Những ‘lằn ranh đỏ’ bị xóa bỏ trong cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan

Trong cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan, những “lằn ranh đỏ” từng giữ cho mối quan hệ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này trong giới hạn an toàn có lẽ đã bị xóa nhoà.

Chú thích ảnh
Người dân tại Multan, Pakistan vui mừng sau khi nước này và Ấn Độ đạt thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, ngày 10/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh Al Jazeera, ngày 7/5, Ấn Độ phát động cuộc tấn công vào nhiều cơ sở khủng bố trên khắp lãnh thổ Pakistan, nhằm trả đũa vụ thảm sát 26 người tại thị trấn Pahalgam, Kashmir do Ấn Độ quản lý. New Delhi cáo buộc Islamabad hậu thuẫn nhóm vũ trang thực hiện vụ tấn công này. Pakistan phủ nhận liên quan đến sự việc.

Ấn Độ đã thực hiện không kích châm ngòi cho bốn ngày giao tranh dữ dội. Cả hai bên sử dụng thiết bị bay không người lái và tên lửa nhắm vào các mục tiêu quân sự của đối phương, đẩy tình hình tới sát bờ vực một cuộc chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, bằng chứng ban đầu cho thấy thiệt hại thực tế tại các căn cứ quân sự không nghiêm trọng như các tuyên bố từ hai phía.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền ông đã làm trung gian cho lệnh ngừng bắn. Nhưng các nhà phân tích cảnh báo những giới hạn từng giúp hai nước tránh được xung đột lớn giờ đây có thể đã bị phá huỷ.

Ông Praveen Donthi, nhà phân tích cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở New Delhi, nhận định: “Ấn Độ và Pakistan đã bước vào giai đoạn ‘chung sống vũ trang’, với dư địa ngoại giao hẹp và rủi ro tính toán sai lầm cao. Tình hình này không có lợi cho cả hai quốc gia hoặc khu vực, vì ngay cả những tác nhân vô tình cũng có thể leo thang thành tình huống giống như chiến tranh mà không còn bất kỳ rào cản nào”.

Tranh chấp lịch sử: Kashmir và định hình ngoại giao

Chú thích ảnh
Binh sĩ bán quân sự Ấn Độ gác gần trạm kiểm soát ở ngoại ô thành phố Srinagar, khu vực Kashmir do nước này kiểm soát, ngày 7/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN 

Mầm mống của cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan đã hình thành khi giành độc lập khỏi sự cai trị của thực dân Anh vào năm 1947, cùng với với việc phân chia tiểu lục địa Ấn Độ để tạo ra Pakistan.

Từ khi giành độc lập năm 1947, Ấn Độ và Pakistan đã trải qua bốn cuộc chiến – ba trong số đó liên quan đến vùng Kashmir, nơi cả hai cùng tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ viện dẫn Hiệp định Simla năm 1972 để khẳng định mọi cuộc đàm phán phải mang tính song phương, trong khi Pakistan nhiều lần đề nghị sự tham gia của quốc tế, dựa trên các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Dù từng can thiệp để hạ nhiệt căng thẳng, điển hình là vụ tranh chấp Kargil năm 1999, Mỹ luôn khéo léo tránh vai trò hòa giải chính thức. Washington đã tỏ ra thận trọng về vai trò của nước này, cho phép Ấn Độ khẳng định rằng Mỹ chỉ giúp quản lý khủng hoảng chứ không phải bất kỳ hoạt động hòa giải giải quyết tranh chấp nào.

Song tiền lệ này đã thay đổi vào ngày 10/5, khi Tổng thống Trump công bố lệnh ngừng bắn “ngay lập tức và hoàn toàn” trước cả khi lãnh đạo Ấn Độ hay Pakistan xác nhận.

Ngày hôm sau, ông Trump tuyên bố sẽ tìm giải pháp “cho vấn đề Kashmir đã kéo dài cả thiên niên kỷ”. Đến ngày 12/5, ông còn cho biết đã dùng đòn bẩy thương mại để gây sức ép: “Nếu các bạn ngừng chiến, chúng ta sẽ giao thương. Nếu không, sẽ không có gì cả”.

Theo ông Christopher Clary – cựu quan chức Lầu Năm Góc, hành động này có thể đã phá vỡ “lằn ranh đỏ” lâu đời của Ấn Độ trong việc bác bỏ hòa giải từ bên thứ ba.

“Ấn Độ luôn tìm cách tránh sự can thiệp của bên thứ ba vào tranh chấp Kashmir ngay cả khi đôi khi vẫn hoan nghênh sự giúp đỡ của bên thứ ba trong việc quản lý khủng hoảng”, ông Clary nói.

Trái ngược với Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif - người tỏ lòng biết ơn Trump, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tránh nhắc đến vai trò của Mỹ. Ông tuyên bố việc tạm ngừng hành động quân sự là quyết định song phương. “Khủng bố và đàm phán không thể song hành”, ông Modi nói.

Mục tiêu chưa từng có

Chú thích ảnh
Quang cảnh thành phố Muzaffarabad ở khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, một trong những địa điểm bị tấn công từ Ấn Độ, ngày 7/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Các cuộc không kích ngày 7/5 của Ấn Độ – mang tên Chiến dịch Sindoor – nhắm vào hàng loạt khu vực dân cư ở Kashmir do Pakistan kiểm soát và cả tỉnh Punjab, trung tâm kinh tế của Pakistan. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1971, Ấn Độ tấn công sâu vào vùng Punjab.

Pakistan phản pháo bằng Chiến dịch Bunyan Marsoos, nhắm vào nhiều căn cứ không quân của Ấn Độ ở cả Kashmir và các bang Punjab, Gujarat.

Nhà sử học quân sự và phân tích chiến lược Ấn Độ, ông Srinath Raghavan nhận định: “Chúng tôi không rõ tổn thất thực tế của Ấn Độ ra sao, nhưng Pakistan đã chứng minh năng lực đáp trả”.

Ấn Độ cũng thực hiện các cuộc không kích vào các căn cứ như Nur Khan, Murid và Rafiqui – một bước đi xa hơn so với sự kiện Balakot năm 2019. Khi đó, Ấn Độ chỉ ném bom vào một trại khủng bố ở Pakistan để đáp trả vụ đánh bom liều chết khiến hơn 40 binh sĩ Ấn thiệt mạng.

Theo ông Raghavan, “tiêu chuẩn hành động mới” đã được thiết lập. “Ấn Độ sẽ tiếp tục phản ứng với cường độ tương tự – hoặc mạnh hơn – trong tương lai”, ông nói.

Đòn tấn công phi truyền thống: Nước trở thành vũ khí

Ngoài tên lửa và thiết bị bay không người lái, Ấn Độ còn nhắm tới một công cụ chiến lược khác: nước.

Ngay sau vụ Pahalgam, New Delhi tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước Indus – thỏa thuận năm 1960 về phân chia nguồn nước sông Ấn, từng tồn tại qua ba cuộc chiến. Ấn Độ kiểm soát phần thượng nguồn và có thể ngăn dòng nước chảy sang Pakistan, quốc gia phụ thuộc nặng nề vào hệ thống sông này.

Islambad gọi hành động này là “tuyên chiến”. Cựu Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto cảnh báo: “Hoặc nước sẽ chảy, hoặc máu của họ sẽ chảy”.

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa cam kết quay lại hiệp ước. Trong bài phát biểu ngày 12/5, Thủ tướng Modi lặp lại quan điểm: “Máu và nước không thể cùng chảy”, ám chỉ không thể tiếp tục chia sẻ nguồn nước trong bối cảnh căng thẳng.

Ngưỡng hạt nhân và những rủi ro mới

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Naredra Modi (bên trái) và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif.
Ảnh: THX-ANI/TTXVN

Dù ban đầu căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan khởi nguồn từ ngoại giao, sau đó chuyển sang đối đầu quân sự, thì mối lo lớn nhất của cộng đồng quốc tế vẫn là nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Từ trước đến nay, khả năng hủy diệt của vũ khí hạt nhân luôn là yếu tố kiềm chế, khiến Ấn Độ thận trọng trong phản ứng với Pakistan. Theo chuyên gia Clary, mục tiêu của New Delhi là “trừng phạt Pakistan mà không chạm đến ngưỡng rủi ro hạt nhân”.

Tuy nhiên, phát biểu của Thủ tướng Narendra Modi ngày 12/5 cho thấy sự dịch chuyển trong lập trường truyền thống.

“Ấn Độ sẽ không dung thứ bất kỳ hành vi tống tiền hạt nhân nào. Chúng tôi sẽ tấn công chính xác và dứt khoát vào các nơi ẩn náu của khủng bố, dù chúng núp bóng dưới sự đe dọa hạt nhân” ông cảnh báo.

Theo nhà phân tích Donthi, tuyên bố này phản ánh một bước ngoặt trong quan hệ song phương. “Cả hai bên giờ đây đều sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn và thử nghiệm các kịch bản leo thang dưới ngưỡng hạt nhân. Nhưng vùng xám ấy thực tế rất hẹp – và điều này khiến hình ảnh khu vực như một ‘điểm nóng hạt nhân’ không còn là phóng đại nữa”, ông nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
8 giờ đàm phán khẩn cấp: Ấn Độ và Pakistan thoát khỏi miệng hố chiến tranh như thế nào?
8 giờ đàm phán khẩn cấp: Ấn Độ và Pakistan thoát khỏi miệng hố chiến tranh như thế nào?

Khi tên lửa đất đối không của Ấn Độ hướng về các căn cứ chiến lược của Pakistan, cuộc điện thoại đầu tiên từ phía Mỹ đã vang lên tại Islamabad, khởi đầu cho chuỗi đàm phán kéo dài suốt 8 giờ, với mục tiêu duy nhất: ngăn chặn chiến tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN