Xung đột Israel - Hamas khốc liệt nhất từ năm 1948

Cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza là đợt xung đột đẫm máu nhất giữa người Israel và người Palestine kể từ năm 1948. 

Chú thích ảnh
Bộ binh Israel tiến sâu vào Dải Gaza ngày 2/11. Ảnh: THX/TTXVN

Kể từ khi bạo lực bùng phát vào ngày 7/10 sau vụ tấn công bất ngờ xuyên biên giới của Hamas, Israel đã tấn công hơn 11.000 mục tiêu ở Gaza, vượt xa tốc độ của các cuộc chiến trước đó. Cơ quan Y tế Palestine ở Dải Gaza do Hamas kiểm soát cho biết trên 9.000 người đã thiệt mạng. Phần lớn phía Bắc Gaza - nơi sinh sống của hơn 1 triệu người - đã trở thành đống đổ nát.

Theo tờ The Economist, phần lớn hàng rào biên giới vững chắc của Israel với Gaza đã biến mất. Các tay súng Hamas đã chọc thủng hàng rào an ninh của Israel ở 29 điểm trong cuộc tấn công ở cả ba hướng cách đây gần 1 tháng. Phía Israel cũng tháo dỡ nhiều đoạn hàng rào để tạo điều kiện cho các tiểu đoàn thiết giáp tiến vào Gaza.

Ngày 27/10, binh sĩ cùng xe tăng của Israel tiến vào Gaza từ hai địa điểm: gần Beit Hanoun ở phía Bắc và phía Nam thành phố Gaza ở đoạn hẹp nhất của dải đất dài 45 km này. Mục tiêu của Israel là chia đôi Gaza và dần bao vây phần phía Bắc của vùng đất mà họ đã yêu cầu dân thường khẩn trương sơ tán.

Phong trào Hamas không muốn đối đầu trực diện với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sở hữu hỏa lực vượt trội hơn rất nhiều. Thay vào đó, họ sẽ tìm cách quấy rối quân đội Israel bằng chiến tranh du kích.

Các nguồn tin quân sự Israel cho rằng họ chỉ có một cơ hội ngắn ngủi để hoạt động với đội hình lớn bên trong Gaza. Họ sẽ cố gắng phá hủy các đường hầm và trung tâm chỉ huy để phá vỡ quyền tự do đi lại của Hamas, đồng thời phân tán các thành viên của phong trào này. Trong những tuần tới, các tướng lĩnh Israel dự đoán sức ép từ cộng đồng quốc tế sẽ buộc họ phải hiện diện hạn chế hơn tại Gaza.

Cuộc chiến trên bộ nhằm xóa sổ Hamas sẽ chuyển thành các cuộc tấn công vào các mục tiêu cụ thể. Họ dự đoán chiến dịch này sẽ mất vài tháng, thậm chí có thể là một năm mới hoàn thành. 

Khoảng 2/3 dân số phía Bắc Gaza sơ tán theo lệnh của Tel Aviv. Nhưng như vậy vẫn còn hàng trăm ngàn người ở lại. Tình hình ở miền Nam, được cho là vùng an toàn, lại rất khốc liệt. Hơn một nửa dân số Gaza - 1,4 triệu người - đã phải di dời khỏi nhà cửa. Các nơi trú ẩn đang quá tải. Một cơ sở ở Khan Younis, thành phố đầu tiên ở tuyến đường sơ tán phía Nam, hiện có 22.100 người lưu trú, gấp 10 lần công suất dự kiến.

Nguồn cung cấp thiết yếu vẫn còn khan hiếm. Khoảng 250 xe tải chở hàng cứu trợ đã vào Gaza kể từ ngày 21/10. Ông Martin Griffiths, quan chức nhân đạo hàng đầu của Liên hợp quốc, đã mô tả số hàng cứu trợ đó cho đến nay chỉ là “một giọt nước trong đại dương” so với nhu cầu của người dân Gaza.

Israel vẫn từ chối cho phép vận chuyển nhiên liệu tới Gaza, với lập luận rằng việc này cuối cùng sẽ buộc các tay súng Hamas - những người cần nhiên liệu để thắp sáng và thông gió cho mạng lưới đường hầm - phải di chuyển lên trên mặt đất. Nhà máy điện duy nhất ở Gaza đã hết nhiên liệu từ ngày 11/10. Một phần ba số bệnh viện ở Gaza và hai phần ba phòng khám ở đây đã đóng cửa, vì không còn nhiên liệu hoặc bị hư hỏng do bị không kích.

Chú thích ảnh
Em nhỏ bị thương chờ được đưa tới bệnh viện ở Ai Cập qua cửa khẩu Rafah. Ảnh: THX/TTXVN

Sau nhiều tuần bị trì hoãn, những người có quốc tịch nước ngoài đã được phép rời Gaza qua cửa khẩu Rafah vào ngày 1/11. Ai Cập cũng cho phép xe cứu thương chở người Palestine bị thương vào lãnh thổ của mình để điều trị. Nhưng nước này vẫn kiên quyết từ chối mở cửa biên giới cho người tị nạn.

Khi giao tranh ngày càng mở rộng, giới quan sát cho rằng nội các Israel đã có dấu hiệu rạn nứt. Theo các nhà phân tích, sự chia rẽ đó ảnh hưởng đến việc Tel Aviv ra quyết định trên chiến trường. Cụ thể là lý do tại sao các binh sĩ IDF phải chờ đợi ở gần dải Gaza trong hai tuần cho đến khi có lệnh tiến vào. Tuy nhiên, chính phủ Israel đã nhiều lần phủ nhận thông tin như vậy. 

Ít nhất 240 người đã bị bắt cóc trong cuộc đột kích của Hamas và bị giam giữ ở Gaza. Bốn người đã được thả và hôm 30/10, Israel cho biết lực lượng của họ đã giải thoát binh sĩ Ori Megidish bị bắt trong cuộc tấn công của Hamas. Hiện các bên đang tổ chức đàm phán thông qua Qatar về một thỏa thuận giải phóng thêm con tin.

Khi cuộc tấn công trên bộ tiếp tục diễn ra, Israel sẽ phải quyết định có triển khai thêm 360.000 quân dự bị được triệu tập sau ngày 7/10 hay không. Quyết định huy động trên là gánh nặng ngày càng lớn đối với nền kinh tế Israel. 

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza ngày 4/11. Ảnh: THX/TTXVN

Một số thành viên trong nội các chiến tranh của Israel cũng muốn nhân đà chiến sự này để tăng cường tấn công Hezbollah - phong trào Hồi giáo ở Liban vẫn thường xuyên bắn phá tên lửa vào Israel. Những đòn tấn công của Hezbollah đã dần dần tiến sâu hơn vào lãnh thổ Israel.

Vào ngày 29/10, một tên lửa đã rơi xuống một ngôi nhà ở Kiryat Shmona, thành phố lớn nhất ở biên giới phía Bắc; một đòn tấn công khác nhằm vào Rosh Pina, cách biên giới Liban 14 km. Các vụ không kích trả đũa của Israel cũng đã tiến sâu hơn vào Liban. Tuy nhiên, quan điểm của cả Israel và Liban là đều không muốn Hezbollah mở rộng vòng chiến sự thêm nữa. 

Không chỉ Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Liban, Israel còn phải đối mặt với mối đe dọa từ lực lượng Houthi tại Yemen. 

Ngày 31/10, Houthi đã phóng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo vào Israel. Một chiếc đã bị hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel bắn hạ. Houthi rất muốn thể hiện ủng hộ Hamas, nhưng các thiết bị quân sự lại chậm và thiếu chính xác. Một máy bay không người lái có chất nổ nhắm vào Israel đã đánh trúng Taba, một thị trấn nghỉ mát của Ai Cập, khiến 6 người bị thương; một chiếc khác rơi xuống Jordan.

Mặc dù Iran vẫn đưa ra những lời cảnh báo Israel gần như hàng ngày, nhưng nước này có vẻ không muốn mở rộng xung đột. Nhà quan sát Iran Raz Zimmt tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia - tổ chức tư vấn của Israel - lưu ý rằng các cơ quan truyền thông Iran đã miêu tả cuộc tấn công trên bộ của Israel là một thất bại.

Tuy nhiên, ở Gaza, xung đột giữa Israel và Hamas sẽ mở rộng. Sẽ còn xảy ra nhiều vụ giao tranh đẫm máu khác nếu chiến tranh kéo dài.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Bộ trưởng Israel bị phản ứng mạnh về ý kiến ném bom hạt nhân Dải Gaza
Bộ trưởng Israel bị phản ứng mạnh về ý kiến ném bom hạt nhân Dải Gaza

Bộ trưởng Di sản Israel Amichai Eliyahu đã bị phản ứng mạnh sau khi nói rằng một trong những lựa chọn của Israel trong cuộc chiến với Hamas là thả một quả bom hạt nhân xuống Dải Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN