'Ngày Tự do' – 'Canh bạc' của Thủ tướng Anh Boris Johnson

Kể từ ngày 19/7, Thủ tướng Boris Johnson sẽ đặt các công dân xứ England vào một cuộc thử nghiệm nhằm chứng tỏ một quốc gia đông dân với số ca nhiễm đang tăng mạnh sẽ đối phó tốt như thế nào khi các hạn chế được dỡ bỏ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh rằng sự thành công của việc triển khai vaccine đồng nghĩa với việc các hạn chế có thể được dỡ bỏ bất chấp các ca nhiễm mới gia tăng. Ảnh: CNN

Nhờ chính sách ưu tiên của của Thủ tướng Johnson, hầu hết dân số trưởng thành của Vương quốc Anh hiện đã được tiêm đủ hai liều vaccine. Nhưng trong khi chiến dịch tiêm chủng đã giúp cắt giảm số người mắc bệnh nặng và tử vong, số ca nhiễm vẫn đang tăng lên. 

Tại Vương quốc Anh, mặc dù xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland – những vùng ít dân hơn - cũng đang được tiêm phòng với tỉ lệ rất cao, chỉ có England mới thực hiện bước nhảy vọt với “Ngày Tự do” 19/7.

Dỡ bỏ hầu hết các hạn chế

Kể từ ngày này, hầu như tất cả các hạn chế ở England sẽ được dỡ bỏ. Không còn đeo khẩu trang bắt buộc; giới hạn về số lượng người tụ tập trong nhà hoặc ngoài trời sẽ chấm dứt; giãn cách xã hội chỉ còn áp dụng với những người có kết quả xét nghiệm dương tính và ở sân bay; các địa điểm như hộp đêm và sân vận động thể thao sẽ được mở hết công suất.

Tuy nhiên, nếu ai đó bị ứng dụng theo dõi COVID-19 của Cơ quan Y tế Anh (NHS) báo cáo, họ vẫn cần phải tự cách ly cho đến ngày 16/8, thời điểm những người đã tiêm vaccine 2 mũi sẽ được tự do tiếp tục cuộc sống bình thường.

Khi các ca nhiễm mới liên tiếp tăng nhanh ở Anh, số người được ứng dụng trên yêu cầu tự cách ly cũng tăng mạnh. Trong tuần tính đến ngày 7/7, trên nửa triệu người đã nhận được cảnh báo tự cách ly, làm dấy lên lo lắng về tác động của chương trình đối với nền kinh tế. Ngay bản thân Thủ tướng Boris Johnson cũng phải tự cách ly sau khi có tiếp xúc với Bộ trưởng Y tế Sajid Javid, người có kết quả xét nghiệm dương tính hôm 17/7.

Chú thích ảnh
Biểu đồ ca lây nhiễm/ngày ở Anh với đỉnh mới vào. ngày 18/7 với trên 48.000 ca. Ảnh: DM
Chú thích ảnh
Trong khi đó, số ca tử vong chỉ tăng không đáng kể, sau những đợt tử vong kinh hoàng từ năm 2020.

Đây không phải là "canh bạc" đầu tiên mà Thủ tướng Johnson đã thực hiện trong đại dịch: Ông đã từng chấm dứt phong toả vào ngày 2/12/2020 với cam kết một Giáng sinh bình thường – lời hứa mà cuối cùng bị phá vỡ khi ông buộc phải áp đặt trở lại các hạn chế. Trong suốt mùa hè năm 2020, chính phủ đã khuyến khích công chúng, vốn chưa được tiêm chủng đầy đủ, quay lại các quán rượu và nhà hàng, thậm chí đưa ra các biện pháp khuyến khích tài chính. Ông Johnson cũng lựa chọn lối đi sớm một mình, không tham gia cùng các đối tác châu Âu trong việc mua vaccine – một quyết định ban đầu được coi là thành công khi Vương quốc Anh dẫn trước các nước láng giềng về tiêm chủng cho người dân.

Ông Johnson đã bảo vệ quyết định mới nhất của mình với lý do sự gia tăng các ca nhiễm đã “được dự đoán trước”. Trước đây, những dữ liệu như vậy có thể khiến chính phủ phong toả chặt hơn nữa. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho rằng "hiệu quả liên tục của việc triển khai vaccine " cho phép ông tin tưởng người dân Anh có thể được cung cấp điều mà họ đã mong đợi từ lâu: “Ngày tự do” vào 19/7.

Ông Johnson thừa nhận rằng việc dỡ bỏ hạn chế có thể dẫn đến số ca tử vong do COVID-19 tăng lên, nhưng cũng nói thêm rằng, "nếu chúng ta không thể mở cửa lại xã hội trong vài tuần tới, khi chúng ta sẽ được trợ giúp bởi mùa hè đến và kỳ nghỉ hè, thì ta phải tự hỏi khi nào chúng ta mới có thể trở lại bình thường?"

Điều gì có thể chệch hướng?

Không phải bàn cãi, người hưởng lợi chính từ việc nới lỏng các hạn chế sẽ là ngành khách sạn, lĩnh vực chính trong nền kinh tế Anh. Mặc dù hầu hết các khách sạn đều đang chật vật để quay trở lại và kiếm doanh thu, nhưng việc bỏ các hạn chế không phải là không phức tạp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân COVID-19 ở London. Ảnh: Reuters

Kate Nicholls, Giám đốc điều hành tại UK Hospitality (Hiệp hội khách sạn Anh), giải thích rằng nhiều địa điểm vẫn sẽ áp dụng các hạn chế đối với chính họ để tránh các vấn đề thực tế do lây nhiễm COVID-19 gây ra. Bà Nicholls giải thích rằng, ứng dụng của NHS và việc phải tự cách ly bắt buộc là thách thức lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, vì nó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động hiện tại trên thị trường.

Nguy cơ lớn nhất là việc quay trở lại cuộc sống bình thường, thúc đẩy hoạt động du lịch khách sạn, sẽ dẫn đến sự gia tăng lớn hơn các ca lây nhiễm. Simon Clarke, Phó giáo sư về vi sinh vật học tế bào tại Đại học Reading cho biết: “Ngành khách sạn dựa vào việc mọi người tương tác và gặp gỡ, điều đó sẽ làm tăng tỷ lệ lây nhiễm bệnh”.

Nghiên cứu mô hình hóa của Đại học Hoàng gia London dự đoán rằng việc dỡ bỏ tất cả các hạn chế có thể dẫn đến "làn sóng thứ ba về số ca nhập viện và tử vong”. Mặc dù các loại vaccine COVID-19 hiện rất hiệu quả, nhưng chúng không bảo vệ 100%. Một số người có thể mắc bệnh dù đã được tiêm phòng đầy đủ.

Phó giáo sư Clarke giải thích rằng "việc lấp đầy các bệnh viện bởi bệnh nhân COVID-19 sẽ gây ra một áp lực rất lớn cho NHS, và "có vẻ như đó là những gì sắp xảy ra." 

Ông Clarke lo ngại, với mỗi lần lây bệnh của một người đã tiêm vaccine, khả năng virus đột biến sẽ tăng lên. Ông không cho rằng điều đó đồng nghĩa chúng ta sẽ thấy ngay một biến thể hoàn toàn kháng vaccine, nhưng “những gì chúng ta sẽ thấy là sự suy giảm dần hiệu quả của vaccine”.

Cũng có dữ liệu về việc liệu vaccine có bảo vệ chống lại chứng COVID kéo dài hay không. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết khoảng 1 triệu người hiện đang mắc phải tình trạng này ở Anh. Nhiều người đã trải qua các triệu chứng như mệt mỏi và sương mù não trong nhiều tháng. Và một biến thể kháng vaccine có thể sẽ thổi bay câu chuyện thành công lớn nhất của Thủ tướng Johnson về đại dịch.

Chú thích ảnh
Người dân England sẽ không bị bắt buộc phải đeo khẩu trang ở cả không gian trong và ngoài nhà kể từ 19/7. Ảnh: AFP

Vương quốc Anh cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần lớn trong đại dịch. Các chuyên gia e ngại, thay vì những vấn đề đó sẽ biến mất khi các hạn chế được dỡ bỏ, có khả năng “Tự do” lại dẫn đến sự chia rẽ hơn nữa giữa công chúng, gây ra nhiều lo lắng và tổn thương hơn cho những người vốn đã dễ bị tổn thương. “Một số người sẽ tiếp tục đeo khẩu trang, duy trì giãn cách, và họ có thể coi người khác là ích kỷ nếu không làm vâỵ; còn những người khác lại coi họ là thái quá”, John Drury, Giáo sư Tâm thần học xã hội tại Đại học Sussex cảnh báo.

Nếu sự mất đoàn kết gia tăng nghiêm trọng, rất có thể nó sẽ phản tác dụng đối với Thủ tướng Johnson. Joe Twyman, giám đốc công ty tư vấn dư luận Deltapoll, cho biết: “Công chúng liên tục mắc sai lầm  thiếu thận trọng và các quy tắc mà chính phủ đưa ra thường bị coi là chưa đủ và quá muộn”. Ông tin rằng nếu sự gia tăng lây nhiễm và số ca bị buộc tự cách ly dẫn đến các gia đình phải huỷ bỏ kỳ nghỉ hè, điều đó có thể gây tổn hại tới uy tín của Thủ tướng Johnson.

Từng dẫn dắt một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, một cuộc nới lỏng thất bại, ông Johnson đã được “cứu sống” nhờ một chiến dịch tiêm chủng thần tốc. Bây giờ là thời điểm ông cần nhìn nhận chiến thắng về vaccine của mình có thực sự là ân huệ đủ để xoá bỏ các hạn chế. Nếu câu trả lời là không, ông phải đưa ra một lựa chọn rất khó khăn: kiên quyết cho phép "tự do", cho dù ca tử vong sẽ tăng trở lại; hoặc lạnh lùng đảo ngược lời hứa “tự do” với một quốc gia đã chia rẽ và vỡ mộng. 
 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
COVID-19 tới 6h sáng 19/7: Anh lây nhiễm đứng đầu thế giới; Nhật Bản đối mặt làn sóng thứ 5
COVID-19 tới 6h sáng 19/7: Anh lây nhiễm đứng đầu thế giới; Nhật Bản đối mặt làn sóng thứ 5

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 420.000 ca nhiễm và gần 6.500 ca tử vong. Anh ghi nhận ca nhiễm mới cao nhất thế giới ngay trước "Ngày Tự do", trong khi thủ đô Tokyo đối mặt làn sóng thứ năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN