Bồi đắp Scarborough
Trong hai tuần gần đây, các tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã âm thầm theo dõi một số hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Tàu Stethem, Spruance và Momsen đều đã tuần tra gần bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag) trong phạm vi 14 đến 20 hải lý. Theo các chuyên gia, động thái chiến thuật này gửi đi một thông điệp kiên quyết tới Trung Quốc và đồng minh của Mỹ trong khu vực và là hành động biểu dương lực lượng có chủ ý trước khi có kết quả vụ kiện “đường lưỡi bò”.
Tờ Tin tức Thế giới (Mỹ) cho rằng, động thái tại Scarborough còn cho thấy Mỹ đề phòng Trung Quốc có thể tiến hành xây dựng, bồi đắp Scarborough. Đối với Washington, “giới hạn đỏ” ở bãi cạn Scarborough chính là xây dựng đảo nhân tạo tại đây. Cảnh báo về khả năng Trung Quốc vượt giới hạn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nói trong Đối thoại Shangri - La diễn ra tháng 6 vừa qua: “Mỹ và các nước khác sẽ hành động, không chỉ dẫn tới hậu quả là làm leo thang căng thẳng mà còn làm Trung Quốc bị cô lập thêm".
Thông cáo báo chí của PCA về thời gian ra phán quyết. |
Cũng theo tờ Tin tức Thế giới sở dĩ Mỹ đặc biệt quan tâm tới Scarborough và vạch “giới hạn đỏ” đối với Trung Quốc ở đây là vì bãi cạn Scarborough cách nội địa Phillipines chỉ 100 hải lý, cách cảng mà quân đội Mỹ sử dụng ở vịnh Subic chỉ 150 hải lý. Nếu Trung Quốc xây dựng hạ tầng quân sự ở bãi cạn Scarborough, áp sát Subic, hành động của Mỹ ở Biển Đông sẽ bị “công phá”, giảm mạnh tác dụng, khó có thể tiếp tục được các đồng minh và đối tác trong khu vực tin tưởng. Bên cạnh đó, một khi bãi cạn Scarborough biến thành đảo nhân tạo, nơi đây sẽ cùng với Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) hình thành tam giác chiến lược trên Biển Đông, có lợi cho việc khống chế phần lớn khu vực Biển Đông, tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với quân đội Mỹ.
Thiết lập ADIZ
Một kịch bản khác, theo tờ Asia Times (Nhật Bản), nếu bị xử thua kiện thì Trung Quốc có thể thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Về khả năng này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ coi ADIZ do Trung Quốc tự lập ở Biển Đông là “hành động gây bất ổn và khiêu khích”. ADIZ sẽ tự động gia tăng căng thẳng và khiến người ta nghi ngờ cam kết giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo con đường ngoại giao mà Trung Quốc hứa hẹn.
Ông Harry J.Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia (Mỹ) cho rằng kịch bản ADIZ trên Biển Đông có thể xảy ra, sớm được dự báo từ cuối năm 2013 khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông. Hơn nữa, những tháng gần đây, đa số quan chức Trung Quốc được hỏi nói hiện tại chưa có kế hoạch thiết lập ADIZ nhưng sẽ cân nhắc nếu môi trường Biển Đông đe dọa Trung Quốc.
Về phần mình, ngày 1/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ Việt Nam đã được thông báo về việc PCA sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016. Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và là quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện và mong muốn PCA sẽ đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Ông Bình cũng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Do nội dung khởi kiện lần này của Philippines gồm cả cách giải thích về “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vạch ra vào những năm 1940 và lấy đó làm căn cứ để chiếm lấy gần như toàn bộ Biển Đông, cho nên một khi PCA phán quyết bất lợi, lập luận của Trung Quốc bị phủ định, nước này sẽ đối mặt với áp lực công luận rất lớn. Theo chuyên gia phân tích Greg Raymond thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Lowy (Australia), phán quyết của PCA cũng có thể trở thành chủ đề thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế mà Trung Quốc tham gia. Cho dù phán quyết của PCA có là gì và Trung Quốc có hành động gì sau đó thì đây mới chỉ là một điểm bắt đầu những chuỗi ngày căng thẳng trên Biển Đông.