Trước đó, Azerbaijan và Armenia liên tiếp cáo buộc nhau nã pháo, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên.
Binh sĩ Armenia đi dọc chiến hào tại khu vực giới tuyến với Azerbaijan ở Nagorny Karabakh. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Hãng tin Nga TASS dẫn thông báo của Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 3/4, cho biết trong thời gian 1 ngày đêm vừa qua, phía Armenia đã 137 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny Karabakh, với việc sử dụng súng cối 60,82 và 120 ly, súng phóng lựu và súng máy cỡ lớn bắn từ nhiều hướng.
Theo thông báo trên, phía Armenia đã nhiều lần dùng hỏa lực tấn công các vị trí của quân đội Azerbaijan ở dọc biên giới hai nước cũng như ở Nagorny Karabakh, thậm chí bắn vào các điểm dân cư của Azerbaijan gần biên giới.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng cáo buộc phía Armenia tiếp tục gây căng thẳng tình hình, bất chấp việc hai bên, theo sáng kiến và với sự trung gian của Nga, ngày 2/4 đã thỏa thuận khôi phục quy chế ngừng bắn tại khu vực này.
Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Armenia, từ sáng 3/4, phía Azerbaijan đã nối lại các cuộc pháo kích nhằm vào các vị trí của quân đội Armenia ở Nagorny Karabakh.
Theo thông báo của Armenia, các đợt pháo kích bắt đầu từ 6 giờ địa phương (9 giờ Hà Nội), đạn pháo bắn từ hướng Nam đường ranh giới, buộc các đơn vị tiền tiêu của quân đội Armenia phải áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành động tấn công của đối phương.
Bộ Quốc phòng Armenia cũng cho biết chiều 2/4, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Armenia David Tonoyan đã gặp đại sứ các nước Đức, Italy, Pháp và lãnh đạo phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Armenia để thông báo về tình hình căng thằng tại khu vực Nagorny Karabakh trong vài ngày qua cũng như những biện pháp phía Armenia áp dụng "để ngăn chặn và vô hiệu hóa các đợt tấn công của đối phương".
Nagorny Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của "Nhóm Minsk" thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng chủ tịch, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Cũng kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.