Ukraine 'xoay trục' ngoại giao khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ

Theo kênh CNN ngày 19/1, ngay trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Ukraine đã nhanh chóng triển khai chiến lược ngoại giao mới nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ ông.

Chú thích ảnh
 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Paris, Pháp ngày 7/12/2024. THX/TTXVN

Đây được xem là một "mặt trận" quan trọng của Ukraine trong cuộc chiến với Nga, khi mà tình hình chiến sự đang ngày càng bất lợi cho Kiev.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã không ngần ngại bày tỏ thiện chí với ông Trump ngay từ đầu năm 2025. Trong bài phát biểu năm mới, ông Zelensky khẳng định: "Chắc chắn rằng tân Tổng thống Mỹ sẵn sàng và có khả năng đạt được hòa bình, chấm dứt giao tranh".

Trước đó, Tổng thống Zelensky công khai ủng hộ chiến thắng của ông Trump, đánh giá ông là ứng cử viên mạnh hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh của đảng Dân chủ Kamala Harris và đã chứng minh năng lực cả về trí tuệ lẫn thể chất.

Động thái này của Ukraine không phải là ngẫu nhiên. Theo Joanna Hosa, chuyên gia từ Hội đồng Đối ngoại châu Âu, Tổng thống Zelensky không muốn đối đầu với ông Trump bởi Ukraine đang rất cần hỗ trợ của Mỹ. Dưới thời chính quyền ông Joe Biden, Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine và nước này nhận thức rõ tầm quan trọng của việc duy trì nguồn hỗ trợ này trong tương lai.

Chiến lược tiếp cận ông Trump của Ukraine không chỉ dừng lại ở những lời khen ngợi. Một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền của Ukraine thậm chí đã đề cử ông Trump cho Giải Nobel Hòa bình vào tháng 11/2024. Tổng thống Ukraine cũng thường xuyên nhấn mạnh hình ảnh của ông Trump là một lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng mang lại hòa bình thông qua sức mạnh. "Ông Trump có thể là người quan trọng. Ông ấy có thể quyết đoán trong cuộc chiến này. Ông ấy có thể ngăn chặn xung đột kéo dài", ông Zelensky nói với United News, mạng lưới truyền hình thời chiến của Ukraine.

Orysia Lutsevych, Phó Giám đốc Chương trình Nga và Âu Á tại viện nghiên cứu Chatham House, nhận định rằng những lời khen ngợi của ông Zelensky có thể xuất phát từ niềm tin rằng ông Trump có thể thực hiện những động thái táo bạo. Đây không chỉ là suy nghĩ của Tổng thống Zelensky mà còn là hy vọng chung của Ukraine.

Ukraine cũng đang tìm cách thu hút ông Trump bằng các đề xuất cụ thể về hợp tác. Trong "Kế hoạch Chiến thắng" công bố vào tháng 10/2024, Tổng thống Zelensky đề xuất một thỏa thuận khoáng sản quan trọng với Mỹ, tận dụng nguồn tài nguyên dồi dào của Ukraine. Theo tờ New York Times, việc ký kết thỏa thuận này đã bị hoãn lại hai lần, có thể là để dành cho ông Trump khi nhậm chức. 

Tuy nhiên, chiến lược này của Ukraine đối mặt với nhiều thách thức. Ông Trump đã nhiều lần bày tỏ mong muốn chấm dứt xung đột thông qua đàm phán và kế hoạch hòa bình của đặc phái viên do ông Trump đề cử được cho là có nhiều điểm có lợi cho Điện Kremlin. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như cởi mở với việc xây dựng quan hệ với ông Trump, thậm chí đã gửi lời chúc mừng và gọi ông là "người đàn ông dũng cảm" sau chiến thắng bầu cử.

Tình hình chiến sự hiện tại cũng đang gây áp lực lớn lên Ukraine. Chuyên gia Hosa lưu ý: "Tất nhiên, Ukraine muốn giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Tuy nhiên, sau ba năm giao tranh mệt mỏi, việc giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ vẫn chưa có dấu hiệu khả thi".

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo CNN)
Lý do Nga phản ứng gay gắt về thỏa thuận hợp tác Anh - Ukraine ở Biển Đen
Lý do Nga phản ứng gay gắt về thỏa thuận hợp tác Anh - Ukraine ở Biển Đen

Thỏa thuận hợp tác kéo dài 100 năm giữa Anh và Ukraine về an ninh hàng hải ở Biển Đen đã khiến Nga lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Điện Kremlin lo ngại về sự mở rộng hiện diện quân sự của NATO gần biên giới, trong khi Anh cam kết hỗ trợ Ukraine cả về quân sự lẫn kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN