Những nhân tố chính đằng sau cuộc khủng hoảng Ukraine

Ukraine đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Cách mạng Cam năm 2004. Quốc gia này lại một lần nữa phải đứng trước sự lựa chọn giữa việc tiếp tục duy trì mối quan hệ với "người thầy cũ" Nga hay chuyển sang thắt chặt quan hệ với phương Tây trong tương lai.

Dưới đây là những nhân tố chính đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine:

1. Động lực khiến các cuộc biểu tình nổ ra

Tuần trước, trong một động thái đầy bất ngờ, Ukraine đã ngưng tất cả các cuộc đàm phán đầy khó khăn trong nhiều năm qua với Liên minh châu Âu (EU) bằng việc từ chối ký thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với liên minh này. Nếu được ký kết, thỏa thuận sẽ mở đường cho quốc gia thuộc Liên Xô cũ này được gia nhập EU hiện gồm 28 quốc gia thành viên.

Phe đối lập phản đối chính phủ hủy ký Hiệp định liên kết với EU. Ảnh: Reuters


Các quan chức Ukraine cuối cùng đã thừa nhận rằng sự đảo ngược chính sách lần này là do sức ép từ phía Nga. Nga đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt Ukraine để giữ cho "nước chư hầu" trong lịch sử này không bị rơi vào tầm ảnh hưởng của phương Tây. Tuy nhiên, quyết định này chỉ khiến làm tăng thêm rạn nứt giữa khu vực phía Tây ủng hộ việc gia nhập EU và khu trung tâm công nghiệp phía Đông nói tiếng Nga của Ukraine.

Thất bại trong việc ký kết thỏa thuận với EU cũng bắt nguồn từ việc Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối phóng thích đối thủ chính trị của ông là cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Bản án giam giữ nhân vật này trong 7 năm được đưa ra hồi năm 2011 đã bị phương Tây coi là đáng quan ngại.

2. Yêu cầu của phe đối lập

Ban đầu, phe đối lập mong muốn được chứng kiến cảnh ông Yanukovych tiến hành ký kết Hiệp định Liên kết với EU và bà Tymoshenko được thả. Tuy nhiên, việc ông Yanukovych từ chối ký kết thỏa thuận này tại hội nghị ở Vilnius (Litva) hôm 29/11 cùng với cuộc trấn áp những người biểu tình của cảnh sát rạng sáng ngày 30/11 lại càng củng cố quyết tâm của những người biểu tình.

Ba đảng phái đối lập chính trong Quốc hội nước này hiện mong muốn Tổng thống và nội các của ông phải từ chức và kêu gọi bầu cử sớm. Những người ủng hộ phe đối lập đã dựng lều trại ở quảng trường Độc lập, phong tỏa tòa nhà của chính phủ, chiếm đóng trụ sở chính quyền thành phố Kiev và kêu gọi một cuộc "tổng tấn công". Tại một số khu vực ở phía Tây, các quan chức đã rời bỏ nơi làm việc. Không giống như cuộc nổi dậy hòa bình kéo dài ba tuần hồi năm 2004, các cuộc biểu tình lần này đã đôi lúc biến thành các vụ bạo động khi cảnh sát đụng độ với người biểu tình, khiến rất nhiều người ở cả hai phe bị thương.

3. Quan điểm của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng gọi sự sụp đổ của Liên bang Xôviết là một trong số các bi kịch tồi tệ nhất trong lịch sử và hiện ông muốn thấy các quốc gia thuộc Liên Xô cũ dần tập hợp lại thành một khối thương mại và quân sự do Moskva lãnh đạo.

Trọng tâm kế hoạch của ông Putin là xây dựng Liên minh Hải quan (hiện đã có sự tham gia của Nga, Belarus và Kazakhstan). Ông Putin mong muốn tạo dựng liên minh này để tạo đối trọng về kinh tế với EU, một ước muốn khó có thể thực hiện nếu không có sự tham gia của Ukraine.

Tuần này, ông Putin ám chỉ rằng các cuộc biểu tình ở Ukraine dường như bị kích động bởi các quốc gia phương Tây. Ông cho rằng các cuộc biểu tình "đã được lên kế hoạch từ trước" và "giống như một cuộc tàn sát thay vì là một cuộc cách mạng". Trong chuyến thăm tới Yerevan (Armenia) hôm 2/12, ông Putin đã gửi tín hiệu rõ ràng đến Kiev, cho thấy những mối lợi về kinh tế nếu các nước tiếp tục nằm dưới sự che chở của Moskva với việc giảm 30% giá bán khí đốt cho Armenia. Cho đến tháng 9/2013, Armenia vẫn có ý định ký kết Hiệp định Liên kết với EU, song hiện nay, nước này đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán để gia nhập Liên minh Hải quan.


4. Lập trường của EU

EU đã kêu gọi cả chính quyền Ukraine và phe đối lập phải kiềm chế và cho biết họ đã sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với chính phủ Ukraine về Hiệp định Liên kết. Tuy nhiên, vì thiếu vắng ảnh hưởng ở Ukraine, EU đã không thuyết phục được ông Yanukovych có quan điểm mềm dẻo hơn. Tuần này, các quan chức EU sẽ đón tiếp một phái đoàn thương mại của Ukraine, song không nhiều người hy vọng vào tiến triển có thể đạt được trước mắt.

5. Sự lựa chọn của Ukraine

Dưới sức ép từ cả hai phía Đông và Tây, các quan chức Ukraine đã đưa ra nhiều biện pháp trái ngược nhau, cho thấy sự khủng hoảng trong ban lãnh đạo nước này.

Ngày 2/12, Thủ tướng Mykola Azarov đã tuyên bố các cuộc biểu tình chính là âm mưu "đảo chính". Tuy nhiên, đến ngày 3/12, ông lại đưa ra lời xin lỗi chính thức của chính phủ vì việc cảnh sát đã trấn áp cuộc biểu tình. Tổng thống Yanukovych khẳng định rằng chính phủ của ông vẫn hy vọng một ngày nào đó Ukraine sẽ gia nhập EU, song lại đưa ra các điều kiện mới liên quan đến tài chính cho việc ký kết Hiệp định Liên kết. Trong khi đó, ông Yanukovych có kế hoạch tới thăm Nga trong một vài ngày tới để ký kết một "lộ trình hợp tác" với ông Putin.


TTK
Thủ tướng Ukraine sẵn sàng đàm phán với người biểu tình
Thủ tướng Ukraine sẵn sàng đàm phán với người biểu tình

Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov tuyên bố sẵn sàng đàm phán với những người biểu tình phản đối việc chính phủ nước này quay lưng lại với châu Âu.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN