Kênh CNN đưa tin hai nhà lãnh đạo đã công bố bản ghi nhớ gồm 10 điểm. Giới quan sát đánh giá thỏa thuận bước ngoặt lịch sử này bỏ trống vị trí của Mỹ trong định hình tương lai của Syria.
Thỏa thuận Nga-Thổ
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố một thỏa thuận rộng nêu bật mối quan tâm chính của Ankara: Sự hiện diện của Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở gần biên giới nước này.
Theo thỏa thuận trên, quân cảnh Nga và lực lượng bảo vệ biên giới Syria sẽ tiến vào phần lãnh thổ Syria ở đường biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ từ chiều 23/10. Trong vòng 150 giờ tiếp theo, họ sẽ sơ tán lực lượng YPG cùng vũ khí lùi xuống 30km từ đường biên giới. Từ 6 giờ sáng thứ Ba tuần sau (29/10) theo giờ địa phương, quân cảnh Nga và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng tuần tra dọc đường biên giới trong phạm vi 32km.
Có một số khu vực ngoại lệ: thị trấn Qamishili sẽ không tính vào khu vực 10km biên giới phía bên lãnh thổ Syria. Hiện chưa rõ thỏa thuận sẽ được áp dụng với toàn bộ chiều dài đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, hay chỉ các khu vực người Kurd nắm kiểm soát.
Thỏa thuận mà ông Putin và ông Erdogan cùng đặt bút ký cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ kiểm soát các khu vực mà các lực lượng vũ trang giành được trong chiến dịch quân sự “Mùa xuân Hòa bình” ở miền Bắc Syria.
Thỏa thuận có ý nghĩa gì với người Kurd?
Người Kurd tại Syria sẽ phải nhượng bộ. Thỏa thuận yêu cầu YPG hay Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – các tay súng được Mỹ hậu thuẫn mà thành phần chính là YPG – phải nhượng bộ ở bên ngoài vùng chiến sự hiện nay. Theo đó, YPG sẽ rút khỏi thị trấn Manbij và Tal Rifaat.
Bản ghi nhớ được hai nhà lãnh đạo Nga – Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí cũng cho thấy người Kurd đã có bên bảo lãnh mới. Sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ ra lệnh rút lính Mỹ khỏi Syria, có thể hiểu vai trò bảo lãnh cho người Kurd hiện nay được chuyển cho người Nga.
Moskva sẽ phải điều động thêm binh sĩ và thiết bị đến Syria để thực hiện sứ mệnh mở rộng. Do số lượng binh sĩ Nga ít nên người Kurd tại Syria không có nhiều lựa chọn ngoài việc cho phép lực lượng quân sự Syria tiến vào các khu vực họ kiểm soát.
Kẻ được, người thua trong thỏa thuận?
Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đã trở thành những nhà trung gian quyền lực địa chính trị chính tại khu vực. Ankara và Moskva có thể sẽ ủng hộ các phe đối nghịch nhau trong cuộc nội chiến Syria: Moskva hỗ trợ không lực cho Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Ankara lại hậu thuẫn nhóm tay súng nổi dậy tìm cách lật đổ chính phủ.
Tổng thống Putin cho biết Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí duy trì "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Syria - điều được cho là thành công trong chính sách đối ngoại của ông. Thêm một cú ghi điểm khác cho nhà lãnh đạo Nga, Moskva hiện đảm bảo rằng Ankara sẽ phải đàm phán trực tiếp với Chính phủ Bashar al-Assad.
Được Không quân Nga hậu thuẫn, thế trận cuộc chiến tại Syria đã nghiêng về hướng có lợi cho Tổng thống Assad. Tuy nhiên, Ankara lại tìm kiếm một kết quả loại bỏ “mối đe dọa an ninh quốc gia lớn”: Đảng Công nhân người Kurd - nhóm ly khai người Kurd liên kết với YPG bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.
Số phận người Kurd tại Syria vẫn còn chưa chắc chắn. Các bên sẽ phải chờ xem nhiều điều khoản trong thỏa thuận chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga diễn ra thế nào trên thực tế. Cũng không được nhắc đến trong thỏa thuận là việc Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng Ankara hậu thuẫn sẽ hành xử thế nào với lực lượng vũ trang của người Kurd còn lại trong vùng đệm mới. Nếu xảy ra hành động tàn bạo chống lại thường dân người Kurd, trên thực tế, đó sẽ là thất bại của Moskva.
Mỹ trắng tay?
Bên thua cuộc về mặt địa chính trị nặng nhất trong thỏa thuận này là Washington. Quyết định rời đi vội vã của binh sĩ Mỹ được coi là một món quà cho Nga. Các phóng viên Nga đã chớp được những hình ảnh lính Mỹ vội vàng rời căn cứ, bỏ dở bữa tối đang ăn, đáp trực thăng đến vùng đất mới, hay bị người Kurd chặn đường ném đồ vật phản đối…, khiến hình ảnh của nước Mỹ xấu đi.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói đã đến lúc người Mỹ phải rời khỏi Syria. Ông Shoigu cho biết Mỹ còn chưa đến hai tiếng đồng hồ để tuân thủ lệnh ngừng bắn đạt được giữa ông Erdogan và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tuần trước. Thỏa thuận này chính thức hết hạn vào 10h tối 22/10 theo giờ Mokva, tức 2h00 sáng 23/10 theo giờ Hà Nội. Mỹ cũng phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các bên đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài tại miền Bắc Syria.
Ngày 22/10, sau khi hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan kết thúc cuộc gặp dài 5 tiếng, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này không cần thiết khởi động lại chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria, đồng thời cho biết Mỹ thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng các tay súng người Kurd đã hoàn tất việc rút quân khỏi khu vực biên giới. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Tại thời điểm này, không cần thiết phải tiến hành chiến dịch quân sự mới ở Syria".