Ngăn vòng xoáy hận thù lan rộng 

Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, đang kiểm soát Dải Gaza, kéo dài 1 tháng qua vẫn đang tiếp tục với ngày càng nhiều những diễn biến gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Không chỉ gây thương vong lớn cho cả hai bên, cuộc xung đột đang làm xáo trộn địa chính trị khu vực, làm chia rẽ các mối quan hệ quốc tế và đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến tranh lan rộng.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza ngày 4/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Vụ tấn công của Hamas tại các khu dân cư gần biên giới Israel khơi mào cho chiến dịch trả đũa đẫm máu của Israel nhằm vào Dải Gaza đã gây ra thảm kịch tồi tệ nhất cho cả hai bên kể từ khi Nhà nước Do Thái ra đời năm 1948. Các đảng phái chính trị tại Israel từ chỗ đang chia rẽ sâu sắc liên quan đến cuộc khủng hoảng cải cách tư pháp, chuyển sang đoàn kết tạo thành một mặt trận ủng hộ tấn công trả đũa Hamas. Sau khi tình trạng chiến tranh được công bố, Israel đã huy động trên 300.000 quân nhân dự bị, đồng thời chuẩn bị mọi nguồn lực để đưa vũ khí, khí tài tới biên giới. 

Cũng như mọi cuộc chiến, trả giá đắt nhất vẫn là những người dân thường. Theo thống kê tính đến ngày 6/11 của Cơ quan Y tế tại Dải Gaza, số người thiệt mạng tại dải đất này đã lên tới hơn 10.000 người, trong đó trẻ em chiếm trên 40%. Bên phía Israel, số người thiệt mạng cũng khoảng 1.400 người, chủ yếu là dân thường, trong khi số phận của hàng trăm người bị bắt cóc vẫn chưa được xác định.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm và nỗ lực của thế giới, đặc biệt là các tổ chức quốc tế và các quốc gia Arab/Hồi giáo trong khu vực. Ngày 5/11, lãnh đạo của tất cả các cơ quan quan trọng thuộc Liên hợp quốc (LHQ) cùng ra một tuyên bố chung bày tỏ sự lo ngại trước số dân thường thiệt mạng ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi lệnh "ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức" giữa Israel và Hamas. Tuyên bố chung nêu rõ: "Trong gần một tháng qua, thế giới đã theo dõi tình hình đang diễn ra ở Israel và vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trong sự bàng hoàng và kinh hoàng trước số người thiệt mạng và tình trạng chia cắt ngày càng gia tăng... Điều này là không thể chấp nhận được". Tuyên bố cũng kêu gọi Hamas trả tự do cho hơn 240 con tin mà lực lượng này bắt giữ, yêu cầu cả hai bên tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế khi xảy ra xung đột.

Ở bình diện khu vực và thế giới, cuộc chiến đang gây xáo trộn các mối quan hệ giữa các quốc gia và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các phe khối, như lời cảnh báo mới nhất của Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, cho rằng cuộc chiến đã tạo ra một “ngã rẽ lịch sử” và sẽ tác động đến tương lai trong nhiều thập niên.

Quan điểm chung của các cường quốc, bao gồm Mỹ, EU, Nga và Trung Quốc, đều là tìm kiếm giải pháp nhằm giảm leo thang xung đột tại Gaza, nhưng đi sâu vào bản chất các bên vẫn còn nhiều mâu thuẫn và bất đồng trong cách tiếp cận. Trong khi Mỹ và các nước đồng minh phương Tây duy trì quan điểm ủng hộ "quyền được tự vệ" của Israel, Nga chỉ trích Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép và là tác nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tại Trung Đông. Từ một quốc gia tới nay chủ yếu chỉ hiện diện trong khu vực trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đã chủ động tiếp cận tại các sự kiện và kết nối các quốc gia để thể hiện vai trò về chính trị tại khu vực. Tờ China Daily của Trung Quốc cho rằng Washington “đổ thêm dầu vào lửa" bằng cách ủng hộ Israel trong cuộc xung đột.

Trung Đông với nhiều mối quan hệ chồng chéo, đan xen giữa các quốc gia cũng chịu tác động không nhỏ của cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Các phong trào ủng hộ Palestine lan rộng, đặc biệt là trong thế giới Arab/Hồi giáo, nhưng không vì thế giúp các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) xích lại gần nhau. Khó xử nhất là Qatar, quốc gia vừa là đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, nhưng đồng thời cũng đang dành tài trợ rất lớn cho Dải Gaza và là nơi đặt văn phòng của các chính trị gia Hamas. Ngay sau khi chiến sự nổ ra, Qatar đã quy trách nhiệm cho Israel về tình hình xung đột leo thang. Ngày càng nhiều các quốc gia khác trong khu vực phản đối chiến dịch “trừng phạt tập thể” của Israel: Bahrain, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ rút đại sứ, Saudi Arabia tuyên bố dừng đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel. Nhìn chung, tiến trình "hâm nóng" quan hệ giữa thế giới Arab với Nhà nước Do Thái bị "dội gáo nước lạnh" khi các nước có dấu hiệu tạm dừng nỗ lực hoặc đổi ý. 

Một loạt các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Colombia, Chile, Bolivia đã triệu hồi đại sứ tại Israel để tham vấn. Mới nhất, ngày 6/11, Nam Phi tuyên bố rút các nhà ngoại giao về nước, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc ngày càng có nhiều trẻ em và dân thường vô tội ở Gaza bị thiệt mạng. Ngay cả sự ủng hộ của các đồng minh đối với Tel Aviv cũng ngày càng giảm, Mỹ và EU đã cảnh báo phản ứng thái quá của Israel có thể khiến nước này mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. 

Một tháng sau khi bùng phát, xung đột tại Dải Gaza vẫn tiếp diễn căng thẳng và nguy cơ chiến sự lan rộng ra khu vực vẫn thường trực. Theo giới phân tích, lo ngại nhất hiện nay vẫn là lực lượng Hezbollah ở Liban, khi các cuộc tấn công qua lại biên giới với quân đội Israel diễn ra hằng ngày. Bên cạnh đó còn có các lực lượng Houthi ở Yemen và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) ở Gaza và một số khu vực khác. Một số đơn vị của Mỹ đóng tại khu vực đã bị tấn công. Ngày 31/10, lực lượng Houthi đã chính thức lộ diện với các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa tầm xa nhằm vào thành phố Eilat ở cực Nam của Israel. 

Nguy cơ các bên khác tham chiến buộc Mỹ phải đẩy mạnh sự hiện diện quân sự trong khu vực. Sau khi điều 3 tàu sân bay tới khu vực, ngày 5/11, Mỹ tiếp tục đưa máy bay ném bom B-1 có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân tới Trung Đông, nhằm tạo ra sức răn đe lớn. Giới phân tích nhận định việc Mỹ công bố 2 trong bộ 3 hạt nhân chiến lược cho thấy động thái điều động quân sự chưa từng có của Washington tại khu vực.  

Tuy nhiên, nỗ lực chấm dứt căng thẳng tại Dải Gaza cũng bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Thủ lĩnh của lực lượng Hezbollah, Hassan Nasrallah trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng ngày 3/11 đã không tuyên bố công khai sẽ đẩy xung đột lên mức chiến tranh, mà chỉ nói “muốn ngăn chặn chiến tranh lan rộng thì phải ngừng cuộc chiến tại Gaza”. Đồng thời, trong những ngày qua, cả phía Hamas và Israel đều đã đề cập đến từ “ngừng bắn”, cho dù trước mắt vẫn kèm theo các điều kiện mà đối phương chưa thể bằng lòng ngay lập tức. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ những ngày qua liên tục có các chuyến ngoại giao con thoi tới Jordan, Iraq, Israel, Palestine, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và các bên liên quan khác. Các hoạt động ngoại giao bắt đầu mang lại những tín hiệu khả quan, khi Hamas bắt đầu cho phép người nước ngoài rời khỏi vùng chiến sự, còn Israel cho thêm hàng cứu trợ và nhiên liệu vào Gaza. Thảm họa nhân đạo có cơ hội được ngăn chặn sau khi các bên liên quan đồng ý chuyển những người bị thương tới Ai Cập để điều trị. Ngày 6/11, quân đội Israel cho biết sẽ mở lại một hành lang nhân đạo cho phép dân thường từ phía Bắc Dải Gaza xuống lánh nạn ở phía Nam.

Căng thẳng giữa Israel với Dải Gaza nói riêng và với người Palestine nói chung vẫn âm ỉ thường trực, nhưng chưa bao giờ khiến dư luận thế giới lo ngại như hiện nay. Cao ủy Nhân quyền LHQ, ông Volker Turk đã phải thốt lên đầy quan ngại trước “sự gia tăng lòng hận thù trên toàn cầu”, trong khi hàng loạt các cuộc tuần hành kêu gọi ngừng bắn diễn ra tại Anh, Pháp, Đức, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Dùng bạo lực để trả đũa bạo lực sẽ tạo ra vòng xoáy hận thù. Để chấm dứt vĩnh viễn vòng xoáy nguy hiểm này, hơn bao giờ hết, vai trò và tiếng nói của LHQ cần được tôn trọng và lắng nghe. Đồng thời, vấn đề Palestine phải được giải quyết bằng giải pháp “hai nhà nước”, trong đó một nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền của người Arab sẽ cùng tồn tại và hướng đến hợp tác thịnh vượng bên cạnh Nhà nước Israel của người Do Thái.

Vũ Hội (Pv TTXVN tại Trung Đông)
Không có việc làm, người Palestine mất 16 triệu USD/ngày vì xung đột Israel - Hamas
Không có việc làm, người Palestine mất 16 triệu USD/ngày vì xung đột Israel - Hamas

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hợp quốc, Dải Gaza đã mất ít nhất 61% việc làm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Israel và Hamas, đồng thời cảnh báo rằng tình trạng sụp đổ kinh tế sẽ còn ảnh hưởng trong nhiều năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN