Trong lúc cần tập trung mọi nỗ lực ngoại giao để giải quyết những căng thẳng tại Syria, Mỹ vẫn chưa thể trút được gánh nặng tại một nơi khác cũng ở Trung Đông, đó là Ai Cập.Tình hình bạo lực tại Ai Cập vẫn chưa hề thuyên giảm. Ảnh: IPS. |
Nguy cơ đẩy Ai Cập xích lại gần hơn với NgaĐoàn đại diện gồm 3 nghị sỹ đảng Cộng hòa của các bang Iowa, Texas và Minnesota đã thăm Ai Cập vào tuần trước, cam kết sẽ duy trì 1,3 tỷ USD tiền viện trợ quân sự từ Mỹ - nguồn viện trợ bị đe dọa cắt bỏ sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu tháng 7, gây ra cái chết của hàng nghìn dân thường.
Theo như báo chí Ai Cập, người đứng đầu cuộc đảo chính, Tướng Abdul-Fattah el-Sisi đang tính toán để chạy đua vào ghế tổng thống Ai Cập, một hình thức để hợp pháp hóa cuộc đảo chính tại đất nước được coi là một trong những đồng minh thân tín nhất của Mỹ tại Trung Đông, sau Israel.
Chính quyền của Tổng thống Obama, trước đây đã từ chối việc cắt giảm viện trợ quân sự cho Ai Cập, gần đây đã đưa ra một lệnh cấm vận mang tính hình thức là tạm ngừng cung cấp hai lô vũ khí chiến lược cho Ai Cập, bao gồm máy bay tiêm kích F-16 và máy bay trực thăng chiến đấu Apache.
Theo sau hành động của Mỹ, Đức cũng tạm ngừng cung cấp vũ khí cho Ai Cập, với lô hàng trị giá 17,6 triệu USD nằm trong hợp đồng mua bán nửa đầu năm 2013. Châu Âu cũng hành động tương tự, với việc chính phủ Anh thu hồi một số loại giấy phép xuất khẩu vũ khí, trong khi Thụy Điển đã tạm ngừng mọi hỗ trợ cho Cairo.
Khi Ai Cập ký hiệp định hòa bình với Israel năm 1979 với vai trò trung gian của Mỹ thì nước này đã buộc phải chuyển từ quan hệ chính trị thân thiết với Liên Xô sang quan hệ với Mỹ.
Theo các điều khoản của hiệp định hòa bình, Ai Cập phải từ bỏ Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác với Moscow có từ rất lâu trước đó, một thỏa thuận cho phép Liên Xô cung cấp lượng vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ai Cập. Những loại vũ khí trong hợp đồng bao gồm máy bay chiến đấu MiG-21 và trực thăng đổ bộ Mi-8, máy bay vận tải quân sự siêu lớn Antonov, hệ thống tên lửa chiến thuật – chiến trường SA-6 và SA-7, và các loại xe tăng chiến đấu T-54 và T-62.
Trong chương trình hiện đại hóa quân sự trên nhiều lĩnh vực của Ai Cập kéo dài suốt 34 năm qua, những loại vũ khí của Nga dần trở nên cũ và hầu hết được thay thế bởi vũ khí của Mỹ. Theo như dự đoán của nữ tiến sỹ Natalie J. Goldring, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học Georgetown, thì những căng thẳng trong quan hệ chính trị với Mỹ thời điểm hiện tại rất có thể buộc chính phủ quân sự lâm thời của Ai Cập phải chuyển sang sử dụng vũ khí của Nga cho nhu cầu quân sự. Điều này sẽ đẩy Ai Cập sát lại gần hơn với Nga và Mỹ sẽ phải mất hàng tỉ USD tiền bán vũ khí cho Ai Cập.
Tiến sỹ Goldring cho biết thêm, chính phủ Nga có thể sẽ rất hài lòng nếu như Ai Cập chuyển sang mua vũ khí của Nga, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga đang căng ở thời điểm hiện tại. Nhưng bà cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng của Ai Cập: “Tôi không nghĩ rằng Ai Cập có khả năng tái thiết lại toàn bộ hệ thống quân sự vào lúc này”.
Goldring đánh giá rằng bất kỳ hợp đồng quân sự nào giữa Ai Cập với Nga vào lúc này đều có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị hơn là về quân sự.
Trong khi đó nhà phân tích quân sự chuyên về vấn đề Trung Đông/châu Phi của Trung tâm Dự báo Quốc tế là Nicole Auger, đồng thời cũng là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dự báo về thị trường vũ khí và công nghiệp quốc phòng cho biết, Liên Xô đã liên tục cung cấp một lượng lớn vũ khí trong khoảng 10 năm kể từ khi diễn ra giao dịch đầu tiên giữa Liên Xô với Ai Cập vào năm 1955. Sau đó, Liên Xô đã từ chối tiếp tục cung cấp lượng vũ khí lớn hơn khi quan hệ Liên Xô - Ai Cập trở nên căng thẳng vào những năm thập niên 1970.
Nicole Auger cho biết thêm, chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Ai Cập được thực hiện thông qua việc tân trang hoặc thay thế các loại vũ khí đã cũ của Liên Xô, tất cả đều được mua trước khi Ai Cập quan hệ thân thiết với Mỹ. Các phương tiện quân sự Nga từng chiếm khoảng 50% kho vũ khí của Ai Cập, do vậy Mỹ đã giúp đỡ Ai Cập hiện đại hóa bằng cách thay vào đó các vũ khí do Mỹ sản xuất.
Theo Auger, Ai Cập đã dự định sẽ chuyển sang sử dụng hoàn toàn các loại vũ khí quân sự của phương Tây vào năm 2005 nhưng kế hoạch này bị trì hoãn trong quá trình thực thi, bởi vậy một lượng lớn vũ khí từ thời kỳ Liên Xô vẫn tồn tại trong kho vũ khí của Ai Cập, chủ yếu là các loại máy bay và quân nhu.
Tiến sỹ Goldring cho biết, chính phủ và các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đã giúp đỡ Ai Cập hiện đại hóa quân sự trong vòng 3 thập niên qua, nỗ lực này của Mỹ thực hiện bằng nguồn thuế đóng góp của người dân Mỹ. Bà chỉ rõ: “Nếu có sự thay đổi về nhà cung cấp vũ khí thì Ai Cập sẽ phải cần xây dựng lại lực lượng quân sự”. Và việc xây dựng lại lực lượng quân sự cần thêm vũ khí, nếu Mỹ không thể tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ai Cập thì đương nhiên Ai Cập lại quay lại với Nga.
Áp lực trong việc trừng phạt Ai Cập về vấn đề nhân quyền Tổng thống Barack Obama họp bàn với đội ngũ cố vấn an ninh về tình hình Ai Cập. Ảnh: AP |
Chính quyền Tổng thống Obama đang lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Hiệp ước Mua bán Vũ khí của Liên hợp quốc (ATT) và sẽ ký hiệp ước này trong vòng vài tuần tới. Một trong những nguyên tắc chính của hiệp ước là việc không cho phép các nước mua bán các loại vũ khí được sử dụng để xâm phạm quyền con người. Mục đích của ATT là để ngăn chặn những hoạt động giết người giống như đang diễn ra tại Ai Cập vào lúc này.
Tiến sĩ Goldring cho biết, vấn đề vi phạm nhân quyền ở Ai Cập ở thời điểm hiện tại và trước đây đã được ghi nhận bằng các số liệu của tổ chức Human Rights Watch và các tổ chức khác. Bà phát biểu: “Tình trạng vi phạm nhân quyền đã xảy ra tại Ai Cập và việc Mỹ cắt viện trợ quân sự cho nước này là điều không phải suy tính”.
Không quan tâm tới việc Mỹ đánh giá như thế nào về việc đảo chính diễn ra ở Ai Cập, “chúng ta không nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ai Cập vào lúc này”, bà nói.
Hành động tối thiểu của chính phủ Mỹ cần làm lúc này là tuyên bố công khai việc đánh giá lại chính sách và viện trợ của Mỹ với Ai Cập, đồng thời tạm dừng tất cả mọi viện trợ quân sự, ký kết các hợp đồng vũ khí và việc cung cấp vũ khí. Điều này để đảm bảo tránh xảy ra tình trạng Mỹ phải tự động cắt bỏ mọi quan hệ với Ai Cập nếu Mỹ tuyên bố hành động “phế truất” Tổng thống Ai Cập là “đảo chính quân sự”. Có thể thấy Mỹ đã luôn né tránh dùng từ “đảo chính” khi đề cập tới sự kiện lật đổ chính phủ ở Ai Cập, do Washington không được phép viện trợ cho chính phủ của bất kỳ nước nào có người đứng đầu chính phủ bị lật đổ bởi đảo chính quân sự.
Goldring cho biết: “Nếu chính quyền Mỹ thất bại trong đáp trả về hành vi xâm phạm nhân quyền, điều này sẽ khuyến khích lãnh đạo các nước khác tiếp tục vi phạm hoặc làm tồi tệ hơn tình hình nhân quyền. Và nếu nước Mỹ không thể sẵn sàng hành động khi đã có bằng chứng rõ ràng về việc vi phạm nhân quyền thì lãnh đạo các nước khác sẽ cho rằng nước Mỹ không thể đạt được mục tiêu với nguyên tắc do Mỹ đề ra”.
Đức Trung (theo IPS)