Những kế hoạch đặc biệt của ông Trump cho ngày đầu nhậm chức

Trong bức tranh chính trường Mỹ, lễ nhậm chức tổng thống thường diễn ra theo một kịch bản quen thuộc – lời tuyên thệ trang trọng, bài phát biểu ấn tượng, các sắc lệnh hành pháp được lựa chọn cẩn trọng – nhằm hiện thực hóa những cam kết trong chiến dịch tranh cử.

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu trong buổi mít tinh tại Washington tối 19/1/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cựu Tổng thống Franklin D Roosevelt đã dành ngày đầu tiên của nhậm chức để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng để cứu vãn nền kinh tế. Trong khi đó, ông Barack Obama cũng nhanh chóng bắt tay vào công việc, với mục tiêu đóng cửa Vịnh Guantanamo, dù cuối cùng chưa thể thực hiện. Còn với ông Donald Trump, ngày đầu tiên của nhiệm kỳ đã khởi đầu bằng sắc lệnh hành pháp nhắm trực tiếp vào Obamacare, thể hiện cam kết mạnh mẽ với những lời hứa trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, khi ông Trump chuẩn bị quay lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông cam kết sẽ phá vỡ hoàn toàn các truyền thống này. Với hơn 100 sắc lệnh hành pháp được chuẩn bị, chương trình nghị sự của ông mang tham vọng thay đổi cách thức quản lý đất nước thông qua quyền hành pháp tuyệt đối. Những chính sách này sẽ tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực - từ thương mại quốc tế, nhập cư, tiền điện tử, đến chương trình giảng dạy trong các trường học.

Kế hoạch của ông Trump, nếu thực hiện, sẽ là một nỗ lực chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Mặc dù trước đó, cựu Tổng thống Joe Biden đã lập kỷ lục với 17 sắc lệnh trong ngày đầu tiên nhậm chức vào năm 2021, nhưng ông Trump đã đặt ra mục tiêu đạt được con số 100 sắc lệnh. Dưới đây là một số cam kết quan trọng mà ông Trump dự kiến thực hiện trong ngày đầu tiên nhậm chức:

Chương trình trục xuất người di cư

Chú thích ảnh
Người di cư vượt sông Rio Bravo ở biên giới Mexico - Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Trump cam kết sẽ bắt đầu “chương trình trục xuất quy mô lớn”, với mục tiêu trục xuất khoảng 11 triệu người di cư không có giấy tờ và người xin tị nạn, trong đó có cả những người có tiền án. Ông dự định hủy bỏ các biện pháp bảo vệ đối với những người này và thay đổi ưu tiên trục xuất từ tội phạm nghiêm trọng sang những người nhập cư lâu dài nhưng không có giấy tờ.

Ban bố tình trạng khẩn cấp biên giới

Ngoài việc trục xuất, ông Trump có kế hoạch tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới. Tại một sự kiện vận động tranh cử ở New Hampshire vào tháng 10/1024, ông Trump cho biết ông có thể xem xét thực hiện điều đó bằng cách áp dụng “Tiêu đề 42”, về cơ bản sẽ kích hoạt các quyền hạn khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tương tự như những quyền hạn được sử dụng trong thời kỳ COVID-19 để ngăn chặn hoặc cấm người di cư nhập cảnh hoặc lưu trú tại quốc gia này.

Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn vì chỉ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) mới có thể công bố các tình huống khẩn cấp như vậy, chứ không phải tổng thống.

Áp thuế đối với khu vực Bắc Mỹ

Chú thích ảnh
Hàng hóa được bày bán trong siêu thị ở Toronto, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Một trong những cam kết kinh tế quan trọng của ông Trump là áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và có thể định hình lại đáng kể thương mại Bắc Mỹ. Ông liên kết các mức thuế này với vấn đề buôn bán ma túy, mặc dù ông cũng gợi ý sẽ có thể đàm phán lại nếu giá cả leo thang quá cao. Cả Canada và Mexico đều tuyên bố sẽ phản ứng lại các mức thuế này.

Lần gần đây nhất Mỹ áp đặt thuế quan ở mức độ này là Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, mà các nhà kinh tế học cho rằng đã làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái.

Ân xá cho những người tham gia cuộc bạo loạn ngày 6/1

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu trong buổi mít tinh tại Washington tối 19/1/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ông Trump hứa sẽ ân xá cho những người tham gia cuộc bạo loạn tại Quốc hội Mỹ ngày 6/1. Ông thậm chí tuyên bố sẽ bắt đầu xem xét các vụ án chỉ trong “9 phút đầu tiên” khi nhậm chức. Với hơn 1.580 bị cáo bị buộc tội và 1.270 bị kết án, đây có thể là một trong những đợt ân xá hàng loạt lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nhiều người có thể được ân xá đã hoàn thành xong bản án của mình, vì vậy một số lệnh ân xá sẽ chủ yếu mang tính chất biểu tượng. Tuy nhiên, đây sẽ là một hành động được hoan nghênh bởi những người ủng hộ trung thành nhất của ông Trump, trong đó có những người đang kêu gọi ân xá cho tất cả mọi người, kể cả những người tham gia bạo loạn.

Cuộc cách mạng trong lĩnh vực năng lượng

Tổng thống đắc cử từng cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép và khai thác dầu đá phiến ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ. Lời kêu gọi “Khoan, khoan, khoan” - của ông bao gồm việc tuyên bố khẩn cấp về năng lượng quốc gia và thúc đẩy nhanh chóng việc phê duyệt các dự án khoan, xây dựng đường ống, nhà máy lọc dầu và các lò phản ứng hạt nhân mới. Thư ký báo chí của ông cho biết, họ sẽ bắt đầu cấp phép “chỉ trong vài giây” sau khi ông nhậm chức, tuy nhiên, việc thực hiện nhanh chóng như vậy sẽ gặp phải một số khó khăn và hạn chế về mặt thực tế và pháp lý.

Thư ký báo chí mới của ông Trump tuyên bố họ sẽ bắt đầu cấp phép “ chỉ trong vòng vài giây” sau khi vào Phòng Bầu dục. Tuy nhiên, việc thực hiện nhanh chóng như vậy sẽ gặp phải một số khó khăn và hạn chế về mặt thực tế và pháp lý và pháp lý rõ ràng.

Quyền của người chuyển giới

Ông Trump cam kết sẽ đảo ngược những tiến bộ về quyền của người chuyển giới. Ông muốn khôi phục lệnh cấm quân sự đối với người chuyển giới, đồng thời ngừng cho phép phụ nữ chuyển giới tham gia thể thao nữ. Ông còn dự định yêu cầu FDA nghiên cứu các mối liên hệ giữa điều trị hormone và các vấn đề hành vi, điều này gây tranh cãi trong cộng đồng.

Quyết định này của ông sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1,6 triệu người Mỹ chuyển giới, trong đó có khoảng 15.000 quân nhân (tính đến năm 2018) đang phục vụ công khai trong quân đội, cùng với hàng nghìn vận động viên sinh viên ở các trường học và đại học trên toàn quốc.

Đảo ngược lệnh bắt buộc sử dụng xe điện

Mặc dù không có lệnh bắt buộc sử dụng xe điện của liên bang nào thực sự tồn tại, ông Trump đã hứa sẽ chấm dứt cái mà ông gọi là “lệnh bắt buộc sử dụng xe điện điên rồ của bà Kamala” tại một cuộc vận động tranh cử ở Michigan vào tháng 11/2024. Điều này dường như nhắm vào các tiêu chuẩn khí thải của ống xả của ông Biden và các mục tiêu về xe không phát thải của California. Ông nói với người dẫn chương trình podcast Joe Rogan rằng có thể mất hai ngày.

Điều thú vị là ông Trump đã nói riêng rằng “chúng tôi muốn mọi người mua xe điện” nhưng trước đây ông đã phản đối các lệnh bắt buộc, bãi bỏ các quy tắc về ô nhiễm của thời Obama trong lần cuối cùng ông tại nhiệm.

Chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh

Ông Trump có kế hoạch ký một sắc lệnh hành pháp nhằm chấm dứt quyền công dân đối với những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ, nếu cha mẹ của chúng không phải là công dân Mỹ. Quyền công dân theo nơi sinh, được quy định trong Tu chính án thứ 14, đảm bảo rằng tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Mỹ đều được cấp quốc tịch Mỹ, bất kể cha mẹ là ai. Quyền này được đưa ra sau cuộc Nội chiến Mỹ vào năm 1866 và chính thức phê chuẩn năm 1868.

Ông Trump cho rằng chính sách này là một “huyền thoại lịch sử” và đã bị “cố tình giải thích sai”. Ông nhấn mạnh đây là một biện pháp để bảo vệ quyền công dân cho con cháu của những người nô lệ từng bị từ chối quyền công dân. Trong một video tranh cử, ông tuyên bố sắc lệnh của mình sẽ chỉ đạo các cơ quan liên bang không cấp quốc tịch Mỹ cho con cái của những người nhập cư bất hợp pháp.

Chính sách này có thể dẫn đến việc từ chối cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ công nhận quốc tịch cho những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ trong trường hợp cha mẹ của chúng không hợp pháp. Nhiều chuyên gia cho rằng hành động này chắc chắn sẽ gây ra các tranh cãi pháp lý, vì trước đây, vào năm 1898, Tòa án Tối cao đã khẳng định rằng quyền công dân theo nơi sinh áp dụng cho mọi trẻ em sinh ra tại Mỹ, dù cha mẹ có phải là công dân hay không. Do đó, sắc lệnh hành pháp của ông Trump, nếu được thực thi, sẽ đi ngược lại với tiền lệ này.

Tiền điện tử trong ngân hàng

Chú thích ảnh
Hình ảnh minh họa đồng tiền điện tử bitcoin. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ông Trump được cho là sẽ thành lập một quỹ dự trữ Bitcoin để hợp tác với "ông trùm tiền điện tử" David Sacks, cựu giám đốc điều hành của PayPal. Điều này phản ánh sự quan tâm đến các chính sách thân thiện với tiền điện tử từ chính quyền của ông, đặc biệt là khi giá Bitcoin đạt mức cao kỷ lục trước lễ nhậm chức.

Đàm phán về xung đột Ukraine

Một trong những cam kết nổi bật nhất của ông Trump trong năm qua là cam kết sẽ chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine trước khi nhậm chức. Tuy nhiên, thời hạn này đã qua mà cam kết vẫn chưa thực hiện. Hiện tại, nhóm của ông đã thay đổi chiến lược và tuyên bố sẽ bắt đầu đàm phán ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, với hy vọng sử dụng phong cách ngoại giao đặc trưng của ông để giải quyết vấn đề.

Mặc dù vậy, cam kết này của ông đã giảm bớt sự quyết liệt kể từ khi ông chiến thắng trong cuộc bầu cử. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time vào tháng 12/2024, ông Trump thừa nhận rằng tình hình ở Trung Đông dễ giải quyết hơn xung đột Nga - Ukraine.

Ngoài việc dự định đưa các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine vào bàn đàm phán ngay lập tức, ông Trump cũng đã kéo dài thời gian giải quyết xung đột lên 6 tháng.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian)
Cháu gái đầu của ông Trump dự định ‘khuấy động’ Lễ Nhậm chức với phong cách Gen-Z
Cháu gái đầu của ông Trump dự định ‘khuấy động’ Lễ Nhậm chức với phong cách Gen-Z

Kai Trump, cháu gái đầu của Tổng thống đắc cử Mỹ, vừa chia sẻ với những người theo dõi cô trên mạng xã hội về kế hoạch táo bạo của mình cho sự kiện lễ nhậm chức của ông nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN