Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần kiểm tra đầu đạn hạt nhân. Ảnh: Getty Image |
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), quyết định trên đã được thông qua tại phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 20/4, trong đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Bình Nhưỡng sẽ tập trung mọi nỗ lực để xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, huy động các nguồn nhân lực, vật lực để nhanh chóng nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời sẽ tiến hành “các cuộc tiếp xúc gần gũi và đối thoại tích cực với các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế” nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh quyết định của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đánh giá đây "tiến bộ lớn" và bày tỏ hy vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với ông Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có phản ứng tương tự khi đánh giá quyết định của Triều Tiên là “một bước tiến có ý nghĩa” trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhà Xanh nhận định bước đi này “sẽ góp phần tạo ra một không khí cực kỳ tích cực cho hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều sắp tới”, mở đường cho “hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên”.
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 ngày qua Triều Tiên phát đi những tín hiệu “xuống thang” đáng kể so với quan điểm cứng rắn trước đây của nước này, sau quyết định thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên và tuyên bố sẵn sàng phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết nào.
Xét trên những diễn biến tích cực kể từ đầu năm tới nay trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là không khí hòa giải và xu thế đối thoại đang được thiết lập giữa hai miền Triều Tiên cũng như giữa “hai địch thủ” Triều Tiên - Mỹ, động thái mới của Bình Nhưỡng có thể coi là bước đi hợp logic, hoặc nói một cách khác, kết quả này ít nhiều mang tính tất yếu.
Nếu coi tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là "chìa cành ôliu" với Mỹ và Hàn Quốc thì có vẻ cành ô liu ấy đã được “ươm mầm” từ chính sách khôn khéo, mềm dẻo và ôn hòa của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong vấn đề Triều Tiên. Đặc biệt, những nỗ lực ngoại giao liên tiếp của Hàn Quốc sau thông điệp đầu Năm mới 2018 của nhà lãnh đạo Triều Tiên về mong muốn cử đoàn tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang, đã thực sự “phá băng” trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, với việc các bên nhất trí tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4 tới và sau đó là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Đáng chú ý, tuyên bố này được đưa ra sau chuyến công du của Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Ngoại trưởng được đề cử Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng và trực tiếp gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, sự kiện được nhìn nhận là một diễn biến mở ra “sự khởi đầu tốt đẹp” trong quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thừa nhận “có những bước tiến đặc biệt trong việc thiết lập một số kênh liên lạc thường xuyên nhất giữa hai nước trong một nửa thế kỷ qua” và bày tỏ tin rằng “có nhiều thiện chí, nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra”.
Những động thái từ phía Mỹ có thể liên quan tới quyết định của Bình Nhưỡng bởi lâu nay, Triều Tiên vẫn tuyên bố chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này là để chống lại “hành động khiêu khích và xâm lược” của Mỹ đối với Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc trước đó cũng khẳng định Bình Nhưỡng “mong muốn chấm dứt những chính sách thù địch đối với Triều Tiên, tiếp theo là đảm bảo an ninh".
Nhiều ý kiến cho rằng tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên là nhằm tạo không khí thuận lợi cho các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Chuyên gia Brian Becker, người đứng đầu Liên minh chống chiến tranh và phân biệt chủng tộc “ANSWER” có trụ sở tại Mỹ, cho rằng đây là bước đi lớn của Chính phủ Triều Tiên trước thềm hội đàm, bởi “họ đang loại bỏ tất cả những trở ngại có thể ngăn cản bước phát triển lớn, thực sự và khả thi trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời có thể chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên”.
Theo một số nhà phân tích khác, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nhiều năm dẫn tới sự đối đầu và việc siết chặt các lệnh trừng phạt quốc tế đã khiến Triều Tiên “mệt mỏi” và thực sự Bình Nhưỡng đang tìm kiếm một cơ hội có được hiệp ước hòa bình và đưa nền kinh tế hội nhập vào kinh tế thế giới. Tiến sĩ Simone Chun thuộc Mạng lưới Hòa bình Triều Tiên nhận định rằng “về cơ bản, Triều Tiên đang chuyển sang việc tìm kiếm sự giàu có và thịnh vượng. Họ chứng minh bằng việc ngừng chương trình hạt nhân hoàn toàn và cho cả thế giới thấy rõ bây giờ họ muốn tham gia vào mô hình Đông Á, có thể đem đến phép màu về kinh tế”.
Song, tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên tỏ ra chưa đủ sức nặng để dư luận có thể tin rằng Triều Tiên sẽ từ bỏ hoàn toàn tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe nhận định tuyên bố của của ông Kim Jong-un là "tích cực", song cảnh báo phải xem liệu động thái này có dẫn đến “một sự dỡ bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược” chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay không. Ông khẳng định Tokyo sẽ không ngay lập tức thay đổi chính sách gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng.