Những toan tính của Azerbaijan

Ngày 2/4, các lực lượng của Azerbaijan và Armenia đã giao tranh tại khu vực Nagorny - Karabakh. Đây là một trong những vụ đụng độ bạo lực nhất tại khu vực tranh chấp này kể từ khi hai nước thực thi Nghị định thư Bishkek năm 1994 và lệnh ngừng bắn tạm thời.

Ngay hôm sau 3/4, Azerbaijan đã đơn phương tuyên bố ngừng bắn. Tuy nhiên, ngày 4/4, Bộ Quốc phòng Armenia nhận định tình hình tại đường giới tuyến ở khu vực Nagorny - Karabakh vẫn rất căng thẳng, đồng thời cáo buộc lực lượng Azerbaijan "âm mưu sử dụng các phương tiện quân sự hạng nặng và máy bay chiến đấu, trong đó có hệ thống súng phun lửa hạng nặng cũng như máy bay không người lái". Về phần mình, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết quân đội nước này sẽ chuẩn bị tấn công thủ phủ Stepanakert của Cộng hòa Nagorny - Karabakh (NKR) tự xưng nếu các lực lượng do Armenia hậu thuẫn tiếp tục nổ súng nhằm vào dân thường gần khu vực nói trên.

Nhận định về tình hình tại Nagorny - Karabakh, mạng tin của Cơ quan phân tích thông tin tình báo "Stratfor" ngày 4/4 có bài viết cho rằng Azerbaijan đang mở các chiến dịch tấn công nhằm chiếm giữ thêm phần lãnh thổ, song chiến lược mới này mang tính cầm chừng với lý do một phần là nhằm ngăn chặn cuộc chiến bùng nổ rộng hơn, gây bất ổn định toàn khu vực, song quan trọng hơn là chiến lược này có thể hạn chế nguy cơ xung đột với Nga, nước vẫn duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể tại Armenia. Hầu hết các chiến dịch quy mô nhỏ, có thể được nhanh chóng chấm dứt, sẽ không tạo "cớ" để Nga can thiệp quân sự.

Lực lượng cứu hộ Azerbaijan chuyển binh sĩ bị thương trong cuộc giao tranh tại Nagorny - Karabakh tới bệnh viện ở thị trấn Terter ngày 3/4.

Tuy nhiên, chiến lược này không phải là không có rủi ro. Moskva có thể can thiệp để trợ giúp đồng minh Armenia dù Azerbaijan có nỗ lực giữ cho Nga đứng ngoài cuộc xung đột. Hiện phía Nga chưa phát đi tín hiệu nào về khả năng can thiệp, mà chỉ nói là "đang theo sát tình hình". Theo tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry ngày 4/4 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về những nỗ lực nhằm ngăn chặn bạo lực bùng phát tại khu vực Nagorno - Karabakh và cách thức lôi kéo Armenia và Azerbaijan nối lại đàm phán dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Trong khi đó, bản thân Armenia có thể cũng đang theo đuổi chiến lược riêng của mình, thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu. Nếu như Armenia chọn giải pháp này, chiến sự sẽ nhanh chóng leo thang vượt ra ngoài khu vực Nagorny - Karabakh, phá hỏng nỗ lực khoanh vùng xung đột của Azerbaijan.

Vì những lý do kể trên, Azerbaijan không thể chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để giải quyết cuộc tranh chấp Nagorny - Karabakh. Baku sẽ phải tiếp tục hối thúc giải pháp ngoại giao có sự tham gia của các nước láng giềng của Armenia cũng như Nga, nước đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở vùng Caucasus. Trong bối cảnh Nga đang gia tăng ảnh hưởng lên Armenia, Azerbaijan có thể tận dụng mối quan hệ thân thiết hơn của mình với Moskva nhằm thay đổi nguyên trạng tại Nagorny - Karabakh sao cho có lợi hơn cho họ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tới thăm Baku vào ngày 7/4. Có tin cùng ngày hôm đó Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cũng có mặt tại Armenia. Thậm chí trước khi chiến sự bắt đầu, các ngoại trưởng Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã có kế hoạch nhóm họp trong ngày 5/4.

Việc Baku nhanh chóng tuyên bố ngừng bắn cho thấy có thể Baku muốn giúp Nga thực hiện nỗ lực trung gian hòa giải. Moskva không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh thực sự và nếu như Nga phải can dự sâu, Thổ Nhĩ Kỳ cũng buộc phải nhảy vào cuộc nhằm tạo ra thế đối trọng với Nga tại vùng Caucasus. Azerbaijan sẽ được lợi nếu như các cường quốc khu vực cạnh tranh ảnh hưởng với nhau, chừng nào mà Baku có thể khiến các cường quốc nghĩ đến lợi ích của Azerbaijan khi đàm phán.

Baku hiểu rằng chỉ sử dụng sức mạnh quân sự thì không thể làm thay đổi nguyên trạng, đặc biệt do sự hiện diện của Nga tại Armenia. Tuy nhiên, Azerbaijan có thể thông qua vận động ngoại giao, dùng quân sự như một phần của chiến lược rộng hơn để buộc Armenia phải có sự nhượng bộ. Tuy nhiên, bất chấp những ý định "lành mạnh” của Baku, chiến lược của họ vẫn có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng hơn mà cả hai bên đều chưa sẵn sàng đón nhận.
Minh Nga
Azerbaijan phóng hỏa tiễn đa nòng ở Nagorny-Karabakh
Azerbaijan phóng hỏa tiễn đa nòng ở Nagorny-Karabakh

Azerbaijan đã sử dụng giàn rocket nhiều nòng Smerch trong cuộc giao tranh nổ ra ở Nagorny-Karabakh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN