Tuy nhiên, trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) thông báo ra phán quyết về vụ kiện này, Trung Quốc dường như ngày càng lo lắng, còn Philippines vẫn kiên định lập trường tuân thủ pháp luật quốc tế.
Trung Quốc bất an
Trong những tháng gần đây, mặc dù mạnh miệng bác bỏ thẩm quyền của PCA nhưng Trung Quốc lại ráo riết có những phát ngôn, động thái thể hiện rõ sự bất an. Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch cần mẫn bên ngoài phòng xử án ở La Haye (Hà Lan) để “răn đe” Philippines và hạ thấp uy tín PCA.
Mới đây nhất, Trung Quốc đã phô trương sức mạnh khi tiến hành tập trận hải quân một tuần trên Biển Đông từ ngày 5/7 gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhật báo Phố Wall (Mỹ) cho rằng thời gian và địa điểm của cuộc diễn tập lần này “có tính khiêu khích”, nhắm bắn tín hiệu là Trung Quốc sẽ không khuất phục trước các áp lực quốc tế, tiếp tục hiện diện quân sự ở Biển Đông bất chấp phán quyết.
Khi điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 6/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Mỹ cần thực hiện cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp, nói và hành động cẩn trọng, không thực hiện hành động gì làm tổn hại đến chủ quyền, lợi ích an ninh của Trung Quốc. Ông Vương Nghị cũng nhắc lại rằng muốn có giải pháp hòa bình nhưng sẽ không chấp nhận sự phân xử cưỡng ép. Thậm chí, ông này còn nói: “Trò hề của PCA nên chấm dứt là vừa”.
Trung Quốc lý luận rằng chủ quyền các bãi, đá, đảo ở Biển Đông đang trong tình trạng tranh chấp nên PCA không thể phán quyết về chủ quyền với vùng nước quanh các đá, bãi đó. Hơn nữa, nước này đã gán cho PCA cái mác “tòa trọng tài lạm dụng pháp luật” và tiến trình vụ kiện là “vở kịch”. Trên các tờ báo do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc, gần như ngày nào cũng có tin về giới chức ngoại giao nước này bác bỏ, bôi nhọ PCA như kiểu trên.
Thậm chí, nhằm tạo dư luận thuận lợi, Trung Quốc còn nói rằng có trên 60 quốc gia ủng hộ lập trường của họ ở Biển Đông. Thực ra, theo điều tra của báo chí, chỉ có 9 nước nhỏ, không liên quan gì tới Biển Đông và chịu ảnh hưởng kinh tế lớn của Trung Quốc là ủng hộ họ. Việc từ chối tiết lộ danh sách nước ủng hộ khiến cho dư luận hoài nghi về động cơ cũng như tính chính xác của danh sách.
Nhận định về một loạt động thái trên, ông J. Berkshire Miller, thành viên chương trình Đông Á thuộc Viện Tây Á ở New York, cho rằng Trung Quốc muốn phủ đầu phán quyết PCA và làm xói mòn tính pháp lý của tòa này thông qua chiến dịch vừa lôi kéo, vừa chia rẽ cộng đồng quốc tế.
Philippines thận trọng
Trong khi đó, về phía nguyên đơn Philippines, giới chức nước này hành xử rất thận trọng và khác biệt với Trung Quốc trước ngày phán quyết 12/7. Tờ Philstar hôm 6/7 đưa tin: Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết lạc quan đối với phán quyết của PCA. Ngay cả trong trường hợp phán quyết của PCA không có lợi cho Philippines, nước này cũng sẽ chấp nhận nhằm thực hiện cam kết quốc tế của mình về UNCLOS.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nêu rõ vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ kéo dài nhiều thế hệ nên sẽ có lợi hơn khi hợp tác với Trung Quốc cùng phát triển khu vực trên phục vụ lợi ích của đôi bên. Trả lời trang tin ANC ngày 4/7, ông Yasay nói: “Chừng nào quyết định của tòa án quốc tế đối với UNCLOS còn được đề cập, đây vẫn là lĩnh vực mà chúng ta có thể dễ dàng đàm phán và tìm cách thức có thể cùng hợp tác để phát triển và khai thác khu vực vì lợi ích chung”.
Theo ông Yasay, quan điểm muốn hợp tác với Trung Quốc của chính quyền mới Philippines có thể là một cơ hội đối với Trung Quốc để đẩy mạnh mối quan hệ song phương, trên cơ sở tôn trọng quyết định của UNCLOS. Ngoài ra, ông Yasay còn khẳng định việc cần thiết có một đặc sứ có chức năng khác với đại sứ để hỗ trợ giải quyết tranh chấp với Trung Quốc và có thể là “qua kênh bí mật”.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà Ngoại trưởng Yasay từng nhấn mạnh, đó là cho dù không muốn chiến tranh, muốn đối thoại nhưng Philippines sẽ không bán rẻ “lợi ích tối thượng quốc gia” và chủ quyền lãnh thổ.
Tóm lại, hai cách hành xử khác nhau cho thấy rõ thái độ của Trung Quốc và Philippines với luật pháp quốc tế, cụ thể là với UNCLOS mà cả hai nước đều đặt bút ký. Vốn được xây dựng trên sự đồng thuận quốc tế, nếu chỉ cần một nước không tuân thủ UNCLOS thì đó cũng là đòn giáng mạnh vào tính thượng tôn của pháp luật.
Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn lên PCA kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng UNCLOS. PCA sẽ phán quyết về vụ kiện này, bao gồm cách giải thích của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” có phù hợp với UNCLOS hay không. |