Nguy hiểm kép với Mỹ từ cuộc khủng hoảng Ukraine

Năm nay kỷ niệm 100 năm nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ I. Vào tháng 4/1914, không ai nghĩ rằng sẽ có một cuộc chiến tranh. Nhưng nó vẫn xảy ra do các sự kiện ở Đông Âu vào cuối tháng 7 và tạo ra một cú sốc rất lớn. Cuối cùng, chiến tranh đã khiến châu Âu tan nát, hàng chục triệu người thiệt mạng, nhiều quốc gia phá sản và để lại những ám ảnh kinh hoàng đối với những người còn sống sau cuộc chiến.

Một thế kỷ sau, chúng ta lại tập trung sự chú ý vào Đông Âu, nơi đang nổ ra một cuộc xung đột khiến một số cường quốc trên thế giới đang bị cuốn vào vòng xoáy của nó. Có lẽ tình hình ở Ukraine hiện nay là một trong những mối nguy hiểm lớn hơn nhiều so với những gì mà các chuyên gia và giới chức chính trị trên toàn thế giới tranh luận, Newt Gingrich, nhà bình luận các vấn đề quốc tế trên chương trình "Crossfire" của CNN, đồng thời từng là một ứng cử viên của đảng Cộng hòa năm 2012 và là một nhà diễn thuyết tại Hạ viện Mỹ chia sẻ trên CNN.

Theo ông Gingrich, Mỹ và EU đang phải đối đầu với Nga, một quốc gia lớn nhất thế giới về mặt địa lý, một cường quốc hạt nhân, nhiều tên lửa đạn đạo và một Tổng thống Putin tài năng lãnh đạo nước Nga hồi sinh mạnh mẽ. Với Ukraine, nước đã điều quân đội của mình sát cánh cùng NATO trong một số chiến dịch ở Afghanistan, lại đang chìm trong hỗn loạn và có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến. Trong khi đó, châu Âu, một lục địa mà hơn nửa thế kỷ đã dựa vào Mỹ để bảo đảm hòa bình, an ninh và tự do đang bị suy yếu và nghiêm trọng hơn do cuộc khủng hoảng ở khu vực Đông Âu hiện nay. Và với Mỹ, chúng ta đang thấy một quốc gia mệt mỏi vì cuộc chiến tranh kéo dài hơn một thập kỷ qua ở Iraq và Afghanistan, cùng với đó là một sự cảnh giác với việc đưa quân can thiệp vào một quốc gia khác.

Bất ổn vẫn tiếp diễn tại miền đông Ukraine. Ảnh: CNN


Mới đây, Nhà Trắng đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ không gửi vũ khí sát thương cho Ukraine để giúp nước này tự vệ. Như vậy, thay vì gửi trang thiết bị quân sự cho Ukraine, Mỹ và EU chủ yếu nói về các biện pháp trừng phạt Nga với các cáo buộc Moskva đang kích động sự bất ổn ở đông Ukraine. Tuy nhiên, theo ông Newt Gingrich, các biện pháp trừng phạt chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không thích hợp và không hiệu quả, bởi vì ông Putin là một người rất khó nắm bắt và lãnh đạo một quốc gia rộng lớn với nguồn tài nguyên bao la.

Bên cạnh đó, Moskva cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với các nước láng giềng nói riêng và châu Âu nói chung trong lĩnh vực kinh tế. Tổng thống Nga có thể hủy bỏ sự cho phép chuyển các lô hàng của Mỹ và NATO tới Afghanistan thông qua các tuyến đường phía bắc trên lãnh thổ Nga. Ông cũng có thể cắt đứt dòng chảy khí đốt tự nhiên quan trọng tới Tây Âu, có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có thể Mỹ và EU sẽ gặp khó khăn trong đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Putin mới đây cho rằng Moskva không cần thiết phải đáp trả các lệnh trừng phạt của Phương Tây song có thể xem xét việc tham gia của các công ty Phương Tây vào nền kinh tế của Nga, trong đó có các dự án năng lượng nếu các lệnh trừng phạt tiếp diễn. “Chúng ta sẽ rất mong muốn không phải viện tới bất kỳ biện pháp trả đũa nào. Nhưng nếu những điều tương tự tiếp diễn, tất nhiên, chúng ta sẽ phải nghĩ về lực lượng đang làm việc trong các ngành kinh tế then chốt của Nga, trong đó có lĩnh vực năng lượng và cách thức hợp tác”, ông Putin nói.

Đây là một tình huống rất khó khăn với Washington trong bối cảnh uy tín Tổng thống Obama tiếp tục đà sụt giảm có thể trở thành một mối lo thực sự, đẩy Đảng Dân chủ vào tình thế có thể bị mất nốt quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Theo kết quả thăm dò chung của báo "Washington Post/ABC News", công bố ngày 29/4, ở thời điểm hiện tại chỉ còn 41% người Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ những gì ông Obama đã và đang làm trên cương vị tổng thống, giảm mạnh so với mức ủng hộ trung bình 46% ở thời điểm ba tháng đầu năm 2013. Chỉ có 42% cử tri Mỹ ủng hộ kết quả điều hành nền kinh tế, 37% ủng hộ việc thực thi chương trình bảo hiểm y tế ObamaCare và 34% ủng hộ cách thức ông Obama xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine.

Gần đây nhất, phát biểu trong một sự kiện về mối quan hệ Mỹ - châu Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương ngày 29/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Nga hiện đang tìm cách thay đổi bức tranh an ninh tại Đông và Trung Âu. Chúng ta cần phải nói rõ với Điện Kremlin rằng lãnh thổ của NATO là không thể bị xâm phạm và chúng ta sẽ bảo vệ từng tấc đất của mình”.

Tuy nhiên, từ lời nói đến hành động là một vấn đề khác nhau và trên thực tế Mỹ đang phải đối mặt với hai mối nguy hiểm lớn từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Đầu tiên, chính quyền Obama đã làm quá ít, thể hiện sự yếu kém trong việc bảo vệ đồng minh của mình trước một nước Nga đang trỗi dậy. Thứ hai, Washington đã quá vụng về trong cuộc khủng hoảng Ukraine với những tính toán sai lầm, ảo tưởng giống như 100 năm trước, điều có thể khiến cho Mỹ và đồng minh rơi vào một cuộc chiến tranh không mong muốn, ông Gingrich kết luận.



CT
(Tổng hợp)
Nga bác bỏ các biện pháp trừng phạt mới của EU và Mỹ
Nga bác bỏ các biện pháp trừng phạt mới của EU và Mỹ

Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez tại thủ đô La Habana của Cuba ngày 29/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN