Theo đài RT (Nga), các cuộc giao tranh đã diễn ra không ngừng nghỉ trong suốt 10 tháng, khiến nhiều dân thường ở Gaza thiệt mạng mỗi ngày. Trong khi đó, hy vọng chấm dứt cuộc xung đột leo thang ngày càng tắt dần hơn với sự tham gia tiềm tàng của Hezbollah - lực lượng quân sự phi nhà nước tại Liban.
Trong nhiều năm Palestine và Israel đối đầu, cuộc xung đột hiện tại đã dẫn đến phản ứng công khai chưa từng có của quốc tế. Nhiều các cuộc biểu tình phản đối Israel đã được tổ chức tại các thành phố lớn trên khắp thế giới, yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Một số quốc gia châu Âu - bao gồm Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy - đã quyết định chính thức công nhận nhà nước Palestine.
Trong khi đó, một số quốc gia đã có lập trường cứng rắn hơn đối với các hành động của Israel. Tháng 12/2023, Nam Phi đã đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế của Liên hợp quốc về hành vi có thể vi phạm Công ước về Phòng ngừa và Trừng phạt Tội diệt chủng. Ngày 26/1, tòa án đã phán quyết Israel phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn nạn diệt chủng ở vùng đất Palestine. Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Algeria, Afghanistan, Pakistan, một số quốc gia Mỹ Latinh và các quốc gia khác có lập trường ủng hộ Palestine, yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và rút quân khỏi Gaza.
Hầu hết các bên tham gia khu vực và toàn cầu vẫn đang nỗ lực giải quyết xung đột, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy kết quả rõ ràng nào.
Nỗ lực của Nga
Nga, với tư cách là một phần của Bộ tứ Trung Đông về giải quyết xung đột Israel - Palestine, đã nhiều lần kêu gọi đàm phán và giải quyết căng thẳng dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngay cả trước các sự kiện ngày 7/10/2023.
Moskva tuyên bố rằng hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua việc thiết lập các cuộc đối thoại chính trị và thành lập một nhà nước Palestine dựa trên biên giới năm 1967. Nga cũng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp cấp cao giữa Hamas và Fatah, hai đảng chính trị chính của Palestine. Theo nước này, việc có một đại diện chính trị thống nhất của người dân Palestine là cần thiết để xây dựng lập trường chính và đại diện cho họ trong các cuộc đàm phán với Israel. Tuy nhiên, mọi sáng kiến của Nga đã bị Mỹ và EU, những bên cũng thuộc Bộ tứ Trung Đông, ngăn chặn.
Tác động từ Trung Quốc
Trung Quốc, trong nỗ lực củng cố vị thế quốc gia như một thế lực toàn cầu, đã can thiệp ngoại giao vào các cuộc xung đột quốc tế và khu vực, đặc biệt đáng chú ý ở Trung Đông.
Năm 2023, Bắc Kinh đã tạo điều kiện cho một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran. Nỗ lực này nhấn mạnh mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc đóng vai trò trung gian trong các tranh chấp kéo dài và phức tạp, như vấn đề Palestine.
Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cho cuộc xung đột Israel - Palestine, được đề xuất vào tháng 11 năm ngoái, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của nước này hướng tới mục tiêu thành lập hai quốc gia độc lập như một giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài dai dẳng. Đề xuất này là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề địa chính trị toàn cầu, tận dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của đất nước.
Sáng kiến hòa bình của Trung Quốc được xây dựng xung quanh một số nguyên tắc cơ bản. Đầu tiên, sáng kiến này thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau, khuyến khích cả Israel và Palestine thừa nhận chủ quyền và vị thế độc lập của nhau. Sự thừa nhận này rất quan trọng để khẳng định quyền tồn tại và chung sống hòa bình của hai bên. Kế hoạch này cũng ủng hộ việc quay trở lại biên giới năm 1967, với các điều chỉnh thông qua việc trao đổi đất đai được cả hai bên chấp thuận phù hợp với thực tế và nhu cầu hiện tại của cả hai bên.
An ninh cũng là một yếu tố quan trọng khác trong kế hoạch của Bắc Kinh. Theo đề xuất, kế hoạch bao gồm các đảm bảo an ninh mạnh mẽ cho cả hai quốc gia để giải quyết mối quan ngại của Israel về an toàn và cung cấp các cơ chế đảm bảo Palestine có thể duy trì trật tự trong biên giới và ngăn chặn các hành vi xâm lược. Cách tiếp cận cân bằng này nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài cùng với việc giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của cả hai bên, đặt nền tảng cho sự ổn định và hợp tác trong tương lai trong khu vực.
Tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã hợp tác với Liên đoàn Arab để khởi xướng ý tưởng tổ chức một hội nghị hòa bình lớn nhằm ổn định tình hình ở Gaza. Tuần tới, Trung Quốc sẽ tiếp đón đại diện của Hamas và Fatah để đàm phán, nêu bật vai trò tích cực của Bắc Kinh trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa các phe phái chính của Palestine và đóng góp vào tiến trình hòa bình nói chung.
Những nỗ lực của Trung Quốc không chỉ thể hiện tham vọng toàn cầu mà còn thúc đẩy lợi ích kinh tế của nước này ở Trung Đông, củng cố vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bất chấp tiến triển trong vấn đề Palestine, các sáng kiến hiện tại có thể phải đối mặt với những thách thức do quan hệ lạnh nhạt với Israel và tăng cường quan hệ giữa Tel Aviv và các đối tác chiến lược khác, chẳng hạn Ấn Độ. Những yếu tố này gây ra sự không chắc chắn trong cuộc đối thoại và có thể làm phức tạp thêm việc đạt được hòa bình lâu dài.
Mỹ cố gắng, nhưng gặp khó khăn
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tích cực tham gia vào các nỗ lực giải quyết cuộc xung đột kéo dài này.
Mặc dù có mối quan hệ chiến lược và quân sự chặt chẽ với Israel, Mỹ đã phản đối chiến dịch trên bộ của Tel Aviv ở Gaza, gây sức ép buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải kiềm chế và tìm kiếm các giải pháp hòa bình. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi Mỹ được cho là có thể bị thiếu nguồn lực cho một “cuộc chiến lớn” khác để bảo vệ Israel.
Do đó, khi xung đột bắt đầu leo thang, Mỹ cùng với Ai Cập và Qatar đã có những bước đi hướng tới hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, như lịch sử đã chứng minh, nhiều năm nỗ lực đã không dẫn đến lệnh ngừng bắn ổn định. Đầu tháng này, truyền thông đưa tin một thỏa thuận sơ bộ đã đạt được giữa Israel và Hamas, bao gồm lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin. Tổng thống Biden nhấn mạnh mặc dù các thoả thuận đã đạt được , song vẫn còn nhiều việc phải làm.
Chính quyền ông Biden đã đề xuất kế hoạch toàn diện nhằm giải quyết dần dần cuộc xung đột. Giai đoạn đầu tiên của kế hoạch bao gồm thiết lập lệnh ngừng bắn, trao đổi con tin đợt đầu, tăng khối lượng viện trợ nhân đạo và bắt đầu đàm phán để chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch.
Giai đoạn thứ hai bao gồm rút quân đội Israel khỏi Gaza và các nhóm Palestine trả tự do cho những con tin còn lại.
Giai đoạn thứ ba tập trung vào việc khởi xướng các dự án tái thiết Gaza với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, bao gồm các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các thể chế quan trọng của khu vực.
Việc thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này sẽ đòi hỏi những nỗ lực đáng kể và sự phối hợp cẩn trọng ở cấp độ quốc tế. Thành công của thỏa thuận giữa Israel và Hamas có thể là một bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình lâu dài, nhưng nó đòi hỏi sự ủng hộ của tất cả các bên liên quan, bao gồm sự tham gia tích cực của các cường quốc khu vực và các tổ chức quốc tế.
Mỹ, trong khi vẫn duy trì vai trò là đồng minh cam kết của Israel và tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự, phải đối mặt với nhu cầu cân bằng lợi ích chiến lược với mong muốn giải quyết xung đột một cách hòa bình. Sự cân bằng phức tạp này đòi hỏi Washington phải tiếp tục tìm cách ổn định khu vực, giảm căng thẳng và hỗ trợ tiến trình đối thoại hòa bình. Tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ lạnh nhạt của chính quyền ông Biden với Thủ tướng Netanyahu, khả năng thực sự của Washington trong việc tạo điều kiện cho hòa bình ở Gaza đang tiến gần đến con số 0.
Theo giới chuyên gia, hoạt động của các bên trung gian toàn cầu có thể dẫn đến lệnh ngừng bắn ở Gaza, song khả năng đạt được kết quả đó ở giai đoạn này là cực kỳ thấp. Để có một giải pháp bền vững và cuối cùng cho cuộc xung đột Trung Đông, trước hết, cần phải củng cố sự đoàn kết của chính người Palestine và người Israel với mục đích chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều năm và cùng tồn tại trong hòa bình.