Một cuộc điện thoại được sắp xếp vội vàng, ông Obama gọi cho người đồng cấp Rouhani khi nhà lãnh đạo Iran đang trên đường ra sân bay rời New York sau một chương trình ngoại giao chớp nhoáng nhưng được đánh giá là đã bắt đầu làm tan khối băng lạnh giữa hai nước. Họ trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên của Mỹ và Iran nói chuyện với nhau kể từ sau cuộc khủng hoảng con tin tại Tehran 34 năm về trước. Cuộc điện đàm lịch sử, chỉ kéo dài 15 phút, đã phá vỡ “điều cấm kỵ” lớn nhất trong nền chính trị Iran hàng chục năm qua; nhành ôliu đã được hai phía trao cho nhau và đang mở ra một triển vọng sáng sủa hơn bao giờ hết về một thỏa thuận xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Lần đầu tiên kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, lãnh đạo Mỹ - Iran liên hệ với nhau.
|
“Đường đi tới một thỏa thuận ý nghĩa sẽ khó khăn, và lúc này, cả hai phía đều đứng trước những trở ngại lớn sẽ phải vượt qua. Nhưng tôi tin tưởng rằng chúng ta có trách nhiệm theo đuổi con đường ngoại giao và rằng chúng ta có cơ hội duy nhất để đạt được tiến bộ với giới lãnh đạo mới tại Tehran”, ông Obama hồ hởi phát biểu với giới phóng viên tại Nhà Trắng sau khi kết thúc cuộc điện đàm.
Thực ra trước cuộc gọi, điều ông chờ đợi là cú bắt tay lịch sử với người đồng cấp Rouhani khi họ gặp nhau tại phiên họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tuy nhiên, vị tổng thống ôn hòa của Iran đã tránh cú bắt tay “biểu tượng” đó nhằm tránh phản ứng từ phe cứng rắn ở trong nước. Gọi điện cho một nguyên thủ quốc gia đang trên đường ra sân bay có thể không phải là nghi lễ ngoại giao thông thường, nhưng trong trường hợp này, nó là sự sắp xếp hợp lý cho cả hai bên. Giới chức Mỹ đã khéo léo khi quyết định để nhà lãnh đạo Iran “chiến thắng” trở về quê nhà.
Về phần mình, trước và trong chuyến đi New York, tân lãnh đạo Iran đã trao đổi thư từ với ông Obama, viết bài trên Washington Post và trả lời một loạt phỏng vấn, trong đó trên CNN, ông tin tưởng băng “đang bắt đầu tan” giữa nước ông và phương Tây. Sau bài phát biểu mềm mỏng trước Đại hội đồng và cuộc gặp bước đầu suôn sẻ giữa ngoại trưởng Iran với những người đồng cấp P5+1, ông Rouhani không thể rời Mỹ mà không phát đi thêm một tín hiệu tích cực khác. Tân Tổng thống Iran bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán với P5+1 “trong một thời gian ngắn’ sắp tới sẽ mang đến những kết quả rõ ràng, đồng thời khẳng định Iran sẽ đề xuất kế hoạch giải quyết bế tắc hạt nhân vào giữa tháng 10.
Cuộc gọi hôm 27/9 đã thực sự thay thế cái bắt tay, và có thể là bước khởi đầu cho một cuộc gặp mặt đối mặt giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, tất cả cho đến lúc này mới chỉ là sự thay đổi quan trọng về giọng điệu. Những gì mà các bên liên quan thực sự cần đến là hành động. Rouhani và các phụ tá đang thực hiện một chiến dịch đầy nhiệt huyết nhằm chứng minh họ là đối tác tin cậy và ôn hòa, tạo ra một sự tương phản rõ ràng so với người tiền nhiệm Mahmoud Ahamadinejad, nhưng ông vẫn chưa đề xuất bất cứ điều gì cụ thể. Cái nhìn đầu tiên về vấn đề này có thể sẽ đến vào ngày 15 và 16/10 tới khi Tehran công bố lộ trình riêng của mình về giải quyết bế tắc hạt nhân tại Geneva, như cam kết của nhà lãnh đạo Iran trước khi rời New York.
Thu Hằng