Người Kurd, Iran và cuộc chiến chống IS của Mỹ

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra quyết định lựa chọn chiến thuật để giải quyết mối đe dọa do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq, Syria và các khu vực khác tạo ra, kế hoạch hành động cuối cùng của ông bao gồm sự tham gia của các quốc gia đồng minh và đối tác khu vực có cùng mục đích.

Một trong những đối tác như vậy là người Kurd ở miền bắc Iraq, những người xem IS là mối đe dọa lớn nhất kể từ sự sụp đổ của chính quyền Saddam Hussein năm 2003.

Tuy nhiên, có lẽ đó là chuyện ở tương lai. Còn ở hiện tại, điều mà người Kurd đang hy vọng trong cuộc chiến chống IS là một cam kết mạnh mẽ và kéo dài hơn từ phía Mỹ như là một phần trong nỗ lực nhen nhóm lại mối quan hệ giữa hai đối tác.

Chiến binh người Kurd ở Iraq giao tranh với phiến quân IS tại Tuz Khurmatu, cách thủ phủ Kirkuk, tỉnh Salaheddin khoảng 88 km về phía nam ngày 31/8. Ảnh: AFP/ TTXVN


Người Kurd lâm nguy

Chính quyền khu vực của người Kurd (KRG) ở miền bắc Iraq tách biệt với hầu hết phần còn lại ở Trung Đông bởi phong cách sống và định hướng thân phương Tây. Và những điều mà người Kurd đã tạo ra ở đây kể từ khi được Baghdad tái xác nhận là chính quyền bán tự trị vào năm 2005, mang tính đối chọi với thế giới quan căn bản của IS.

Giờ đây, với việc cả sự ổn định và nền dân chủ non trẻ đang gặp nguy hiểm, các quan chức trong KRG một lần nữa tìm đến sự giúp đỡ của Mỹ. Cùng với việc chào đón quyết định đối đầu với IS của Washington, các quan chức ở Irbil (thủ phủ của người Kurd ở Iraq) cũng thúc giục chính quyền Obama khởi động công cuộc giúp đỡ người Kurd tự lực bằng cách làm hùng mạnh quân đội của họ, quá trình mà theo người Kurd lẽ ra nên diễn ra từ lâu trước đó.

Không khó để nhận thấy rằng, dù sĩ khí chống IS đang cao, nhưng lực lượng vũ trang của người Kurd, được biết đến dưới cái tên Peshmerga, vẫn vấp phải nhiều khó khăn do sự thiếu sót về mặt cấu trúc căn bản.

Sau một thời gian lãnh đạo theo hình thức bán tự trị, người Kurd ở Iraq vẫn thiếu một lực lượng vũ trang chính thức, không mang màu sắc chính trị. Phần lớn quân số trong Peshmerga vẫn là các thành viên vũ trang thuộc hai đảng chính trị lớn nhất trong KRG: Đảng người Kurd Dân chủ (KDP) và Liên minh ái quốc của người Kurd (PUK).

Nếu như trong quá khứ, việc thiếu vắng một lực lượng vũ trang có tổ chức và được huấn luyện bài bản là điều mà nhiều đảng người Kurd ở Iraq chấp nhận như một tình trạng dù không thể tránh khỏi nhưng chấp nhận được, thì giờ đây, với sự trỗi dậy của IS, thứ quan điểm không phải bất di bất dịch trên đã nhanh chóng thay đổi.

Người Mỹ toan tính

Để có được một lực lượng quân đội người Kurd được tổ chức tốt hơn và tinh nhuệ hơn, thứ mà người Kurd ở Iraq cần nhiều hơn một sự nhạy bén và sắc sảo chính trị ở Irbil: sự điều chỉnh và hỗ trợ quân sự từ phía Mỹ.

Việc Mỹ có mối quan hệ tốt với tất cả các đảng của người Kurd ở Iraq cho phép Washington nắm lấy đòn bẩy giữa các đảng trên. Và chiếc đòn bẩy này có thể được sử dụng để giúp người Kurd ở Iraq xây dựng một quân đội thiện chiến để chiến đấu chống IS.

Nhưng, trước khi đưa ra bất kì động thái nào, việc đầu tiên mà Washington phải làm là quyết định xem liệu đây có đúng là con đường mà Mỹ muốn đi. Kể từ sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein, Mỹ đã chọn không huấn luyện và trang bị cho Peshmerga một cách trực tiếp.

Washington có chính sách các hoạt động hỗ trợ quân sự và huấn luyện phải thông qua chính phủ trung ương ở Baghdad. Cho đến nay, chính sách rường cột trong quan hệ với Iraq của Mỹ là Mỹ vẫn có cam kết với sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này, và việc qua mặt Baghdad để “đi lại” với người Kurd được xem sẽ là hành động khiến chính sách trên rơi vào tình thế nguy hiểm.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những chướng ngại khác Mỹ cần vượt qua trước khi có thể toàn lực hỗ trợ cho Peshmerga. Dù có quan hệ tốt với lãnh đạo của cả KDP và PUK, song trên giấy tờ cả hai đảng này vẫn bị Mỹ xếp  loại là các tổ chức khủng bố. Đó là lí do tại sao lực lượng Peshmerga của người Kurd, với quân số 150.000 người, trong đó 110.000 là thành viên của KDP hay PUK, không thể trực tiếp nhận sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.

Không thể nói không

Trong khi các nhà làm chính sách Mỹ đang đánh vật với câu hỏi giúp hay không giúp và giúp đến đâu tại Washington, người Kurd ở Iraq đã buộc phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ một nguồn khác. Hồi tháng 6, sau hàng loạt chiến chắng quân sự của IS, Iran là quốc gia đầu tiên, duy nhất chứng tỏ sẵn lòng cung cấp cả các trang thiết bị quân sự và các cố vấn cho cuộc chiến của người Kurd.

Lãnh đạo Cộng đồng người Kurd tại Iraq, Massoud Barzani (phải) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong cuộc họp báo ngày 26/8 tại Irbil. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif ở Irbil ngày 26/8, lãnh đạo Cộng đồng người Kurd tại Iraq, Masoud Barzani đã nói: “Người Kurd ở Iraq sẽ không bao giờ quên sự hỗ trợ của Iran đã đến vào một thời điểm vô cùng quan trọng, vượt quá sự kỳ  vọng của chúng tôi”.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Iran trong vai trò là mạnh thường quân của Peshmerga không phải là không có cái giá của nó. Dưới sự điều phối của Tehran, các chiến binh người Shiite do Iran dẫn đầu từ các nơi khác trên Iraq đã đổ về phía bắc để gia nhập cuộc chiến chống IS. Và do đó, chào đón vai trò của Iran trong cuộc chiến chống IS bao nhiêu, người Kurd lại càng lo lắng bấy nhiêu về dấu ấn của Tehran tại vùng đất này.

Nhưng nếu xét đến mối nguy hiểm cận kề đến từ IS, thì việc sự hỗ trợ quân sự của Iran sẽ xoay chuyển như thế nào, giờ đây chỉ là mối bận tâm xếp hàng thứ hai với người Kurd ở Iraq. Đơn giản là, họ cảm thấy hài lòng Tehran đã có mặt để ra tay hỗ trợ quân sự khi người Kurd cần đến nó nhất.

Về phía mình, Tehran sẽ không thể không nhìn thấy những sự chia rẽ bên trong của người Kurd và sự phân quyền của Peshmerga tạo ra cơ hội để Iran can dự và tăng cường ảnh hưởng của mình ở miền bắc Iraq.

Trong khi người Kurd ở Iraq trông chờ một hành động mau lẹ của Mỹ, Washington lại đang cân nhắc và toan tính. Thế cho nên, dù có ưu tiên lựa chọn nước Mỹ trong số các đối tác ngoại giao, nhưng người Kurd ở Iraq gần như không ở trong tình thế có thể kén cá chọn canh khi họng súng IS đã chĩa gần kề ngay sát cổ.


Anh Tiếu (Theo CNN)

Vì sao bom Mỹ chống IS rơi ở Iraq, không rơi ở Syria?
Vì sao bom Mỹ chống IS rơi ở Iraq, không rơi ở Syria?

Việc Mỹ liên tiếp triển khai các cuộc không kích hỗ trợ chính phủ Iraq đã làm dấy lên một câu hỏi: Vì sao Mỹ sẵn sàng đánh bom IS ở Iraq nhưng lại từ chối ra tay với nhóm này, lực lượng cực đoan gieo rắc tai ương và chịu trách nhiệm cho nhiều vụ phá hủy ở Syria?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN