Ngừng hạt nhân-tên lửa, Triều Tiên định vực dậy kinh tế theo mô hình nào?

"Ông Kim Jong-un có thể tìm kiếm một mô hình kinh tế 'hỗn hợp', tiếp nhận ưu điểm của những hệ thống xã hội chủ nghĩa khác, có lợi cho ông trong duy trì hệ thống chính trị của mình, một mô hình có thể áp dụng được với thực trạng kinh tế hiện nay của Triều Tiên”.

Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng thử tên lửa và hạt nhân. Trong ảnh, một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên tại một địa điểm bí mật. Ảnh: KCNA


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 20/4 tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, cũng như đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền Bắc đất nước.

Tại phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 20/4, ông Kim Jong-un khẳng định, khi việc trang bị vũ khí hạt nhân đã được thực hiện, Bình Nhưỡng không cần phải tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa tầm trung, tầm xa cũng như tên lửa đạn đạo nào khác. Thay vào đó, Triều Tiên sẽ tập trung mọi nỗ lực để xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, huy động các nguồn nhân lực, vật lực để nhanh chóng nâng cao đời sống nhân dân. 

Bước chuyển hướng chiến lược

Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện sự chuyển hướng trong chính sách của ông nhằm vực dậy nền kinh tế ốm yếu của Triều Tiên, trong lúc tranh thủ những cuộc ngoại giao linh hoạt để dẫn tới giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và tăng cường cam kết bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng. Những biện pháp mới công bố đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của ông Kim Jong-un sau những năm dài các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên, ảnh hưởng tới sự ủng hộ của công chúng và dấy lên những rạn nứt ngoại giao với Trung Quốc - đối tác kinh tế then chốt của Bình Nhưỡng.

Tuyên bố bất ngờ của ông Kim Jong-un được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4 và với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

“Vấn đề bảo đảm an ninh nên được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ, vấn đề còn lại với ông Kim là xây dựng kinh tế, dựa trên cách thức mà ông mong muốn trong mục tiêu đưa Triều Tiên trở thành ‘một nền kinh tế mạnh’ vào năm 2020”, ông Cho Bong-hyun, nhà nghiên cứu cao cấp tại Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc phát biểu với hãng tin Yonhap. “Ông Kim dường như đã quyết định rằng, thành tựu kinh tế có thể giúp ông duy trì ổn định đất nước và tăng cường hình ảnh của ông ở nước ngoài”, ông Cho nhận xét thêm.

Ông Kim Jong-un gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tháng 3/2018. Ảnh: AP

Nền kinh tế Triều Tiên đã suy yếu trong bối cảnh Bình Nhưỡng dồn sức đầu tư vào chương trình tên lửa và hạt nhân, dẫn đến các lệnh trừng phạt nặng nề của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) cũng như từ các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác.

Đặc biệt, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ là một cú giáng với kinh tế Triều Tiên, khi nền kinh tế lớn số 2 thế giới chiếm tới 90% hoạt động thương mại của Bình Nhưỡng.

“Do các lệnh trừng phạt, ngân sách có thể đã bắt đầu rơi xuống đáy”, Park Won-gon, chuyên gia an ninh tại Đại học Handong Global phán đoán.

Các lệnh trừng phạt từ quốc tế cũng được cho là đã dẫn tới sụt giảm mạnh hoạt động thương mại, doanh thu từ các hoạt động kinh doanh của Triều Tiên ở nước ngoài cũng như lượng kiều hối từng đều đặn "chảy về" từ lực lượng người lao động Triều Tiên ở hải ngoại.


Những cải cách thất bại


Giới chuyên gia cho rằng, do ảnh hưởng từ mạng lưới phức tạp các lệnh trừng phạt toàn cầu, những cải cách kinh tế trước đây của Triều Tiên đều chưa mang lại kết quả như mong đợi. Tháng 6/2012, khi mới lên nắm quyền, ông Kim Jong-un đưa ra một sáng kiến cải cách được cho là trao quyền tự chủ rộng lớn hơn cho các tập đoàn nhà nước, cho phép họ được lựa chọn các sản phẩm để sản xuất, quyết định giá cả, sản lượng cũng như phương pháp marketing. Cải cách này cũng cho phép nông dân giữ lại phần thặng dư mùa màng của mình.

Tháng 5/2013, ông Kim Jong-un cho thành lập một loạt đặc khu kinh tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Nga và các nước khác. Đúng một năm sau đó, ông tiến hành những biện pháp bổ sung nhằm nới lỏng kiểm soát Nhà nước đối với các nhà máy, cửa hiệu.

Tuy nhiên, tất cả những biện pháp trên đã không thu được tiến bộ nào đáng kể, chủ yếu là do các lệnh trừng phạt đang bủa vây đất nước nhằm đáp trả những cuộc thử tên lửa và hạt nhân, trong đó có vụ thử hạt nhân thứ sáu và mạnh nhất của Triều Tiên vào tháng 9/2017.

“Với việc một tỉ lệ lớn các doanh nghiệp nhà nước của Triều Tiên không hoạt động đầy đủ chức năng, nhiều công dân đã phải lệ thuộc vào thị trường không chính thức để kiểm sống. Nói đơn giản là hệ thống kinh tế nhà nước của Triều Tiên đã hầu như tê liệt. Lúc này ông Kim đang tìm cách phục hồi hệ thống này”, ông Ahn Chan-il, giám đốc Viện nghiên cứu thế giới về Triều Tiên, nhận định với Yonhap. 

Xem video ông Kim Jong-un thăm các nhà máy sản xuất tại Triều Tiên



Lựa chọn mô hình kinh tế

Hiện vẫn chưa rõ nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ áp dụng mô hình phát triển nào để đưa đất nước ra khỏi khó khăn kinh tế, nhưng ông Ahn lưu ý rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tìm cách đuổi mô hình của Trung Quốc, Cuba và Việt Nam.

“Ông Kim có thể tìm kiếm một mô hình 'hỗn hợp', tiếp nhận ưu điểm của những hệ thống xã hội chủ nghĩa khác, có lợi cho ông trong duy trì hệ thống chính trị của mình, một mô hình có thể áp dụng được với thực trạng kinh tế hiện nay của Triều Tiên”, ông Ahn nêu phán đoán.

Thông báo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về sự chuyển đổi chính sách được đưa ra sau chuyến thăm của ông tới Trung Quốc vào cuối tháng 3 vừa qua – chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông kể từ khi nắm quyền cuối năm 2011. Tại Bắc Kinh, ông Kim đã tới thăm khu công nghệ cao Zhongguancun - được ví như "Thung lũng Silicon của Trung Quốc" - để chứng kiến những tiến bộ kinh tế, khoa học công nghệ ấn tượng – một lý do khiến giới quan sát nhận định ông có thể cân nhắc mô hình kinh tế của Trung Quốc.

Cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành (phải) thăm Trung Quốc năm 1982, gặp gỡ ông Đặng Tiểu Bình.

Hiện đang xuất hiện một số nhận định lạc quan thận trọng cho rằng, ông Kim Jong-un có thể tìm kiếm vị thế của bản thân như một nhân vật mẫu mực của sự cởi mở và cải cách, giống như ông Đặng Tiểu Bình, người đi đầu cải cách kinh tế Trung Quốc vào cuối thập niên 1970. Ông Đặng Tiểu Bình từng đặt ra con đường phát triển kinh tế với khẩu hiệu “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Theo một số nhà phân tích, đây có thể là một hướng đi cho ông Kim Jong-un.

“Với đảng Cộng sản Trung Quốc ở tuyến đầu và trung tâm, cường quốc châu Á đã đạt được sự phát triển kinh tế trong một khoảng thời gian ngắn trong khi vẫn giữ được hệ thống chính trị. Đây có thể là mô hình ông Kim đang nghiên cứu”, chuyên gia Cho Bong-hyun của Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc nhận xét.

“Ông ấy (Kim Jong-un) đang tìm kiếm một kiểu tăng trưởng kinh tế nhanh như từng thấy ở Trung Quốc” - ông Lee Jong-seok, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc nhận định trên tờ New York Times - “Triều Tiên trong tầm nhìn của ông ấy khác so với Triều Tiên của cha ông”.    

Vấn đề có tầm ảnh hưởng lúc này là một xung lực từ bên ngoài để nhà lãnh đạo Triều Tiên đi đúng hướng cởi mở và cải cách. “Cho dù Chủ tịch Kim có thể trở thành một Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên hay không, thì cộng đồng quốc tế, trong đó có Hàn Quốc và Mỹ, cần đảm bảo an ninh của Triều Tiên và trao những cơ hội phát triển kinh tế cho họ”, ông Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Sejong (Hàn Quốc) được Yonhap dẫn lời phát biểu.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Triều Tiên vừa 'xuống nước', Hàn - Mỹ vẫn tập trận 'Giải pháp then chốt'
Triều Tiên vừa 'xuống nước', Hàn - Mỹ vẫn tập trận 'Giải pháp then chốt'

Theo hãng thông tấn Yonhap, một quan chức quân sự Hàn Quốc ngày 22/4 cho biết nước này và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên Giải pháp then chốt theo đúng kế hoạch từ ngày 23/4 và diễn ra trong 2 tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN