Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng và kịch tính đến phút chót, cuối cùng Anh và EU đã đạt được điều họ muốn tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 25/11 vừa qua, đó là thông qua được thỏa thuận rút khỏi EU và một tuyên bố chính trị về quan hệ giữa hai bên trong tương lai, với lợi ích và mức độ nhượng bộ hai bên cảm thấy chấp nhận được.
Đây là kết quả không nằm ngoài nhận định của nhiều nhà phân tích và học giả tại Anh, bởi dù đàm phán có ở thế giằng co, nhiều lúc tưởng bế tắc, song đây có lẽ là sự “lên dây cót” chiến thuật nhằm “tiết kiệm” sự nhượng bộ nhiều nhất có thể và trên hết họ đều muốn có một Brexit thuận lợi và tránh một kết cục không thỏa thuận.
Việc có được sự nhất trí thông qua đối với thỏa thuận Brexit này đã chứng tỏ sự kiên trì và khả năng xử lý khủng hoảng của Thủ tướng May, trong bối cảnh bà vấp phải nhiều ý kiến phản đối ngay trong chính Nội các và đảng Bảo thủ.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sẽ là điều kỳ diệu nếu bà May có thể thuyết phục được Quốc hội thông qua, khi mà nhiều nghị sĩ cả đảng Bảo thủ lẫn đối lập và cả những nghị sĩ theo phe ở lại và rời khỏi EU ngay từ đầu đã phản đối bản dự thảo thỏa thuận Brexit mà họ cho là EU nhượng bộ ít còn Anh nhượng bộ nhiều.
Công đảng và các đảng đối lập đã “chờ sẵn” để bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit, trong khi ước tính có hơn 90 nghị sĩ đảng Bảo thủ thể hiện rõ lập trường phản đối thỏa thuận Brexit này khi cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 11/12.
Thỏa thuận Brexit bao gồm những điều khoản quy định về việc Anh rời EU như vấn đề thanh toán hóa đơn ly hôn trị giá 39 tỷ bảng cho EU, công dân EU và gia đình có thể sang Anh tự do trước ngày 21/12/2020, giai đoạn chuyển tiếp kéo dài từ 29/3/2019 đến ngày 31/12/2020 với ít thay đổi trong quãng thời gian này nhằm tạo điều kiện để hai bên có thời gian đi tới một thỏa thuận thương mại cũng như cho phép các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh và bản kế hoạch dự phòng liên quan đến biên giới Ireland nhằm đảm bảo không tồn tại biên giới cứng trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc.
Lý do khiến khả năng thỏa thuận Brexit được thông qua tại Hạ viện được đánh giá thấp là bởi thỏa thuận Brexit này không được lòng những người ủng hộ Brexit thủ cựu khi nó không mang lại một sự chia tay gọn gàng, dứt khoát khỏi EU mà ngược lại vẫn duy trì sự ràng buộc và gắn kết nhất định với liên minh này.
Phe ở lại cũng chẳng ưa một thỏa thuận không đảm bảo sự tự do đi lại và thương mại không rào cản, trong khi đảng Liên minh dân chủ DUP của Bắc Ireland phản đối nó vì không tán thành kế hoạch dự phòng liên quan đến vấn đề biên giới Ireland. Họ đều dựa vào một điểm là đã quá muộn để đàm phán lại các điều khoản Brexit.
Nếu thỏa thuận Brexit của bà May không được Quốc hội thông qua, nước Anh sẽ rời khỏi liên minh mà trong tay không có thỏa thuận nào hoặc sẽ phải tổ chức một cuộc trưng cầu thứ hai để giải tỏa mớ bòng bong này.
Có lẽ phải trông chờ vào tài năng của bà May hoặc sự nhượng bộ phút chót của các nghị sĩ vốn phản đối thỏa thuận này. Bà May có hai tuần để thực hiện các chiến dịch vận động sự ủng hộ của người dân và thuyết phục các nghị sĩ đứng về phía mình. Chính phủ cũng sẽ công bố báo cáo phân tích về mặt kinh tế của thỏa thuận vừa đạt được, trong đó đưa ra những so sánh về những thiệt hại của việc chia tay không thỏa thuận.
Theo nghiên cứu mới nhất do trường Đại học King’s College, Trung tâm Kinh tế và Viện Nghiên cứu Tài chính Chiến lược phối hợp thực hiện, mỗi người dân Anh có thể thiệt hại khoảng 2.000 bảng/năm trong dài hạn từ Brexit và có thể lên tới hơn 3.000 bảng trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.
Liệu Thủ tướng May sẽ làm cách nào để đưa thỏa thuận Brexit nói trên vượt qua vòng bỏ phiếu tại Hạ viện và liệu bà sẽ có động thái tiếp theo như thế nào trong trường hợp bà thất bại?
Để thuyết phục các nghị sĩ, giải pháp đầu tiên có lẽ là sửa đổi thỏa thuận rút khỏi EU, với việc đưa kèm thêm các trang phụ lục và chú thích. Chẳng hạn như đưa thêm ngôn từ mới trong đó bác bỏ kế hoạch dự phòng cho tình huống hai bên không đạt được thỏa thuận khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, mà theo đó Anh sẽ vẫn nằm trong liên minh hải quan.
Kế hoạch dự phòng cho đến nay vẫn là vấn đề khiến những nghị sĩ đảng Bảo thủ theo chủ trương bài châu Âu lo ngại nhất bởi họ e rằng điều này sẽ cản trở Anh ký các thỏa thuận thương mại.
Giải pháp tiếp theo là tranh thủ sự ủng hộ của những nghị sĩ đảng đối lập. Bà May cho biết đối thoại với các nghị sĩ đảng đối lập là nằm trong chiến lược của bà. Đây là chiến lược được đánh giá có độ rủi ro cao do chỉ có khoảng 30 nghị sĩ Công đảng được cho là ủng hộ Chính phủ.
Lãnh đạo Công đảng, ông Jeremy Corbyn, sẽ khuyến nghị các nghị sĩ đảng ông bỏ phiếu chống thỏa thuận này. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Bảo thủ phản đối châu Âu cũng không bỏ qua cơ hội này.
Lựa chọn thứ ba là hứa hẹn tổ chức một cuộc trưng cầu thứ hai về các điều khoản của thỏa thuận Brexit, dù hiện tại chưa hội tụ đủ sự ủng hộ đa số tại Hạ viện về việc tổ chức cuộc trưng cầu này.
Nếu thất bại tại Hạ viện, bà May sẽ có 21 ngày để công bố các bước đi tiếp theo của Chính phủ Anh. Nhiều kịch bản có thể xảy ra. Hành động của bà May có lẽ sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thất bại tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ Viện.
Nếu mức độ này là nhỏ, bà May có thể tiếp tục thuyết phục các nghị sĩ để nỗ lực đưa thỏa thuận Brexit thông qua ở vòng bỏ phiếu thứ hai tại Hạ viện. Nếu thất bại lớn với trên 60 nghị sĩ phản đối, bà May có thể yêu cầu thêm sự nhượng bộ từ phía EU tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu ngày 13/12.
Trong trường hợp thất bại nặng nề khi vấp phải sự phản đối của trên 100 nghị sĩ, Thủ tướng May có lẽ sẽ chuẩn bị cho việc Brexit không thỏa thuận. Một kịch bản nữa là bà có thể kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử, có thể vào tháng Hai sang năm. Đây có lẽ là canh bạc đầy rủi ro sau một cuộc bầu cử sớm cho kết quả không như mong đợi hồi mùa Hè năm 2017 và nguy cơ trao quyền lực vào tay ông Corbyn là có thể xảy ra.
Nếu sự phản đối dành cho thỏa thuận Brexit quá lớn, bà May có thể đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng Chủ tịch Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ, ngài Graham Brady, cần nhận được hơn 48 lá thư yêu cầu tổ chức cuộc bỏ phiếu này từ các nghị sĩ đảng này. Từ chức là điều khó xảy ra, bởi Thủ tướng Anh không phải là người bỏ cuộc dễ dàng, nhất là khi không ai đưa ra được kế hoạch Brexit khả dĩ hơn.
Các bên đều có thể có nhiều điểm không hài lòng đối với thỏa thuận Brexit vừa được các nhà lãnh đạo EU nhất trí thông qua. Tuy các doanh nghiệp lớn tại Anh không đánh giá cao thỏa thuận này, song họ hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận này xét trên khía cạnh có thể giảm bớt nguy cơ Brexit không thỏa thuận.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đây có lẽ là thỏa thuận tốt nhất mà Anh và EU có thể thương lượng được vào thời điểm này. Anh và EU đã đi tới một thỏa thuận, mang lại thành công bước đầu, song khó khăn lớn vẫn đang ở trước mắt đối với Thủ tướng Anh Theresa May và nguy cơ Brexit không thỏa thuận vẫn chưa được loại trừ.