Những câu chuyện về 'đế chế tài chính’ Zhongshi

Công ty quản lý tài sản khổng lồ của Trung Quốc đối mặt với cuộc điều tra tội phạm tài chính liên quan nghi vấn các giám đốc điều hành đã rút nhiều tiền trước khi Zhongshi công bố khoản nợ 36,5 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Zhongzhi đang đối mặt với cuộc điều tra của cảnh sát về tội phạm tài chính. Ảnh: Asiatimes

Các giám đốc điều hành hàng đầu của công ty quản lý tài sản Zhongzhi đang bị điều tra sau khi công ty này báo cáo khoản nợ ròng lên tới 260 tỷ nhân dân tệ (36,5 tỷ USD) vào tuần trước.

Chiến dịch bắt giữ, điều tra hình sự

Theo tờ Asia Times, cảnh sát Bắc Kinh cuối tuần qua thông báo họ đã mở cuộc điều tra hình sự đối với đơn vị quản lý tài sản của Zhongzhi Enterprise Group, nơi quản lý các tài sản trị giá khoảng 3,72 nghìn tỷ nhân dân tệ và được coi là một trong những “ngân hàng ngầm” lớn nhất Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc hôm 27/11 đưa tin một người tên Jie, được cho là cháu trai của nhà sáng lập quá cố công ty Xie Zhikun, nằm trong số những người đã bị bắt. Ông Xie Zhikun đã qua đời vào tháng 12/2021 vì bệnh tim.

Những người bị bắt bị cáo buộc tham gia vào các hoạt động gây quỹ bất hợp pháp và các nghi vấn phạm tội khác.

Chiến dịch của cảnh sát được triển khai vài ngày sau khi Zhongzhi báo cáo hôm 22/11 rằng tổng tài sản của công ty là 200 tỷ nhân dân tệ và tổng nợ phải trả là từ 420 - 460 tỷ nhân dân tệ, nghĩa là nợ ròng của công ty nằm trong khoảng 220 - 260 tỷ nhân dân tệ.

Hôm 27/11, các nhà bình luận Trung Quốc đã đăng một loạt bài viết và video chỉ trích Zhongzhi hợp tác với một số doanh nghiệp nhà nước (SOE), lợi dụng danh tiếng của mình để bán các tài sản.

Một nhà báo tài chính Trung Quốc đánh giá: “Sự sụp đổ của Zhongzhi có thể là một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất kể từ khi CHND Trung Hoa được thành lập vào năm 1949”. “Tác động tiêu cực từ sự sụp đổ của Zhongzhi có thể còn lớn hơn Evergrande vì Zhongzhi quản lý khối tài sản khổng lồ”, nhà báo này nhận xét.

Ông nói: “Nhiều giám đốc điều hành cấp cao ở Zhongzhi đã kiếm được nhiều tiền và rời công ty trong khi các khách hàng sử dụng sản phẩm quản lý tài sản của công ty bị mất tiền. Ai sẽ chịu trách nhiệm?”

Từ công ty buôn gỗ thành đế chế tài chính khổng lồ

Năm 1995, ông Xie Zhikun đã thành lập Zhongzhi Enterprise Group tại thị trấn Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang để buôn bán gỗ. Hoạt động kinh doanh này đã khởi sắc mạnh mẽ sau khi ông Xie thành công lớn từ những đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp niêm yết tại Trung Quốc.

Vào năm 2001, Zhongzhi bắt đầu dấn chân vào ngành tài chính, với việc đầu tư 120 triệu nhân dân tệ (khoảng 14,5 triệu USD thời đó) vào quá trình tái cấu trúc Harbin International Trust and Investment, rồi đổi tên thành Zhongrong International Trust.

Năm 2009, Zhongzhi trở thành cổ đông lớn của Zhongrong. Từ thời điểm đó, doanh nghiệp đã phát triển từ một công ty nhỏ ở tỉnh lẻ thành một trong những tập đoàn đầu tư uy tín nhất của Trung Quốc. Sau đó, Zhongzhi tiếp tục mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như khai khoáng, cơ sở hạ tầng, bất động sản.

Tổng tài sản của Zhongzhi ở thời kỳ đỉnh cao vượt qua 1.000 tỷ nhân dân tệ (chừng 138 tỷ USD). Truyền thông địa phương cũng từng ví tập đoàn như "Blackstone của Trung Quốc” và cũng là một trong những đế chế tài chính lớn nhất Trung Quốc.

Trong năm 2017, ông Xie Zhikun với khối tài sản ròng 2,1 tỷ USD đã trở thành tỷ phú. Thế nhưng, năm 2019, hoạt động kinh doanh của Zhongzhi dần lao dốc khiến tài sản của ông cũng giảm dần, còn 1,5 tỷ USD. 

Trong suốt sự nghiệp, tỷ phú Xie là người kín tiếng trên thương trường, ông thường được biết đến là chồng của ca sĩ nổi tiếng Mao Amin (Mao A Mẫn).

Chú thích ảnh
Tỷ phú Xie Zhikun đột ngột qua đời vì bệnh tim vào năm 2021. Ảnh: Baidu

Thời thế thay đổi, Zhongzhi lâm khó khăn không lối thoát

Vào năm 2020, ông Xie rời khỏi danh sách tỷ phú của Forbes. Một năm sau đó, nhà tài phiệt đã qua đời vì bệnh tim. Đây được xem là cú sốc nặng khiến công việc kinh doanh của Zhongzhi vốn đang bị thu hẹp, càng suy yếu thêm.

Zhongzhi đã phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là từ thị trường nhà đất kể từ trước khi ông Liu Yang lên nhậm chức, kế nhiệm nhà sáng lập Xie Zhikun.

Trong khi Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh việc kiểm soát ngành địa ốc, các đối thủ của Zhongzhi sớm tìm cách để giảm bớt rủi ro. Tuy nhiên, Zhongzhi và các công ty liên kết bao gồm Zhongrong vẫn đầu tư vào thị trường này. Những năm qua, Zhongzhi đã mua lại một tòa nhà văn phòng trị giá 3,3 tỷ nhân dân tệ ở Bắc Kinh, trụ sở cũ của tập đoàn Jia Yueting, và một dự án trị giá 1,7 tỷ nhân dân tệ do Shimao Holding Group quản lý.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng duy trì tài trợ cho những nhà phát triển bất động sản đang khốn đốn. Tập đoàn đã mua tài sản của nhiều công ty bao gồm Kaisa Group Holdings và Shenzhen Wongtee International Enterprise. Trong thời gian từ năm 2014 - 2016, Zhongrong đã phát hành hơn 10 sản phẩm ủy thác cho Evergrande.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư bất động sản trên đã trở thành gánh nặng gây sức ép cho tập đoàn vì ngành địa ốc Trung Quốc không hồi phục như kỳ vọng.

Các thành viên gia đình Jie và các giám đốc điều hành cấp cao cũng bị chỉ trích vì đã kiếm tiền từ các khoản đầu tư tài sản lớn của họ trước khi các vấn đề tài chính của Zhongzhi được giới truyền thông đưa tin hồi mùa hè này.

“Với khoản nợ ròng từ 220 - 260 tỷ nhân dân tệ, Zhongzhi đang mất khả năng thanh toán nghiêm trọng và đang gặp rủi ro hoạt động rất lớn”, một người dẫn chương trình tài chính cho biết trong bài đăng trên mạng xã hội hôm 27/11.

“Công ty cho biết không dễ để thanh lý tài sản của mình, vốn phần lớn là trái phiếu và cổ phiếu hiện đang bị định giá thấp. Có vẻ như họ đang nói với công chúng rằng khoản nợ ròng của họ thực sự có thể lên tới hơn 260 tỷ nhân dân tệ”.

Người dẫn chương trình này cho biết nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Zhongzhi đã xây dựng một đế chế tài chính bằng cách hình thành quan hệ đối tác giữa công ty và các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời sử dụng danh tiếng của doanh nghiệp nhà nước để gây quỹ trong hai thập kỷ qua. Cô cho biết gia đình Xie đã tích lũy được khối tài sản lên tới 25 tỷ nhân dân tệ trong thời kỳ đỉnh cao.

“Zhongzhi cho biết họ đã mất phương hướng sau cái chết của ông Jie Zhikun vào năm 2021. Làm sao công ty có thể đổ lỗi cho một người đã chết sau khi một lượng tài sản khổng lồ biến mất?”, cô bức xúc.

Vào tháng 6, một số khách hàng phàn nàn rằng họ không thể lấy lại được tiền khi các sản phẩm quản lý tài sản mà họ mua từ Zhongzhi và các công ty con như Zhongrong International Trust đã đáo hạn.

Ngày 11/8, một cựu nhân viên giấu tên của Zhongrong được trang web tài chính Cailian Press dẫn lời cho biết, ít nhất 350 tỷ nhân dân tệ các sản phẩm quản lý tài sản của Zhongrong được bán thông qua các kênh bán hàng của họ đã ngừng thanh toán. Ông cho biết con số này không bao gồm các sản phẩm được Zhongrong trực tiếp bán.

Bloomberg đưa tin, Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NFRA), cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc, đã thành lập một đội đặc nhiệm để kiểm tra Zhongzhi.

Sau ba tháng kiểm toán, Zhongzhi đã gửi thư cho khách hàng của mình vào ngày 22/11 rằng họ muốn xin lỗi vì hoạt động nội bộ không hiệu quả sau cái chết của nhà sáng lập Xie Zhikun. Công ty cho biết ban lãnh đạo đã cố gắng tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và xoay chuyển tình thế bất lợi nhưng các động thái này không đạt được kết quả như mong đợi.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes, Beijingnews)
Xuất hiện xu hướng tiết kiệm tiền theo kiểu 'giả vờ' trong giới trẻ Trung Quốc
Xuất hiện xu hướng tiết kiệm tiền theo kiểu 'giả vờ' trong giới trẻ Trung Quốc

Nhiều người trẻ Trung Quốc đang tạo ra một xu hướng tiết kiệm mới bằng cách tự tưởng tượng mình mang thai, nuôi con, là nhân vật trong phim cổ trang hay đã an hưởng tuổi già trong viện dưỡng lão.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN