Nguy cơ Afghanistan trở thành 'Iraq mới'

Mối quan hệ giữa Kabul và Washington, đã trở nên vô cùng tồi tệ trong những năm cuối cùng Tổng thống Hamid Karzai đương chức, dường như không được cải thiện mấy cho dù người kế nhiệm ông Karzai là tân Tổng thống Ashraf Ghani đã ký Hiệp ước An ninh (BSA) giữa Mỹ và Afghanistan.

Hiện trường vụ đánh bom ở Lashkar Gah, miền nam Afghanistan ngày 8/10, do Taliban thực hiện. Ảnh: THX/TTXVN


Suốt hai năm qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Afghanistan luôn trong tình trạng căng thẳng, nhưng hoàn toàn không phải vì hai bên chưa ký được BSA. Tổng thống Karzai lúc đó đã thương lượng rất nhiều về hiệp ước này và triệu tập "Loya Jerga" (Hội đồng các vị bô lão có nhiều ảnh hưởng ở Afghanistan) để phê chuẩn hiệp ước. Nhưng cuối cùng, vì nhiều lý do khác nhau, ông đã quyết định không ký kết và để cho người kế nhiệm làm việc này.

Khi đương chức, nhất là những năm cuối của nhiệm kỳ thứ hai, ông Karzai luôn phản đối các chiến dịch của Mỹ nhằm vào Taliban tại Afghanistan, nhất là ném bom các cứ điểm của lực lượng này cũng như các cuộc truy quét ban đêm vào các ngôi làng và các lãnh địa của quân Taliban. Ngoài ra, ông Karzai còn ủng hộ việc tiến hành thương lượng với quân Taliban.

Dư luận trong và ngoài Afghanistan, nhất là Mỹ, hy vọng việc ký BSA sẽ góp phần cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, không ít người cho rằng bằng việc ký hiệp ước này, tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã làm cho khả năng thương lượng giữa chính phủ với quân Taliban trở nên không thể, ít ra là vào thời điểm hiện tại, mặc dù cũng giống như ông Karzai, tân Tổng thống Ghani rất ủng hộ việc thương lượng với quân Taliban.

Nguy cơ Afghanistan trở thành một "Iraq mới" sau khi quân Mỹ và NATO rút đi là rất có thể, và trên thực tế, nó đang hiện hữu.

Tuy nhiên, do tình hình trong nước còn quá bất ổn, trước mắt ông Ghani vẫn cần người Mỹ để giữ vững quyền lực ở Kabul và tránh không để chính quyền rơi vào tay quân Taliban. Nếu không có viện trợ của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rõ ràng, chính phủ của ông Ghani không thể đủ sức lo liệu cho việc đào tạo và trang bị vũ khí cho quân đội, thậm chí cũng không thể trả lương cho nhân viên nhà nước.

Theo cam kết, sau khi ký BSA, viện trợ của Mỹ và NATO dành cho chính quyền Afghanistan sẽ vào khoảng 5 tỷ USD/năm kể từ năm 2015. Theo báo chí Afghanistan, tân Tổng thống Ghani hy vọng sẽ nhanh chóng củng cố được quyền lực trong khoảng hai năm tính từ khi kết thúc sự có mặt chính thức của quân Mỹ và NATO (cuối năm 2014), sau đó ông sẽ tiến hành thương lượng với quân Taliban.

Theo BSA đã ký, về mặt chính thức, Mỹ sẽ tiếp tục trang bị vũ khí và huấn luyện cho quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Cuộc chiến tranh chống tàn quân Taliban về mặt quân sự xem như đã thất bại bởi vì Mỹ và NATO đã không thể xóa sổ Taliban như kế hoạch ban đầu, thậm chí không thể làm suy yếu lực lượng này sau 13 năm chiếm đóng Afghanistan.

Vì thất bại nên giờ đây Mỹ đã thay đổi chiến lược, đang tìm cách thương lượng với quân Taliban, trong khi trước đây Washington đã thề "không bao giờ ngồi chung bàn với kẻ cướp", song hiện nay do không còn sự lựa chọn nào khác bởi vì giải pháp quân sự đã thất bại nên người Mỹ đã làm điều ngược lại.

Và để ngăn chặn nguy cơ Afghanistan trở thành một “Iraq mới”, Mỹ và Afghanistan đã ký BSA. BSA được ký trong bối cảnh Afghanistan đang bị chia rẽ sâu sắc giữa các sắc tộc, còn quân Taliban đang hoạt động ngày càng mạnh và gần như trên khắp lãnh thổ Afghanistan, ngay cả ở những khu vực theo truyền thống không nằm dưới ảnh hưởng của họ.

Vì vậy, phần đông đều không tin rằng BSA có thể giải quyết được tình hình bất ổn hiện nay ở Afghanistan, và nguy cơ đất nước này trở thành một "Iraq mới" sau khi quân Mỹ và NATO rút đi là rất có thể, và trên thực tế, nó đang hiện hữu.


Phạm Phú Phúc
(Theo tờ "Chính trị thế giới")
Đức thừa nhận phương Tây phạm sai lầm tại Afghanistan
Đức thừa nhận phương Tây phạm sai lầm tại Afghanistan

Đức cũng như các nước phương Tây khác đã phạm "những sai lầm nghiêm trọng" trong việc can dự quân sự tại Afghanistan kể từ năm 2001, khi không đạt được nhiều mục tiêu đã đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN