Tiến sĩ Abdulkhaleq Abdulla, Giáo sư khoa học chính trị đã nghỉ hưu ở UAE mới đây nhận định với tờ The National (UAE) rằng cuộc chiến thảm khốc ở Gaza đang bước vào tháng thứ ba mà không có dấu hiệu giảm bớt trong thời gian tới. Cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10 thật gây sốc, táo bạo và chắc chắn là kinh hoàng khi khoảng 1200 người thiệt mạng và khoảng 240 người bị bắt làm con tin.
Israel nhanh chóng phát động một cuộc chiến tranh hủy diệt ở Gaza khiến đến nay khoảng 17000 người Palestine thiệt mạng - 2/3 trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Các cuộc không kích tự do vào các mục tiêu phi quân sự và việc sử dụng hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã cho phép quân đội Israel thực hiện cuộc chiến tàn phá ở Gaza. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về các vấn đề nhân đạo Martin Griffith nói rằng ông “chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy” và mô tả tình hình là “một cuộc thảm sát thực sự”.
Tuy nhiên, trong khi giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt, đã đến lúc phải đánh giá sơ bộ những bên có thể thắng và thua. Tiến sĩ Abdulla cho rằng không cần phải nói, bên thua cuộc lớn nhất cho đến nay là Gaza, với mạng sống của 2,3 triệu người dân trở thành thảm họa không thể tưởng tượng nổi.
Hamas là bên thua cuộc lớn thứ hai cho đến nay. Các cuộc tấn công của Israel đã tiêu diệt khoảng 1.000 đến 3.000 tay súng Hamas và xóa sổ nhiều kho vũ khí cũng như đường hầm dưới lòng đất của nhóm này. Hamas vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn nhưng tổ chức này đã mất quyền kiểm soát phần lớn Gaza, nơi có thể nằm dưới sự chiếm đóng của Israel trong nhiều năm tới.
Bên thua cuộc thứ ba chắc chắn là Israel, hiện vẫn đang bị tổn thương và chia rẽ mà không có kịch bản rõ ràng khi xung đột kết thúc. Một quốc gia được cho là "bất khả chiến bại" về mặt quân sự hóa ra lại không phải như vậy. Ngay cả với sự trợ giúp to lớn của Mỹ, Israel không thể tiêu diệt hoàn toàn Hamas, giải thoát các con tin hoặc đạt được thành công rõ ràng để khẳng định chính mình.
Tiến sĩ Abdulla lưu ý, Israel cũng đã đánh mất nền tảng đạo đức do rất có thể đã phạm tội "hủy diệt". Nước này chắc chắn đã "thua" trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của dư luận thế giới và bị ảnh hưởng nặng nặng nề về mặt uy tín rất khó khắc phục. Các cuộc biểu tình chống Israel vẫn diễn ra trên toàn thế giới. Cuộc chiến của họ ở Gaza được mọi người cho là "không cân xứng" và rõ ràng là bất công. Người phát ngôn của Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) James Elder mô tả cuộc giao tranh ở Gaza là “cuộc chiến chống lại trẻ em”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng nằm trong số những người thua cuộc nhiều nhất. Các cuộc khảo sát cho thấy 80% người Israel kêu gọi ông Netanyahu từ chức ngay lập tức và thẳng thừng đổ lỗi cho ông về thất bại ngày 7/10.
Và yếu tố thất bại tiếp theo là động lực giảm leo thang trong khu vực. Hợp tác khu vực giữa Israel và các quốc gia Arab hiện đang bị đình trệ. Không nên đánh giá thấp tác động tiềm tàng đối với sự ổn định của các quốc gia ôn hòa trong khu vực nếu thương vong của dân thường vượt quá giới hạn cho phép. Họ đang phải chịu áp lực rất lớn. Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ có thể lợi dụng cuộc xung đột ở Gaza để thúc đẩy chương trình nghị sự khu vực của mình. Trung Đông một lần nữa lại là "điểm nóng".
Tuy nhiên, không phải tất cả đều bị thua do cuộc chiến ở Gaza. Có một vài bên có thể có lợi thế. Thứ nhất, giữa đống đổ nát, chính nghĩa của người Palestine đang chiếm vị trí trung tâm, giải pháp hai nhà nước đang trở lại.
Bên chiến thắng thứ hai trong cuộc chiến ở Gaza tất nhiên là Qatar, quốc gia đã củng cố vị thế của mình như một nhà đàm phán đáng tin cậy và có năng lực giữa Israel và Hamas. Nước này đã môi giới thành công một đợt tạm dừng giao tranh vì nhân đạo kéo dài 7 ngày rất cần thiết. Thỏa thuận này đã giúp giải thoát hàng trăm người Palestine, con tin và tù nhân Israel. Đây rõ ràng là thành tựu đáng kể đối với Qatar, quốc gia hiện được toàn cầu công nhận là nhà hòa giải xuất sắc.
Mỹ là bên chiến thắng thứ ba. Nước này đang quay trở lại các vấn đề Trung Đông một cách rầm rộ. Chắc chắn, như Tiến sĩ Abdulla nhận định, chủ nghĩa chống Mỹ đang ở mức cao nhất mọi thời đại trong toàn khu vực, nhưng giờ đây người ta thừa nhận rộng rãi rằng không thể làm được gì nếu không có Mỹ. Mỹ vẫn có ảnh hưởng lớn ở khu vực. Qua cuộc chiến ở Gaza, nhận thức thông thường mới là Mỹ đã quay trở lại chứ không phải Mỹ đang rút lui.
Tiến sĩ Abdulla kết luận, sau khi san phẳng phía bắc Gaza, cuộc bắn phá của Israel vào phía nam Gaza mới bắt đầu. Do đó danh sách người thắng và kẻ thua có thể dễ dàng thay đổi tùy theo diễn biến của cuộc chiến. Vào thời điểm tất cả kết thúc, những bên được cho là chiến thắng có thể lại là người thua cuộc và kẻ thua cuộc cuối cùng có thể trở thành người chiến thắng. Trong lịch sử, nguyên tắc chung cho các cuộc chiến tranh là phải lường trước những điều bất ngờ và cuộc chiến tranh bi thảm ở Gaza cũng không ngoại lệ.