Một phái đoàn gồm sáu vị nguyên thủ quốc châu Phi chuẩn bị hội đàm với Kiev và Moskva nhằm mục đích “khởi xướng một tiến trình hòa bình”, nhưng cũng sẽ đề cập đến vấn đề gai góc là làm thế nào một nước Nga đang bị trừng phạt nặng nề có thể nhận được thanh toán cho lượng phân bón xuất khẩu mà châu Phi đang rất cần.
Jean-Yves Ollivier, một nhà đàm phán quốc tế nổi tiếng, người đã nỗ lực trong 6 tháng qua để kết nối các cuộc đàm phán này, cho biết các nhà lãnh đạo châu Phi cũng sẽ thảo luận về vấn đề liên quan đến việc nới lỏng hoạt động vận chuyển ngũ cốc ra khỏi Ukraine và khả năng có thêm trao đổi tù nhân khi họ đến cả hai quốc gia đang xung đột với sứ mệnh hòa bình.
Ông Ollivier cho biết các cuộc đàm phán có thể sẽ diễn ra vào tháng tới.
Nhà đàm phán này đã đến Moskva hôm 21/5 và cũng sẽ tới Kiev để gặp gỡ các quan chức cấp cao nhằm vạch ra “công tác hậu cần” cho các cuộc đàm phán sắp tới. Sáu vị tổng thống châu Phi, gồm các tổng thống của Nam Phi, Senegal, Ai Cập, Cộng hòa Congo, Uganda và Zambia, có thể sẽ phải tới Kiev bằng chuyến tàu đêm từ Ba Lan trong bối cảnh giao tranh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều đồng ý đón tiếp riêng phái đoàn này. Các cuộc đàm phán cũng nhận được sự chấp thuận của Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi và Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán đã được Tổng thống Cyril Ramaphosa của Nam Phi công bố vào tuần trước. Và ngay sau đó, hôm 21/5, Nga tuyên bố đã chiếm được thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine, nơi giao tranh diễn ra ác liệt trong hơn 8 tháng qua.
“Chúng tôi không phải là những kẻ mơ mộng", ông Ollivier nói về khả năng các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ đạt được bước đột phá ngay lập tức liên quan đến việc ngăn chặn cuộc xung đột kéo dài 15 tháng. “Trừ khi có chuyện gì đó xảy ra, tôi không nghĩ chúng ta sẽ kết thúc sứ mạng đầu tiên này bằng một lệnh ngừng bắn".
Theo ông Ollivier, mục đích của sứ mạng này là "khởi xướng" tiến trình hòa bình. Ông Ollivier, một người Pháp 78 tuổi, là người đã tập hợp các phe đối lập lại với nhau trong các cuộc đàm phán rủi ro cao vào cuối những năm 1980 giúp chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.
Ông nói: “Không có gì đảm bảo rằng chúng tôi sẽ thành công nhưng hiện tại, Nga và Ukraine đã chấp nhận một phái đoàn đặc biệt đến nước họ để nói chuyện về hòa bình”.
Điểm khởi đầu quan trọng của châu Phi là ngũ cốc và phân bón.
Cuộc xung đột đã hạn chế nghiêm trọng việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và phân bón từ Nga, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói trên toàn cầu. Châu Phi là một trong những lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuần trước, Nga đã đồng ý gia hạn thêm hai tháng thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen để ra thế giới, và sáu vị tổng thống châu Phi muốn thời hạn đó được kéo dài hơn nữa.
Nhưng họ cũng cần thảo luận về các cách giúp các quốc gia châu Phi dễ dàng nhận hàng và trả tiền phân bón cho Nga. Phân bón của Nga không nằm trong lệnh trừng phạt quốc tế nhưng Mỹ và một số quốc gia phương Tây đã nhắm vào các tàu chở hàng của Nga để trừng phạt. Quyền truy cập của Nga vào hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu SWIFT cũng bị hạn chế, khiến các quốc gia châu Phi rất khó khăn để đặt hàng và thanh toán các loại phân bón quan trọng.
Ông Ollivier cho biết: “Chúng tôi sẽ cần có một khoảng thời gian để SWIFT được ủy quyền cho vấn đề cụ thể này. Điều đó sẽ được đưa ra bàn thảo và chúng tôi hy vọng rằng trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ nhận được sự ủng hộ của người Nga đối với ngũ cốc từ Ukraine, và chúng tôi cũng sẽ nhận được sự ủng hộ của người Ukraine về các khoản thanh toán và vận chuyển có thể cho phân bón của Nga.”
Phái bộ châu Phi không phải là nỗ lực hòa giải duy nhất cho cuộc xung đột ở Ukraine. Trung Quốc đã đưa ra đề xuất hòa bình của riêng mình vào tháng 2 và một phái viên Trung Quốc đã thảo luận với các quan chức Ukraine. Nhưng kế hoạch của Trung Quốc phần lớn đã bị các đồng minh phương Tây của Ukraine bác bỏ.
Ông Ollivier đánh giá, Ukraine và Nga đang khác xa nhau về bất kỳ thỏa thuận nào có thể tạo thành cơ sở cho một thỏa thuận hòa bình.
Nhà đàm phán kỳ cựu này cho biết, phái đoàn châu Phi vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi sau khi Trung Quốc cũng “đến gặp chúng tôi và đề nghị hỗ trợ” trên cơ sở sẽ là một “nỗ lực song song” với kế hoạch của Bắc Kinh.
Ông Ollivier, chủ tịch sáng lập của Quỹ Brazzaville có trụ sở tại London, một tổ chức chuyên giải quyết xung đột, cho biết: “Các cuộc đàm phán (với Moskva và Kiev) sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, nhiều trọng lượng hơn”.