Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) mới đây đã có một quyết định cho thấy sự chuyển hướng trong chính sách tiền tệ. Đó là việc hủy bỏ hành lang ngoại hối đối với giỏ ngoại tệ USD và euro đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau từ năm 1995 tới nay, đồng thời chấm dứt can thiệp vào thị trường. Sau quyết định này, chính sách tiền tệ mà BoR thực thi sẽ hướng tới lạm phát mục tiêu, đảm bảo ổn định giá cả, chứ không nhằm duy trì tỷ giá đồng nội tệ.Tuy nhiên, đó không phải là quyết định đột ngột. Ngày 5/11, BoR đã đánh tín hiệu sẽ hạn chế can thiệp vào thị trường ngoại hối khi mỗi ngày chỉ bơm ra tối đa 350 triệu USD, thay vì là 1 tỷ USD như trước đó. Và với kế hoạch thả nổi đồng rúp, BoR cũng đã từng bước nới rộng biên độ dao động của đồng rúp trong giao dịch tự do. Theo BoR, việc thực hiện những điều chỉnh như vậy là nằm trong quá trình "chuyển sang cơ chế tỷ giá hướng đến một mục tiêu về lạm phát", điều sẽ đòi hỏi phải từ bỏ "các biện pháp quản lý tỷ giá".
Tỷ giá hối đoái niêm yết ngoài một quầy đổi tiền ở Moskva. |
Trước đó, khi đồng rúp mất giá mạnh, BoR đã điều chỉnh chính sách điều hành tỷ giá và "tấn công" vào tâm lý đầu cơ trên thị trường bằng những can thiệp mạnh tay. BoR đã bơm ngoại tệ dự trữ vào thị trường để hỗ trợ đồng rúp, chi đến 22 tỷ USD trong tháng 3 và lên tới 30 tỷ USD trong tháng 10. Ngân hàng này cũng đã tăng mạnh lãi suất chủ chốt để hỗ trợ đồng nội tệ, từ 5,5% lên đến 9,5%, sau lần tăng vào tháng trước.
Các chuyên gia cho rằng quyết định thả nổi tỷ giá của BoR sẽ khiến những kẻ đầu cơ mất phương hướng trên thị trường ngoại tệ và trong ngắn hạn sẽ giúp ổn định tỷ giá đồng rúp so với USD và euro. Trước đó, việc BoR áp dụng một biên độ hẹp đối với biến động của đồng rúp đã khuyến khích nhà đầu tư mua vào khi đồng tiền này xuống gần đến ngưỡng dưới trong biên độ giao dịch, thời điểm BoR sẽ có hành động can thiệp để đẩy giá lên.
Việc BoR chấm dứt can thiệp vào thị trường tiền tệ còn liên quan đến chuyện dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Lượng dự trữ của Nga hiện nay là 400 tỷ USD, dù đã giảm từ mức 510 tỷ USD vào đầu năm, vẫn là khá lớn nhưng nước này cần một nguồn đệm để chống lại tình trạng thoái vốn trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến nợ nước ngoài tăng cao, kinh tế trì trệ và lạm phát cao. Trong 10 tháng đầu năm nay, số vốn bị rút khỏi Nga là 110 tỷ USD và đến cuối năm 2014, con số này có thể lên đến ít nhất là 120 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Nga cũng không thiệt hại gì khi xét đến nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ với tỷ giá hiện nay. Với mức giá dầu Brent hiện đang dao động trong khoảng 84 USD/thùng thì nếu quy theo đồng rúp, số tiền mà Nga thu về trên tỷ giá khoảng 45 rúp/USD không khác gì so với hồi đầu năm, khi giá dầu vào khoảng 110 USD/thùng (với tỷ giá lúc đó là 33 rúp/USD).
Tuy nhiên, có lo ngại rằng, khi đồng nội tệ của Nga mới trước đó đã rớt xuống các mức thấp lịch sử so với đồng USD và đồng euro là 48 rúp đổi 1 USD và 60 rúp đổi 1 euro, việc không còn sự can thiệp của Ngân hàng trung ương có thể khiến đồng rúp sẽ “dò những đáy” mới nếu xuất hiện những yếu tố tiêu cực như căng thẳng ở miền Đông Ukraine gia tăng.
Nhưng trong phát biểu ngày 10/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cơ quan tài chính của Nga sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để ổn định đồng nội tệ. Theo ông, các chỉ số chủ chốt về dự trữ vàng - ngoại tệ và cán cân thanh toán của Nga vẫn tốt, cho phép nước này kiểm soát tình hình mà không cần thêm các biện pháp đặc biệt. Nhà lãnh đạo Nga nhận định tình trạng mất giá không phanh do đầu cơ của đồng rúp sẽ sớm kết thúc, một phần nhờ các biện pháp của BoR.
Lê Minh