Khi các chiến binh tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant - ISIL (nay đổi thành Nhà nước Hồi giáo - IS, tự xưng) hoành hành khắp miền bắc Iraq vào giữa tháng 6, một phát ngôn viên đại diện cho nhóm này đã đưa ra một tuyên bố chế giễu những kẻ thù đang run rẩy của mình. Nhạo báng Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki là một “tay buôn đồ lót”, hắn đã cảnh báo rằng các chiến binh của mình, những kẻ đi theo khuynh hướng cực đoan của Hồi giáo dòng Sunni, sẽ trả thù chế độ al-Maliki, mà người Shiite chi phối.
Phát ngôn viên IS thề rằng, những sự báo thù này sẽ không đến qua việc chiếm Baghdad. Nó sẽ xảy đến qua việc khuất phục Najaf và Karbala, các thành phố có một số điện thờ linh thiêng nhất của người Shiite. Các chiến binh dòng Sunni của IS sẽ vui vẻ giết chóc và hy sinh, nếu cần thiết, để xóa bỏ "sự hiện hữu báng bổ" của các điện thờ này.
Quân đội nào sẽ thà san bằng vài điện thờ thay vì chiếm đóng một thủ đô? Câu trả lời nói lên nhiều điều về thảm kịch hiện đang diễn ra tại Iraq và âm ỉ khắp Trung Đông. Cuộc tiến quân mau lẹ của IS từ Syria vào Iraq chỉ là phần nào về vùng đất hỗn loạn mà ở đó Mỹ đã mất đi gần 4.500 sinh mạng và tiêu tốn gần 1.000 tỷ USD trong những hy vọng ngày càng hão huyền về việc thiết lập một nền dân chủ ổn định và thân thiện.
Phiến quân IS chuẩn bị hành quyết các binh sĩ Syria. Ảnh: AFP-TTXVN |
IS chỉ là một mặt trận trong một cuộc chiến tranh thần thánh trải dài từ Pakistan sang Trung Đông và đến tận Bắc Phi. Vài ngày trước khi IS chiếm thành phố Mosul ở miền bắc Iraq, các chiến binh Pakistan theo chủ nghĩa cực đoan Sunni tương tự đã giết chết 36 người trong một cuộc tấn công vào sân bay náo nhiệt nhất của nước này.
Chiến tranh thần thánh truyền cảm hứng cho các phần tử cực đoan al-Shabab, lực lượng đã làm tăng danh tiếng bằng cách tàn sát ít nhất 48 người Kenya ở một thành phố ven biển hôm 15/6, và giải thích tại sao các chiến binh al-Qaeda bị tình nghi ở Yemen xả súng vào một chiếc xe buýt chở đầy nhân viên quân y vào cùng ngày.
Đó cũng là lý do vì sao Boko Haram đã bắt cóc hàng trăm nữ sinh người Nigeria và tại sao các chiến binh Taliban lại cắt ngón tay vẫn còn nhơ vết mực in của những cử tri cao tuổi đã tham gia bỏ phiếu kín tại cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm 14/6 ở Afghanistan. Osama bin Laden đã chết, nhưng hệ tư tưởng theo trào lưu chính thống của hắn – và logic lạnh lùng về việc giết người nhân danh Chúa của nó – được cho rằng đã vươn rộng hơn bao giờ hết.
Cho đến giờ, mặt trận IS là nguy hiểm nhất. Viễn cảnh gây ớn lạnh về các chiến binh thánh chiến với các khả năng hạt nhân đấu tay đôi – người Sunni ở Islamabad và người Shiite ở Tehran – vẫn là một kịch bản trong trường hợp xấu nhất, nhưng sự tan rã của Iraq với tư cách một Nhà nước dân tộc có vẻ gần như là một sự đã rồi.
Hai năm rưỡi sau khi Mỹ rút các lực lượng chiến đấu cuối cùng của mình và hơn một thập kỷ kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tại Iraq, những sự căm thù từ xa xưa đang nghiền nát đất nước này thành từng mảnh. Washington đã phản ứng lại bằng sự kinh ngạc – chẳng ai hình dung điều đó xảy ra – và sự đổ lỗi như thường lệ, nhưng Washington của ngày nay là một nơi mà ở đó lịch sử được đánh giá bằng các chu kỳ tin tức theo mỗi giờ và những đoạn viết trong phạm vi 140 ký tự (trên mạng xã hội Twitter). Những gì đang diễn ra ở Iraq là tác phẩm của hàng thế kỷ, chương cuối cùng trong câu chuyện về một sự ly giáo giữa dòng Sunni và dòng Shiite vốn là những tin tức xưa cũ từ 1000 năm trước.
Giấc mộng thành lập một Nhà nước Hồi giáo của những kẻ cực đoan dòng Sunni – theo gương triều đại đầu tiên của nhà tiên tri Mohammed ở thế kỷ thứ 7 – không có chỗ dành cho người Shiite. Đó là lý do tại sao giáo sỹ lãnh đạo dòng Shiite của Iraq đã đáp lại bước tiến của IS bằng cách hiệu triệu những người trung thành với ông ra chiến đấu.
Do vậy bắt đầu một cuộc nội chiến khác của Iraq, cuộc chiến này bất hạnh thay đã vướng vào cuộc xung đột giáo phái vốn đã lấy đi trên 160.000 mạng sống ở Syria. Sẵn sàng tham gia cuộc giao tranh này là Iran, quốc gia mà cuộc chiến kéo dài gần 8 năm của nước này với Iraq hồi những năm 1980 đã cướp đi hơn 1 triệu sinh mạng.
Các chiến binh bộ tộc ở Iraq tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng IS. Ảnh: Reuters
|
Đối với những người Mỹ đã chán nản về Trung Đông, sự thôi thúc này đủ mạnh để chúng ta (người Mỹ) phớt lờ và, như Sarah Palin (cựu Thống đốc bang Alaska, từng liên danh tranh cử Phó Tổng thống Mỹ) đã từng diễn đạt một cách lỗ mãng, “hãy để Thánh Allah lựa chọn!”. Tổng thống Obama đã giữ một khoảng cách thận trọng với cuộc nội chiến của Syria và tình trạng hỗn loạn thời hậu chiến ở Iraq.
Nhưng giờ đây hai cuộc chiến này đã trở thành một căn bệnh ung thư di căn nhanh chóng mà có thể không còn chịu đựng được nữa. Chừng nào nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục sử dụng dầu lửa của Trung Đông, những kẻ cực đoan dòng Sunni sẽ vẫn âm mưu thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhằm vào phương Tây và các lãnh đạo của Iran vẫn theo đuổi công nghệ hạt nhân, Mỹ sẽ không thể ngoảnh mặt làm ngơ.
Vali Nasr, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao của Obama và cũng là một chuyên gia về Hồi giáo nói: “Luôn có mối nguy hiểm về việc đổ trách nhiệm cho người khác. Đừng nói rằng khu vực này không có các vấn đề hay khả năng lãnh đạo kém. Quả thực là có. Nhưng những điều này sẽ không biến mất. Chúng sẽ gây đau đớn cho ta vào một thời điểm nào đó”. Những gì Leon Trotsky (một trong những nhà lãnh đạo của Cách mạng Tháng Mười Nga, người thành lập và chỉ huy Hồng quân) được cho là nói về chiến tranh cũng đúng với khu vực bị chiến tranh xâu xé này: Người Mỹ có thể không quan tâm đến Trung Đông. Nhưng Trung Đông quan tâm đến chúng ta.
Kỳ 2: Sự thù hằn từ xa xưa" TTK (
Theo tạp chí Time)