Theo bình luận của chuyên gia nghiên cứu chính sách của Mỹ về Đông Á Paul Heer, thành viên cấp cao tại Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu trên trang web của Diễn đàn Đông Á mới đây, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden, được công bố vào tháng 2/2022, khẳng định rằng Mỹ sẽ can dự thông qua "mạng lưới các liên minh mạnh mẽ" và cùng tăng cường "năng lực tập thể" của khu vực nhằm đối đầu với những thách thức của thế kỷ 21. Để đạt được mục tiêu đó, Washington đã đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy các thể chế đa phương và lợi ích chung trong khu vực.
Những nỗ lực này bao gồm việc thành lập "Bộ tứ" (Quad) - khuôn khổ hợp tác giữa Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ - và AUKUS - một thỏa thuận an ninh giữa Australia, Anh và Mỹ. Trong lĩnh vực kinh tế, Washington đã đưa ra Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF). Chính quyền Biden cũng tham gia sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W)”, một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng do G7 khởi xướng.
Các khuôn khổ hợp tác do Mỹ lãnh đạo cũng bao gồm Hiệp định Đối tác Mỹ - Thái Bình Dương với nhiều quốc đảo Nam Thái Bình Dương và sáng kiến "Đối tác Thái Bình Dương Xanh" (PBP) được khởi động vào tháng 6/2022 với Australia, New Zealand, Nhật Bản và Anh. Các nhóm này song hành với mạng lưới các đồng minh và đối tác chính thức của Mỹ trong khu vực kết hợp với sự tham gia lâu dài của Washington vào các thể chế lấy ASEAN làm trung tâm như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á.
Ông Heer cho rằng, những sáng kiến trên có vẻ thể hiện sự đa dạng trong tham gia các tổ chức đa phương của Mỹ ở khu vực, nhưng một số vấn đề cơ bản đã làm giảm tác động các nỗ lực của Washington và đặt ra những thách thức trong tương lai.
Trong khi hầu hết khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đều hoan nghênh sự tham gia và cam kết của Mỹ, thì những điểm mấu chốt vẫn tồn tại ở những điều cần ưu tiên trong chương trình nghị sự của khu vực. Nhiều quốc gia cho rằng việc Mỹ tập trung vào các vấn đề an ninh truyền thống sẽ phải đối mặt với những lo ngại về kinh tế và biến đổi khí hậu. Mặc dù Washington đã chú ý hơn đến các vấn đề kinh tế và khí hậu, nhưng quan điểm khác nhau về lĩnh vực nào là quan trọng nhất sẽ tiếp tục cản trở sự hợp tác, do đó sẽ giới hạn các nguồn lực mà Mỹ có thể đưa ra.
Các ưu tiên chia rẽ trên cũng phản ánh mức độ sẵn sàng khác nhau để chấp nhận điều mà một số người coi là cách tiếp cận đối đầu thái quá của Mỹ với Trung Quốc. Nhiều nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chiến lược trong khu vực đã bày tỏ sự không sẵn sàng trong việc chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington đã nhiều lần khẳng định rằng họ sẽ không áp đặt sự lựa chọn như vậy cho các đối tác của mình, nhưng một số biện pháp ngoại giao và tuyên bố của các quan chức Nhà Trắng cho thấy mong muốn các nước khác liên kết với Mỹ.
Một số đối tác của Mỹ cũng lo ngại về việc các sáng kiến của Mỹ liệu có thống nhất với nhau và phù hợp với các định chế khác của khu vực. Các nước ASEAN từ lâu đã hoan nghênh việc Washington coi trọng "vai trò trung tâm của ASEAN" trong chủ nghĩa đa phương khu vực. Nhưng việc ASEAN không nằm trong Bộ tứ và AUKUS đã đặt ra câu hỏi về việc liệu sự chú ý của Mỹ có đang bị chuyển hướng khỏi các ưu tiên của Đông Nam Á hay không.
Trong khi Bộ tứ dường như đang có động lực, nhưng hiệu quả sẽ tiếp tục phụ thuộc vào sự đồng thuận về trọng tâm của nó - cả về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống và về cách thức đối đầu của nhóm với Trung Quốc. Bộ tứ cũng có thể bị cản trở bởi độ tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên.
Niềm tin của khu vực nói chung với Mỹ cũng là một vấn đề còn tồn tại. Việc Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017 đã làm xói mòn niềm tin vào cam kết của nước này đối với khu vực và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng sau đó được nhiều người coi là một giải pháp thay thế chưa đủ "trọng lượng". Bên cạnh đó, phần lớn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cho rằng chính trị trong nước của Mỹ sẽ hạn chế độ tin cậy của Washington trong khu vực trong tương lai gần.
Một thách thức khác là Trung Quốc, nước không nằm trong các sáng kiến đa phương của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Washington và các đối tác quan trọng thường hạn chế tối đa mọi đề cập rõ ràng về Trung Quốc trong chính sách ngoại giao đa phương của họ, nhưng không ai nghi ngờ rằng Bộ tứ, AUKUS, IPEF, B3W và 'Đối tác ở Thái Bình Dương xanh' đề có mục đích hướng về Bắc Kinh.
Chính sách ngoại giao đa phương của Washington ở Ấn Độ - Thái Bình Dương thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của "tính toàn diện" trong việc theo đuổi một khu vực "tự do và cởi mở", hòa bình và thịnh vượng. Nhưng Mỹ càng tránh đưa Trung Quốc vào các sáng kiến khu vực của mình, thì rõ ràng những nỗ lực đó là nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Khi Trung Quốc được đề cập trong Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ, Bắc Kinh bị định hình như một mối đe dọa trung tâm đối với sự cởi mở, an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Dường như có rất ít cân nhắc về khả năng Bắc Kinh có thể chia sẻ một số mục tiêu của các nước láng giềng hoặc các yếu tố khác trong chương trình nghị sự khu vực của Washington. Chiến lược của Mỹ hầu như chỉ tập trung vào việc vận động các đồng minh và đối tác của Mỹ "ngầm" chống lại Trung Quốc. Ngay cả danh sách "các thành viên tương lai" trong Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương - Mỹ cũng không có Bắc Kinh.
Mỹ và Trung Quốc, với tư cách là hai quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, phải tìm cách hợp tác trong các vấn đề toàn cầu quan trọng vì lợi ích của nhân loại. Điều này cũng cần được áp dụng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, với cả hai quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong chủ nghĩa đa phương khu vực nhằm thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng, cùng có lợi và chung sống hòa bình.
Không nghi ngờ gì rằng việc hợp tác sẽ rất phức tạp, do không thể tránh khỏi sự cạnh tranh và sự ngờ vực chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington. Nhưng một khu vực bị chia rẽ giữa các phe đối đầu gần như chắc chắn sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo đó, ông Heer nhận định Mỹ nên xem xét một cách tiếp cận hợp tác hơn với Trung Quốc đối với an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thay vì chỉ kiềm chế nước này.