Dư luận đánh giá năm 2019 là năm "thành công kép" đối với liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu tại Syria, bởi thông tin tiêu diệt thủ lĩnh IS được đưa ra chỉ 7 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tổ chức IS đã bị đánh bại 100% tại Syria.
Diễn biến này đặc biệt có ý nghĩa đối với Mỹ và ông chủ Nhà Trắng, trong bối cảnh Washington dường như đang "thất thế" ở Syria sau quyết định rút quân khỏi khu vực Đông Bắc quốc gia Trung Đông, khiến Tổng thống Trump phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì thể hiện chính sách thiếu nhất quán đối với vấn đề Syria, cũng như gây ra nhiều mối lo ngại về cuộc chiến chống IS.
Việc Mỹ rút quân khỏi Đông Bắc Syria từng bị coi sẽ "dọn đường" để IS trỗi dậy và khiến bao công sức của liên quân quốc tế chống khủng bố “đổ xuống sông xuống bể”. Những tuyên bố về việc tiêu diệt thủ lĩnh IS tại thời điểm này rõ ràng đã "xoa dịu" dư luận trong và ngoài nước, như một "lời đáp đanh thép" cho những chỉ trích nhằm vào ông Trump, có tác động củng cố uy tín của Tổng thống Mỹ khi ông đang trong tiến trình tranh cử nhiệm kỳ hai và cũng đang đối mặt với một cuộc điều tra luận tội do phe Dân chủ khởi xướng.
Trong khi truyền thông Mỹ và phương Tây đưa tin khá rầm rộ, dư luận Trung Đông tỏ ra thận trọng, thậm chí có ý kiến hoài nghi về sự kiện này, cho rằng Washington dùng “quân bài” Baghdadi để đánh bóng lại hình ảnh vốn đang bị “lu mờ” ở Syria đồng thời cũng nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực. Các chuyên gia an ninh cho rằng Baghdadi - đối tượng bị truy lùng gắt gao nhất Trung Đông - không dễ bị tiêu diệt. Trước đó, đã có hơn một chục tuyên bố về cái chết của Baghdadi, nên việc hoài nghi là có cơ sở và vấn đề cốt yếu ở đây là cần có thêm bằng chứng xác thực về việc thủ lĩnh IS bị tiêu diệt.
Dù thế nào thì thông tin thủ lĩnh Baghdadi bị tiêu diệt trước mặt có thể làm suy yếu IS trong ngắn hạn, bởi sự hiện diện của nhân vật này luôn mang tính biểu tượng cao đối với IS. Hồi tháng 4 vừa qua, ngay sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố IS tại Syria đã sụp đổ, Abu Bakr al-Baghdadi đã tái xuất trong một đoạn video lan truyền trên mạng, kêu gọi thực hiện "các hành động trả thù" cho những thất bại của IS ở Syria, sự việc được cho là nhằm phát đi thông điệp rằng IS vẫn tồn tại và đang chiến đấu. Sau khi IS bị đánh bại ở Iraq và Syria, thông tin về cái chết của thủ lĩnh Baghdadi là một "đòn đánh" nữa giáng vào IS.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định rằng cái chết của thủ lĩnh IS không đồng nghĩa với cuộc chiến chống IS đã đi đến hồi kết. Cho dù thủ lĩnh IS đã bị tiêu diệt thì cũng không có nghĩa là đã triệt tiêu được hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố hay những tư tưởng cực đoan. Hay nói cách khác, thủ lĩnh IS có thể bị tiêu diệt nhưng IS thì chưa, bóng ma của IS vẫn là nỗi ám ảnh ở nhiều quốc gia.
Trên thực tế thì kể cả khi Tổng thống Mỹ tuyên bố xóa sổ IS tại Syria và trước đó là ở Iraq, tổ chức khủng bố này vẫn là mối đe dọa lớn đối với toàn thế giới. IS được cho đã thiết lập các cơ sở bí mật để có thể tồn tại được ở cả Iraq và Syria, và các tư tưởng cực đoan của IS tiếp tục được truyền bá trên mạng Internet. Các chuyên gia nhận định IS đang trải qua thời kỳ tái thích nghi và hiện đang bước vào giai đoạn mới của quá trình lan rộng ra toàn cầu.
Nguy cơ về việc IS tập hợp lực lượng và có thể trỗi dậy là có thật khi có thông tin cho rằng IS đã chỉ định Abdullah Qardash là người kế nhiệm thủ lĩnh Baghdadi. Theo giới chuyên gia an ninh Trung Đông, cái chết của một cá nhân như Baghdadi là một tổn thất lớn đối với nhóm khủng bố này, song không đủ để làm tê liệt hoạt động của cả một tổ chức như IS. Vai trò của Baghdadi thực tế không còn lớn như trước kia, không còn khả năng kiểm soát lực lượng vốn đã bị phân tán quá nhiều. Baghdadi cũng không trực tiếp tham gia các hoạt động trên thực địa của tổ chức này mà chủ yếu ở trong “bóng tối” và “chỉ đạo từ xa” do bị truy lùng gắt gao.
Trong khi đó, IS hiện đã thay đổi phương thức hoạt động. Nhiều thành viên IS đã lựa chọn phương thức “ẩn mình chờ thời” để tiến hành các vụ tấn công khủng bố theo kiểu “con sói đơn độc”. Ngoài ra, tàn quân IS cũng đang có xu hướng “bắt tay” với các nhóm thánh chiến cực đoan trong khu vực và vẫn còn hiện diện ở Syria, Iraq, Libya hay Afghanistan… IS cũng được cho đang mở rộng địa bàn hoạt động sang cả các nước ở khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của các cơ sở dữ liệu về chống khủng bố trên toàn thế giới, khoảng 40.000 phần tử IS tại hơn 100 quốc gia đang hoạt động ở Trung Đông, châu Phi, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
IS có thể mất thủ lĩnh cao nhất, song những phần tử lãnh đạo ở cấp thấp hơn sẽ tiếp tục hoạt động trong bóng tối và những đối tượng này ngày càng xảo quyệt và cực đoan hơn. Thậm chí, thông tin thủ lĩnh IS bị tiêu diệt có thể kích động những phần tử cực đoan, vốn chịu ảnh hưởng của Baghdadi khi trùm khủng bố này được cho là đã “tử vì đạo”, lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công khủng bố để trả thù. Ngay sau thông tin thủ lĩnh IS bị tiêu diệt, nhiều nước đã tăng cường các biện pháp an ninh do lo ngại các vụ khủng bố từ những đối tượng này.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là các thành viên người nước ngoài được IS huấn luyện chính là một nguy cơ tiềm ẩn đối với nhiều quốc gia khi những đối tượng này hồi hương. Bên cạnh đó, cũng có khả năng sắp tới IS sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên không gian mạng về những tư tưởng thánh chiến cực đoan, đồng thời kêu gọi hành động trả thù cho Baghdadi. Chiến lược này thực tế còn khiến giới chức an ninh tại nhiều nước “đau đầu” hơn do không thể lường trước được các mối đe dọa của IS.
Điều quan trọng nhất là môi trường để tư tưởng cực đoan của IS tiếp tục phát triển vẫn còn nguyên. IS nói riêng và chủ nghĩa khủng bố nói chung sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn bởi thế giới hiện đang thiếu một kế hoạch và chiến lược chống khủng bố hiệu quả, mà một phần do sự bất đồng địa chính trị và tranh giành vị thế siêu cường giữa các nước, và thất bại trong việc giải quyết tận gốc những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Những điều này cho thấy cuộc chiến chống IS và các tổ chức khủng bố vẫn chưa thể kết thúc mà chỉ sẽ chuyển sang một ngả rẽ mới có khả năng còn dai dẳng và quyết liệt hơn.