Theo mạng tin "Nghiên cứu Toàn cầu" ngày 30/11, khoảng một tháng trước đây, NATO đã thử nghiệm khả năng tấn công trước bằng việc sử dụng một trận địa rađa di động tại Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này khiến người ta phải đặt câu hỏi: Tại sao một hệ thống phòng thủ tên lửa lại cần thử nghiệm khả năng tấn công? Tại sao phương Tây lại muốn bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Âu?
Nga đang kiên quyết phản đối việc thành lập một hệ thống tên lửa đánh chặn đơn phương của Mỹ tại châu Âu bởi vì toàn bộ sườn phía Tây của Nga, từ Biển Bantích tới Biển Đen, sẽ bị ảnh hưởng bởi hệ thống này. Nga đã đưa ra cách tiếp cận từng phần trong việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung với NATO, trong đó Nga sẽ phụ trách một phần của khu vực cần bảo vệ, còn NATO sẽ phụ trách phần khác vì các mục tiêu hợp nhất. Ví dụ, Nga đã đề nghị NATO phối hợp sử dụng trận địa rađa Gabala tại Adécbaigian. Nhưng do Mỹ vẫn cố tình thực hiện các kế hoạch của mình nên mới đây, Nga đã tiến hành thử nghiệm một vũ khí siêu thanh hiện đại. Ngày 30/11, Tổng thống Nga Dimitry Medvedev đã tuyên bố rằng, không quân Nga sẽ được trang bị để bảo vệ các cơ sở hạt nhân chiến lược của Nga tại phần châu Âu của nước này. Sau đó, Mỹ và 14 đồng minh NATO cho rằng tuyên bố trên đồng nghĩa với việc Nga rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường (CFE). Nga đã đình chỉ các hoạt động trong phạm vi CFE từ năm 2007, sau khi Mỹ và các đồng minh NATO từ chối phê chuẩn những sửa đổi của hiệp ước này.
Tuyên bố của ông Medvedev đồng nghĩa với việc Nga có thể bị buộc phải đình chỉ các hoạt động hoặc thậm chí rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START 3) do quan ngại không chỉ một cuộc chạy đua vũ trang, một cuộc chạy đua tên lửa mới, mà còn cả điều tồi tệ hơn thế. Mỹ và các đối tác NATO đã có những hành động đe dọa, vô luật pháp và bên bờ vực chiến tranh khi vận chuyển tên lửa đến Ba Lan, sát biên giới Nga, đưa tàu chiến lớp Aegis được trang bị tên lửa đánh chặn đến Biển Bantích, ngoài khơi bờ biển nước Nga và sắp triển khai 24 quả tên lửa đánh chặn đất đối không tại Rumani.
Mỹ và NATO đang phát triển khả năng quân sự ở phía tây và phía nam của nước Nga nhằm vô hiệu hóa khả năng răn đe của Nga. Với ngân sách quốc phòng năm 2011 của Mỹ khoảng 730 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 1945, sự "lạm dụng quyền lực" của Nga là hậu quả không tránh khỏi của sự lạm dụng quyền lực của Mỹ. Một khi Mỹ vẫn đang phấn đấu thành "siêu cường quân sự duy nhất của thế giới", họ cảm thấy có thể hành động mà không bị trừng phạt.
Hai năm trước đây, tờ "Thời báo Tài chính" đã đưa tin về một hợp đồng bán vũ khí cả gói trị giá 123 tỷ USD của Mỹ với Arập Xêút và 3 quốc gia vùng Vịnh đồng minh khác của Mỹ.
Riêng giá trị phần hợp đồng của Arập Xêút khoảng 60 - 67 tỷ USD, hợp đồng vũ khí song phương có giá trị lớn nhất trong lịch sử loài người. Các nước khác như Canađa, Ôxtrâylia và Nhật Bản cũng bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư cho vũ khí. NATO sẽ không tăng cường khả năng quân sự đến mức như vậy, nếu họ không dùng chúng để chống lại hoặc ít nhất là hăm dọa nước nào đó.
Những phát biểu mới đây của Tổng thống Medvedev là rất ôn hòa. Ông chỉ đề cập những kế hoạch đối phó với tình huống bất ngờ, sẽ chỉ được Nga thực thi nếu Mỹ phớt lờ những yêu cầu của Nga, cứ triển khai các tên lửa và đe dọa các lợi ích chiến lược của Nga. Những kế hoạch đó không phải là một nguy cơ, mà chỉ là tuyên bố rằng Nga có thể bị buộc phải có những biện pháp phòng thủ nếu Mỹ và NATO tiếp tục giả điếc với những yêu cầu hợp tác của Nga trong bối cảnh Mỹ tuyên bố muốn bảo vệ lãnh thổ của họ bằng việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng hệ thống đó đang xâm phạm đến các đường biên giới của Nga.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)