Sam Gyimah, Quốc vụ khanh phụ trách khoa học và các trường đại học thuộc Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp, là quan chức chính phủ thứ 7 từ chức sau khi Thủ tướng May công bố thỏa thuận Brexit sơ bộ đạt được với EU.
Ông Gyimah, người trước đó từng bỏ phiếu lựa chọn ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, chỉ trích thỏa thuận sơ bộ "không phục vụ lợi ích quốc gia của Anh" và sẽ khiến tương lai của nước Anh trở nên "tồi tệ hơn, đánh mất dân chủ và chủ quyền". Ông cũng để ngỏ khả năng ủng hộ việc tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về vấn đề Brexit đồng thời cảnh báo về nguy cơ EU sẽ "chèn ép" London trong tiến trình đàm phán về mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.
Mặc dù ủng hộ "quyết tâm và lòng can đảm" của Thủ tướng May trong việc bảo vệ thỏa thuận sơ bộ, quyết định từ chức của ông Gyimah làm nặng nề thêm nhiệm vụ khó khăn của bà May là phải đưa thỏa thuận trên qua cửa Quốc hội. Để thỏa thuận Brexit được Quốc hội chấp thuận, bà May sẽ cần sự ủng hộ của Quốc hội gồm 650 ghế. Trong thế điều hành một chính phủ thiểu số, bà May rất cần sự ủng hộ từ đảng Liên minh dân chủ (DUP) ở vùng Bắc Ireland hoặc các nghị sĩ đối lập. Tuy nhiên, không ít ý kiến phản đối gay gắt điều khoản này từ đảng đối lập cũng như trong chính đảng cầm quyền, gồm cả phe ủng hộ cũng như phe phản đối Brexit. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn còn cho rằng thỏa thuận này là "cách tự làm tổn hại quốc gia".
Bản dự thảo thỏa thuận Brexit dài 585 trang tưởng chừng đã mở lối thoát cho quá trình đàm phán kéo dài suốt gần 2 năm qua giữa Anh và EU lại tạo ra một đợt sóng mới trên chính trường Anh. Dự thảo thỏa thuận đã được Nội các Anh thông qua, nhưng ngay sau đó sóng gió đã nổi lên khi lần lượt 4 quan chức cấp cao trong nội các gồm Bộ trưởng Brexit Dominic Raab cùng Thứ trưởng Suella Braverman, Quốc vụ khanh Bộ phụ trách vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Esther McVey đều từ chức để phản đối. Tiếp nối là quyết định từ chức của Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti.
Các thỏa thuận được ký kết trong thỏa thuận sơ bộ bao trùm các nội dung như mức "phí chia tay" trị giá 39 tỷ bảng mà Anh sẽ phải thanh toán, quyền công dân và thỏa thuận "rào chắn" cho vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland, giúp duy trì một biên giới mở giữa hai bên cho tới khi đạt thỏa thuận thương mại song phương. Thỏa thuận "rào chắn" tưởng như đã tháo được nút thắt trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU nay lại biến thành trở ngại lớn nhất gây ra tranh cãi trong nội bộ Anh, đe dọa làm tan biến mọi nỗ lực đàm phán trong thời gian qua.