Cảnh cáo lẫn nhau…
Tối 10/4, Đại sứ Nga tại Liban tuyên bố quân đội Nga có thể bắn hạ bất kỳ tên lửa nào phóng tới Syria, và thậm chí có thể trả đũa các máy bay và tàu triển khai vũ khí.
Ngay sáng hôm sau, Tổng thống Trump phản hồi lời đe dọa trên Twitter: “Hãy sẵn sàng đi Nga, vì tên lửa sẽ tới, mới và thông minh”. Ông Trump còn khuyên Nga không nên chơi với Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau khi xảy ra vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học ở Douma, Syria – nguồn cơn trực tiếp gây ra tình trạng gia tăng căng thăng ở Syria hiện nay.
Nga và Mỹ đứng trước nguy cơ đối đầu trực diện ở Syria. Ảnh: AFP |
Lời đe dọa lẫn nhau xuất hiện trong bối cảnh ông Trump đang cân nhắc xem nên trừng phạt chính quyền Syria ra sao sau khi cáo buộc lực lượng Syria tấn công hóa học ở Douma ngày 7/4 khiến ít nhất 40 người chết.
Ông Trump cam kết phản ứng mạnh mẽ và đã tham vấn với đội ngũ an ninh quốc gia cũng như các lãnh đạo nước ngoài về hành động đáp trả Chính phủ Syria.
Theo bình luận của trang Vox, vấn đề khiến cho tình hình phức tạp nằm ở chỗ Nga ủng hộ mạnh mẽ Chính phủ Syria và đã giúp ông Assad trong cả cuộc nội chiến lẫn cuộc chiến chống khủng bố từ năm 2015. Nếu Mỹ tấn công Syria, nguy cơ Nga-Mỹ đối đầu trực tiếp sẽ xảy ra.
Nhận định về nguy cơ này, ông Bilal Saab, chuyên gia quốc phòng tại Viện Trung Đông, nói: “Tôi cho rằng không bên nào muốn đối đầu trực tiếp, nhưng khi mọi thứ diễn biến nhanh, lúc nào cũng có bất ngờ và hậu quả chưa lường trước. Nguy cơ là có thật nhưng tôi nghĩ là nhỏ. Nhưng nếu chúng ta giết binh sĩ Nga dù là cố ý hay vô tình thì có khả năng Nga có thể tấn công trực tiếp hay gián tiếp binh sĩ Mỹ ở Syria”.
Theo ông Saab, Nga có thể bỏ qua nếu Mỹ chỉ trừng phạt Chính phủ Syria một cách tương đối hạn chế. Tuy nhiên, nếu Mỹ nhằm mục tiêu vào tài sản của Nga ở Syria, đặc biệt là quân nhân, thì mọi thứ có thể đi theo chiều hướng khác.
Còn ông Heather Conley, chuyên gia an ninh châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nhận định: “Chúng ta có thể rơi vào xung đột trực diện rất nhanh chóng. Mỹ chưa chuẩn bị cho điều này”.
…nhưng muốn tránh leo thangTheo bình luận của Vox, Mỹ và Nga đã từng va chạm ở Syria nhưng cho tới nay, hai bên đều tránh leo thang tình hình nguy hiểm.
Cách đây 1 năm, ông Trump đã ra lệnh tấn công quân sự vào Syria để đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở miền bắc Syria. 59 quả tên lửa Tomahawk đã nã thẳng vào căn cứ không quân al-Shayrat, nơi mà Mỹ cho là Chính phủ Syria đã xuất kích thực hiện vụ tấn công ngày 4/4/2017 làm 80 người chết. Vụ tấn công này không làm Nga phản ứng mạnh.
Tháng 6/2017, Mỹ bắn hạ máy bay chiến đấu Syria. Đây là lần thứ tư trong một tháng Mỹ nhằm vào lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria và là lần đầu tiên Mỹ bắn hạ máy bay quân đội Syria từ khi cuộc chiến tranh ở đây bùng phát.
Sau sự việc, Nga cho biết sẽ nhằm bắn máy bay của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu bay trên Syria. Nga thậm chí còn cắt liên lạc với Mỹ ở Syria. Hai nước vốn liên lạc chặt chẽ để đảm bảo không đối đầu quân sự ở Syria. Tới nay, liên lạc này đã được thiết lập lại. Cho dù xảy ra hai sự kiện trên song Mỹ và Nga không “tung cú đấm vào nhau”.
Khi đó, đã có lo ngại rằng sự kiện có thể khiến Nga-Mỹ đối đầu căng thẳng hơn. Tuy nhiên, mọi chuyện nhanh chóng chìm xuống. Bà Shanna Kirschener, chuyên gia Syria thuộc trường Đại học Allegheny, Nga và Mỹ đã có thể bỏ qua bất đồng, cho thấy không bên nào muốn leo thang vào thời điểm đó. Nhưng không có nghĩa nếu có lần sau thì cũng sẽ như vậy.
Theo Vox, đó có thể là lý do tại sao ông Trump sẽ sử dụng bom thông minh để tấn công Syria. Bom thông minh có thể tránh hệ thống phòng thủ tên lửa và đánh chính xác mục tiêu. Bom này có thể giảm thiểu thương vong không mong muốn, ví như binh sĩ Nga nếu họ ở gần mục tiêu Mỹ định tấn công. Các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ phối hợp với Nga để tránh hậu quả cho binh sĩ Nga.
Có một nhân tố chính trị nữa cần phải tính tới. Ông Trump muốn quan hệ gần gũi hơn với Nga và thậm chí là đã tweet ngày 11/4, ngay sau khi đe dọa tấn công Syria: “Quan hệ của chúng ta với Nga hiện tồi tệ hơn bao giờ hết, hơn cả thời Chiến tranh Lạnh. Không có lý do gì xảy ra điều này. Nga cần chúng ta để phát triển kinh tế, một điều sẽ rất dễ thực hiện. Và chúng ta cần mọi quốc gia hợp tác với nhau. Chấm dứt chạy đua vũ trang?”
Theo bà Kirschener, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể không quan tâm tới cải thiện quan hệ với Mỹ nhưng ông cũng không muốn chiến tranh.
Câu hỏi là cho dù không muốn nhưng Mỹ và Nga có thể tránh dấn vào một cuộc chiến diện rộng sau khi Mỹ tấn công Syria hay không? Câu trả lời là không có gì là không có rủi ro.