Giá dầu thô Brent mới đây đã tăng thêm 2 USD, lên mức 32,95 USD/thùng sau khi hạ xuống còn 30,83 USD/thùng. Điều này một phần cũng là kết quả của cơn bão tuyết tại Mỹ khiến nhu cầu khí đốt gia tăng. Tuy nhiên, vẫn còn cần nhiều thời gian để các nhà sản xuất dầu ở Nga bắt đầu các cuộc đàm phán về việc cắt giảm sản lượng hiện nay, khi mà đa phần trong số họ đều cho rằng quyết định này xét về mặt lý thuyết là rất khó khăn và còn có thể khiến Nga đánh mất thị phần dầu mỏ vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Một giàn bơm dầu ở Nga. Ảnh: Reuters |
Chủ tịch Transneft Nikolai Tokarev cho biết giới chức chính phủ trong cuộc họp tại Moskva hôm 26/1 vừa qua đã đi đến kết luận rằng việc đàm phán với OPEC là cần thiết trong nỗ lực tăng giá dầu. Các hãng tin của Nga dẫn lời ông Tokarev: “Cuộc họp đặc biệt tập trung thảo luận về vấn đề giá dầu và những bước đi cần thiết mà tất cả nên cùng thực hiện để thay đổi tình hình hiện nay theo hướng tốt lên, và trong đó có các cuộc đàm phán cả song phương lẫn đa phương với tất cả các thành viên OPEC”.
Một đại diện của Bộ Năng lượng tham dự cuộc họp cũng khẳng định với hãng tin Reuters rằng khả năng hợp tác với OPEC cũng được bàn luận tại cuộc họp do bộ này chủ trì. Quan chức này nói: “Các thành phần tham dự cuộc họp đã thảo luận về khả năng hợp tác hành động với các thành viên OPEC trong bối cảnh thị trường dầu mỏ gặp khó khăn”.
Vào giữa năm 2014, giá dầu đã giảm từ khoảng 115 USD/thùng, khiến ngân sách vốn đã kiệt quệ của Nga gặp nhiều khó khăn và đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Một số thành viên của OPEC muốn có một sự hợp tác trong cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên, và họ đã yêu cầu Nga tham gia kế hoạch này.
Nếu các cuộc đàm phán với OPEC thực sự bắt đầu, đó sẽ là một sự thay đổi lớn trong quan điểm của Nga. Tháng 12 vừa qua, sản lượng dầu của Nga đã đạt mức kỷ lục mới kể từ thời hậu Xôviết với 10,8 triệu thùng mỗi ngày. Con số này ngang ngửa với Saudi Arabia, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất OPEC, cũng với khoảng 10 triệu thùng dầu bơm ra thị trường mỗi ngày. Hồi tháng trước, OPEC, tổ chức chiếm 1/3 sản lượng dầu toàn cầu, đã không thể đi đến sự đồng thuận về cắt giảm sản lượng, khi Saudi Arabia quyết tâm duy trì thị phần của mình và hất cẳng các nhà khai thác có chi phí cao tại Mỹ, còn Iran, nước vừa được dỡ bỏ các lệnh cấm vận trên thị trường quốc tế, cũng lên kế hoạch nhanh chóng tăng sản lượng.
Trong nội bộ OPEC, chỉ có Algeria và Venezuela là công khai ủng hộ việc cắt giảm sản lượng. Michael Wittner, chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ làm việc cho tổ chức Societe General tại New York, nhận định: “Thật thú vị nếu cả Iraq và Nga sẽ thay đổi quan điểm của họ, song tôi không cho rằng điều ấy có ý nghĩa gì bởi Saudi Arabia sẽ tiếp tục nói họ chỉ hành động khi có sự hợp tác từ phía Nga, Iraq và Iran”.
Có thể nói, vẫn còn nhiều cản trở lớn đối với việc cắt giảm sản lượng dầu của Nga. Phát biểu với Reuters trước cuộc họp tại Bộ Năng lượng, hai quan chức cấp cao nước này cho biết chưa có cơ sở nào cho sự hợp tác với OPEC cùng nhau giảm sản lượng. Trong khi đó, giám đốc một trong bốn công ty năng lượng hàng đầu của Nga cho biết việc hợp tác cắt giảm sản lượng sẽ không được chào đón ở một nền công nghiệp đang chống lại việc cắt giảm sản lượng do gánh nặng thuế và tuổi tác. Quan chức này nói: “Nga có rất nhiều rủi ro khi cắt giảm sản lượng nếu không có những bước đi đặc biệt”.