc " và đưa ngân sách vào vị trí có thể chịu được môi trường toàn cầu bất ổn. Theo ông, kinh tế và an ninh quốc gia gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu ngân sách được đảm bảo, sẽ tạo điều kiện để tăng chi tiêu quốc phòng.
Về đối ngoại, hầu hết các chuyên gia và nhà phân tích đều gợi ý chuyến thăm đầu tiên của thủ tướng tái đắc cử nên là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và cuộc điện đàm đầu tiên nên là với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bà Jennifer Parker - cựu sĩ quan hải quân và là chuyên gia an ninh hàng hải tại trường Cao đẳng An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), người có hơn 20 năm kinh nghiệm tại Bộ Quốc phòng Australia - nhấn mạnh việc chọn quốc gia mà Thủ tướng Albanese đến thăm sau khi tái đắc cử sẽ mang tính quyết định, đồng thời gợi ý Indonesia nên là quốc gia đó do việc củng cố mối quan hệ với nước láng giềng gần gũi này là tối quan trọng trên cả phương diện địa lý lẫn thương mại.
Bên cạnh đó, theo bà Parker, Australia cần nêu bật những thành tựu của mình với tư cách là một cường quốc tầm trung đáng tin cậy trong khu vực. Điều đó đòi hỏi phải đầu tư vào cả kiến trúc ngoại giao, bao gồm cả đầu tư viện trợ, cũng như kiến trúc quốc phòng.
Về phần mình, chuyên gia Richard Maude – nhà nghiên cứu chính sách có uy tín tại Viện Chính sách Xã hội châu Á và là cựu Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia – nhận định danh sách những việc cần làm của Thủ tướng Albanese nhiệm kỳ hai rất dài, song cần tập trung vào những vấn đề chính, bao gồm ổn định tài chính quốc gia và tăng chi tiêu quốc phòng, đầu tư vào các mối quan hệ đối tác đa dạng trong khu vực và toàn cầu, theo đó ưu tiên quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia, nâng cao vị thế trong khu vực Thái Bình Dương, coi trọng quan hệ với "nhóm cốt lõi" gồm Pháp, Đức, Anh và Ba Lan.
Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia về chính trị và chính sách đối ngoại Gorana Grgić của trường Đại học Sydney, cũng cho rằng Chính phủ Australia sắp tới cần thích nghi với một thế giới đang thay đổi, tiếp tục đào sâu và mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia khác, phải ưu tiên làm cho Australia kiên cường hơn trong kỷ nguyên được coi là "bất ổn toàn cầu sâu sắc" và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có xu hướng bị phá vỡ.
Tiến sĩ Grgić tin rằng nhà lãnh đạo Australia trong thời gian tới sẽ phải điều hướng một bối cảnh quốc tế rất khác so với trước đây. Bối cảnh toàn cầu hiện tại được đánh dấu bằng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt, sự phân mảnh ngày càng tăng. Vì vậy, ngoại giao của Australia phải nêu rõ lợi ích của mình với tư cách là một nền dân chủ tự do và cam kết vững chắc bảo vệ các giá trị của mình.
Lydia Khalil - Giám đốc chương trình của Chương trình Thách thức xuyên quốc gia tại Viện Lowy, chuyên gia về quan hệ quốc tế, an ninh quốc gia và phân tích tình báo chiến lược – cũng đồng tình với quan điểm của các chuyên gia khác về xu hướng đáng lo ngại là các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đang bị đảo lộn. Theo bà, nhà lãnh đạo Australia sẽ phải chuẩn bị cho người dân Australia rằng họ đang bước vào một trật tự toàn cầu hoàn toàn mới và vẫn đang phát triển. Thủ tướng phải truyền đạt giá trị của nền dân chủ Australia đến công chúng khi bất chấp những thách thức, Australia vẫn là một điểm sáng hiếm hoi trên vũ đài thế giới.