Một đối tác quan trọng của Mỹ ở Tây Bắc châu Phi đang hướng về phía Nga trong bối cảnh tư lệnh hàng đầu của Mỹ tại lục địa này cảnh báo rằng ảnh hưởng của Moskva đang gia tăng ở châu Phi, theo kênh CNN ngày 17/3.
Niger, quốc gia đóng vai trò là chỗ đứng quan trọng cho các hoạt động chống khủng bố của Mỹ ở khu vực trong gần một thập kỷ, hôm 16/3 tuyên bố rằng họ sẽ chấm dứt hiệp định cho phép quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ, vốn hoạt động tại nước này kể từ năm 2014.
Thông báo này được đưa ra vài ngày sau cuộc họp căng thẳng giữa chính quyền quân sự Niger, lực lượng nắm quyền trong cuộc đảo chính vào tháng 7/2023, và các quan chức ngoại giao, quân sự Mỹ, trong đó có Tướng Michael Langley, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) và Celeste Wallander, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh quốc tế.
Các quan chức Mỹ cho biết, trong cuộc họp đó, phái đoàn Mỹ bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga ở Niger, đặc biệt là về tương lai của căn cứ không quân 101 ở thủ đô của Niger rằngg liệu nó có được nhượng lại cho Nga hay không.
Cuộc thảo luận đã khiến các nhà lãnh đạo chính quyền Niger tức giận, khi họ cảm thấy như thể đang bị "chỉ đạo", mặc dù Mỹ đã cắt phần lớn viện trợ quân sự và viện trợ nước ngoài cho Niger vào cuối năm ngoái sau cuộc đảo chính.
Do đó, Niger đã tuyên bố chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ, gọi điều đó là "vô cùng bất công". “Khi nói đến việc lựa chọn đối tác ngoại giao, chiến lược và quân sự, Chính phủ Niger lấy làm tiếc về việc phái đoàn Mỹ từ chối quyền của Niger có chủ quyền trong việc lựa chọn đối tác của mình và các loại hình quan hệ đối tác có khả năng giúp nước này thực sự chống khủng bố, mặc dù Washington đã đơn phương quyết định đình chỉ mọi hợp tác giữa hai nước”, Đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên quân đội Niger, cho biết trong một tuyên bố ngày 17/3, đồng thời nói thêm rằng phái đoàn Mỹ có “thái độ trịch thượng” với phía Niger.
Các quan chức Mỹ xác nhận việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Nga và Niger là trung tâm của bất đồng giữa Mỹ và chính quyền Nigeria. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này và Niger đã đồng ý tăng cường quan hệ quân sự vào tháng 1 năm nay.
Tuy nhiên, trong khi các hoạt động chống khủng bố và huấn luyện của Mỹ với quân đội Niger phần lớn tạm dừng sau cuộc đảo chính, chính quyền nước này không yêu cầu các lực lượng Mỹ rời đi, ngay cả sau khi yêu cầu Pháp rút quân, cắt đứt mối quan hệ còn lại với EU vào cuối năm 2023.
Một số nhà lãnh đạo quân sự Niger đã làm việc cùng và được Mỹ đào tạo trong khuôn khổ hợp tác an ninh giữa Mỹ và nước này trong nhiều năm qua. Do đó, Lầu Năm Góc muốn duy trì sự hiện diện ở nước này, với nhiều quan chức chính quyền Mỹ tin rằng điều đó là quan trọng đối với những nỗ lực giải quyết vấn đề khủng bố trong khu vực và cho rằng điều đó là khả thi ngay cả trong bối cảnh bất ổn chính trị ở đó.
Tuy nhiên, hiện nay các quan chức quân sự Mỹ đang lo ngại rằng với sự hiện diện ngày càng tăng của Nga ở Niger: Điện Kremlin đã thiết lập một chỗ đứng khác ở khu vực Sahel và phương Tây đang mất dần ảnh hưởng, một nguồn tin quân sự am hiểu tình hình cho biết.
Tướng Langley nói với các nghị sĩ Mỹ tại cuộc điều trần trong tháng này rằng Mỹ đã “bị lép vế” trước Nga trên khắp châu Phi trong những năm trước, dẫn đến việc Moskva đã thành công trong việc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. Ông Langley nói thêm rằng cả Nga và Trung Quốc đều “muốn gia tăng sự hiện diện ở đó”.
Hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền quân sự ở Niger có thực sự buộc quân đội Mỹ rời khỏi nước này hay không, nơi lực lượng Mỹ đã tiến hành các hoạt động chống khủng bố và huấn luyện quân đội Niger kể từ năm 2014 hay không.
Các quan chức Mỹ cho biết, nếu Lầu Năm Góc buộc phải rút quân, các nỗ lực chống khủng bố trên toàn khu vực có thể bị ảnh hưởng. Các máy bay không người lái của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân ở Agadez, Niger, đã giúp Mỹ giám sát các mối đe dọa ở khu vực Sahel từ một vị trí tương đối thuận lợi và ổn định, đặc biệt là khi các tổ chức khủng bố bạo lực đang thực hiện ngày càng nhiều vụ tấn công ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso.
Các quan chức Mỹ cũng lo ngại rằng việc rút khoảng 650 lính Mỹ đồn trú ở Niger có thể để lại khoảng trống mà phiến quân cực đoan Hồi giáo sẽ tìm cách khai thác.
Trong khi đó, Nga vẫn đang tăng cường mối quan hệ với Niger khi mối quan hệ của nước này với Mỹ xấu đi. Vào tháng 12 năm ngoái, Điện Kremlin đã mở lại đại sứ quán của mình ở nước láng giềng Burkina Faso và đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy quan hệ với chính quyền quân sự Niger, một quan chức tình báo cấp cao Mỹ nói với CNN.
Quan chức này cho biết, một phần hấp dẫn đối với Niger là Nga có thể đề nghị bán vũ khí và thiết bị của riêng mình mà không có điều kiện tương tự về nhân quyền và tuân thủ các quy định khác mà Mỹ yêu cầu. Trong khi đối với một quốc gia đang cần nguồn cung cấp khí tài quân sự ngay lập tức, Nga có thể bán vũ khí của mình nhanh hơn nhiều so với Mỹ.
Về phần mình, Đại tá Abdramane, phát ngôn viên quân đội Niger, lưu ý rằng Nga “là đối tác mà Niger giao dịch trên cơ sở cấp nhà nước, theo các thỏa thuận hợp tác quân sự đã ký với chính phủ trước đó, để mua các thiết bị quân sự cần thiết cho cuộc chiến chống khủng bố, những kẻ đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân Niger vô tội dưới con mắt thờ ơ của phần lớn cộng đồng quốc tế”.