Nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia: Rào cản hay chất xúc tác cho thỏa thuận hòa bình ở Ukraine?

Việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu – Zaporizhzhia – đang trở thành tâm điểm chiến lược giữa Mỹ, Nga và Ukraine. Ai sẽ kiểm soát? Ai đủ sức tái thiết? Và liệu nơi này sẽ mở đường cho hòa bình hay là nguồn cơn xung đột mới?

Chú thích ảnh
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bình luận trên trang web Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (thebulletin.org) mới đây, Henry Sokolski, Giám đốc điều hành của Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Arlington, Virginia (Mỹ), cho rằng trong vô số những đề xuất hòa bình được Mỹ, Nga, các quốc gia châu Âu và Ukraine đưa ra, việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với 6 lò phản ứng hư hại – nhà máy lớn nhất châu Âu – luôn là một điểm đáng chú ý. Mỹ mong muốn xây dựng lại và vận hành nhà máy. Nga khẳng định quyền sở hữu nhà máy. Còn Ukraine kiên quyết rằng nhà máy phải thuộc về Ukraine. Tuy nhiên, điều thường bị bỏ qua trong cuộc tranh giành quyền kiểm soát nhà máy, vốn nằm ngay tiền tuyến của cuộc chiến Nga - Ukraine, chính là mức độ khó khăn, hay thậm chí là tính khả thi, của việc sửa chữa và tái khởi động nó.

Với chi phí khổng lồ và những thách thức kỹ thuật phức tạp để đưa Zaporizhzhia trở lại hoạt động, không rõ liệu bất kỳ bên nào có khả năng hoàn thành nhiệm vụ này hay không. Nga tự tin tuyên bố có thể đưa ít nhất một lò phản ứng hoạt động trở lại trong vòng vài tháng. Mỹ lại không đưa ra bất kỳ mốc thời gian cụ thể nào cho việc khôi phục Zaporizhzhia. Về phía Ukraine, họ ước tính rằng ngay cả khi có một nền hòa bình vững chắc và Ukraine giành được toàn quyền kiểm soát nhà máy, việc đưa cả 6 lò phản ứng trở lại hoạt động vẫn sẽ mất tới hai năm. Thực tế, thời gian để tái khởi động Zaporizhzhia có thể còn kéo dài hơn nữa, và chi phí cụ thể vẫn là một ẩn số.

Muôn vàn thách thức

Những trở ngại trong việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia chắc chắn là vô cùng lớn. Một điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo nguồn cung cấp nước làm mát ổn định để ngăn chặn nguy cơ lò phản ứng bị tan chảy. Đập Kakhovka, vốn cung cấp nước cho hồ chứa sông Dnipro – nguồn nước chính của Zaporizhzhia – đã bị phá hủy sau một cuộc tấn công vào tháng 6/2023. Để giải quyết vấn đề này, hoặc đập Kakhovka phải được xây dựng lại và hồ chứa được bổ sung nước, hoặc các nguồn nước thay thế đáng tin cậy khác phải được tìm ra để đảm bảo hoạt động làm mát cho nhà máy.

Bên cạnh đó, khu vực nhà máy cần phải được phi quân sự hóa hoàn toàn để các lò phản ứng có thể khởi động lại một cách an toàn. Hiện tại, lực lượng Nga đang kiểm soát nhà máy và, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đã lập các bãi vật cản xung quanh khu vực này. Ngoài ra, còn một lượng lớn bom mìn chưa nổ nằm rải rác gần cơ sở. Sự hợp tác của Nga trong việc dọn dẹp những mối nguy hiểm tiềm ẩn này là vô cùng cần thiết, mặc dù khả năng này vẫn còn bỏ ngỏ.

Một vấn đề nan giải khác liên quan đến các thiết bị hạt nhân tại Zaporizhzhia. Tất cả chúng đều cần được tân trang hoặc thay thế. Ngay cả khi công việc này được hoàn thành, bước tiếp theo là phải tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo mọi thứ được thực hiện đúng quy trình, an toàn cho hoạt động sau này.

Vấn đề trên lại đặt ra một thách thức khác: nhà máy sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý hạt nhân nào sau xung đột? Tiêu chuẩn của Nga hay của Ukraine? Tiêu chuẩn của Ủy ban Quản lý Hạt nhân Mỹ (NRC)? Hay những tiêu chuẩn mềm mỏng hơn mà IAEA có thể đảm bảo? Tùy thuộc vào câu trả lời, các bên liên quan chắc chắn sẽ cố gắng tận dụng vấn đề này để khẳng định hoặc bác bỏ quyền kiểm soát đối với nhà máy.

Vấn đề nhân sự cũng là một bài toán hóc búa. Khi Nga kiểm soát nhà máy vào tháng 3/2022, phần lớn công nhân được đào tạo của Zaporizhzhia đã rời bỏ nhà máy. Trước cuộc xung đột, gần 12.000 công nhân lành nghề đã vận hành nhà máy Zaporizhzhia. Tính đến tháng 2/2024, con số này đã giảm xuống còn chưa đến 3.000 người, và con số hiện tại có lẽ còn thấp hơn nữa.

Không rõ liệu Nga, Ukraine, Mỹ hay EU có đủ nhân viên được đào tạo dự phòng, chứ chưa nói đến nhân viên đủ trình độ để làm việc tại Zaporizhzhia – một hệ thống lò phản ứng hạt nhân độc đáo của Nga đã được nâng cấp trong nhiều năm với nhiều cải tiến an toàn theo tiêu chuẩn phương Tây. Hơn nữa, do bất kỳ công nhân mới nào được điều động đến nhà máy đều bị coi là một nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh, việc thẩm tra lý lịch nhân sự của cả Nga và Ukraine chắc chắn sẽ tốn rất nhiều thời gian.

Ngay cả khi các lò phản ứng Zaporizhzhia có thể được khởi động lại một cách an toàn, vấn đề phân phối điện từ nhà máy vẫn còn bỏ ngỏ. Trước xung đột, Zaporizhzhia đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho lưới điện Ukraine và xuất khẩu điện dư thừa sang châu Âu. Hiện tại, cơ sở hạ tầng kết nối nhà máy với khách hàng đã bị phá hủy. Các đường dây truyền tải cần được xây dựng lại, các trạm biến áp và máy biến áp cần được thay thế. Các điều chỉnh kỹ thuật và các thỏa thuận về việc điện sẽ được chuyển đi đâu và như thế nào – tới Tây Âu, miền Nam Ukraine hay các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát – cũng cần được đàm phán.

Một câu hỏi quan trọng khác là ai sẽ chi trả cho toàn bộ công việc này? Liệu tài sản bị tịch thu của Nga sẽ được sử dụng? Hay sẽ là tiền từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD)? Còn các khoản đầu tư của Mỹ và bất kỳ tổ chức tư nhân nào có khả năng quan tâm đến việc đóng góp sẽ ra sao? Sau khi phân bổ nguồn vốn, ai sẽ nhận được lợi nhuận, nếu có, hoặc chịu trách nhiệm về các khoản lỗ? Ai sẽ chịu trách nhiệm về các tai nạn tiềm tàng và thiệt hại cho tài sản bên ngoài nhà máy? Và cuối cùng, ai sẽ gánh vác chi phí đảm bảo an ninh cho nhà máy để các lò phản ứng không trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trong tương lai? Tất cả những điều này vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Ông Sokolski kết luận: Trong bối cảnh Ukraine, Mỹ và Nga đều coi việc khôi phục và vận hành Zaporizhzhia là một điều kiện tiên quyết cho hòa bình, việc né tránh những câu hỏi hóc búa trên chẳng khác nào "liều thuốc độc" cho tiến trình hòa giải. Nếu không có những câu trả lời minh bạch và thỏa đáng, việc khôi phục Zaporizhzhia rất có thể sẽ trở thành một rào cản lớn hơn là một chất xúc tác cho hòa bình ở Ukraine.

Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc
Căn cứ vũ khí hạt nhân bí mật của Mỹ ẩn dưới băng ở Greenland
Căn cứ vũ khí hạt nhân bí mật của Mỹ ẩn dưới băng ở Greenland

Trại Century – căn cứ hạt nhân “ngủ yên” suốt hàng thập kỷ ở Greenland vừa được NASA phát hiện lại. Bên trong là mạng lưới đường hầm, lò phản ứng hạt nhân và tham vọng bá chủ thời Chiến tranh Lạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN