Sau khi OPEC quyết định không giảm sản lượng trong cuộc họp toàn thể, giá dầu thô giao tại Mỹ giảm xuống dưới mức 40 USD/thùng. Sự chia rẽ giữa các nước thành viên OPEC đã khiến cho tổ chức này phải huỷ bỏ kế hoạch ấn định mức sản lượng trần 30 triệu thùng/ngày. Giá dầu thậm chí còn giảm tiếp xuống đến mức thấp nhất trong vòng bảy năm qua. Sản lượng dầu của các nước OPEC hiện nay ở mức kỷ lục khoảng 31,8 triệu thùng/ngày.
Toàn cảnh cuộc họp ở Vienna ngày 4/12. |
Việc OPEC không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải huỷ bỏ kế hoạch quy định mức trần có nhiều nguyên nhân. Saudi Arabia, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, không thay đổi sản lượng, hiện sản xuất khoảng 10 triệu thùng/ngày kể từ mùa Hè năm 2015. Saudi Arabia giữ nguyên sản lượng trong bối cảnh nước này đang cạnh tranh thị phần với các nhà sản xuất của Mỹ và Canada khai thác dầu mỏ từ đá phiến. Mùa Thu năm 2014, Mỹ đã đe dọa truất ngôi là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới của Saudi Arabia vì vậy đến tháng 11/2014, quốc gia Trung Đông này quyết định không giảm sản lượng kể cả khi giá giảm. Bằng việc giảm giá, OPEC đang tìm cách giảm bớt sản lượng dầu mỏ từ đá phiến vốn đòi hỏi chi phí hoạt động cao. Trong khi đó, dầu thô, từng đạt mức giá trên 100 USD/thùng, đã trượt về mức giá chỉ còn từ khoảng 30-40 USD/thùng.
Iraq, năm 2014 đã trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC, cũng nâng sản lượng lên 4 triệu thùng/ngày. Nguyên Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Thamir Ghadhban, nói rằng Iraq sẽ tiếp tục nâng sản lượng vốn bị trì hoãn do chiến tranh.
Một lý do nữa là OPEC nói rằng họ không thể ấn định mức trần vì họ không biết Iran sẽ xuất khẩu bao nhiêu dầu sau khi nước này trở lại thị trường thế giới trong mùa Xuân tới. Iran có thể sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sau khi nước này đồng ý hạn chế hoạt động làm giàu urani với Nhóm P5+1. Thậm chí ngay trước cuộc họp mới đây nhất của OPEC, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã chỉ trích các Saudi Arabia và Iraq đã sản xuất quá nhiều dầu khiến cho giá giảm. Ông nói: “Việc quay trở lại thị trường là quyền của chúng tôi” với hàm ý Iran muốn tăng sản lượng. Vì vậy, các nước OPEC có thể sẽ tiếp tục nâng sản lượng trong bối cảnh thiếu vắng quy định chung về khối lượng khai thác.
Indonesia, tham gia OPEC sau một thời gian gián đoạn 7 năm, sẽ sản xuất khoảng 800.000 thùng/ngày. Quốc gia này, từng sản xuất hơn 1,6 triệu thùng/ngày đã tăng nhập khẩu dầu thô để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Vì Indonesia trong tương lai sẽ là nước chuyên nhập khẩu dầu mỏ, nước này sẽ hưởng lợi nhờ vào việc giá dầu giảm. Indonesia giờ hoạt động như một nước trung gian giữa OPEC với các nước nhập khẩu dầu khác ở châu Á.
Nếu FED quyết định tăng lãi suất, đồng USD sẽ tăng giá, như vậy sẽ khiến cho các nhà đầu tư rút ra khỏi các tài sản được định giá bằng đồng USD. Giá dầu có thể lao dốc nhanh chóng trừ phi các nước sản xuất dầu mỏ phối hợp các chính sách của mình.
Các nhà quan sát nói rằng Nga đang sản xuất khoảng 10 triệu thùng/ngày, tương đương với Saudi Arabia và Moscow không thể đồng ý giảm sản lượng. Nga đang chịu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Nga bắt đầu tăng các hoạt động quân sự trong mùa Thu này tại Syria để ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad. Vì vậy nước này muốn tăng sản lượng để bù đắp cho thiệt hại do các biện pháp trừng phạt kinh tế và trang trải chi phí quân sự.
Giá dầu thô có thể sẽ vẫn thấp trong một thời gian dài và tác động đến các nền kinh tế châu Á. Tại Ấn Độ và một số nước khác, giá dầu thô giảm sẽ giúp làm giảm giá cả hàng hoá, nhờ đó kích thích chi tiêu cá nhân và đầu tư vốn. Nhà kinh tế hàng đầu của Standard Chatered Bank phụ trách các nền kinh tế châu Á nói rằng lạm phát tại các nước châu Á sẽ vẫn ở mức thấp và với rủi ro tăng lạm phát có thể xảy ra trong nửa cuối năm 2016. Ông chỉ ra rằng nếu giá dầu giảm 10% trong năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng tại các nền kinh tế châu Á sẽ giảm 0,1-0,5%. Trong khi tăng trưởng yếu tại Trung Quốc vẫn là một vấn đề đáng quan ngại, giá dầu thấp được dự đoán sẽ giúp cải thiện các nền kinh tế châu Á.