Hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin của báo El Pais cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 29-30/6 tại Madrid (Tây Ban Nha), nơi liên minh quân sự này hứa hẹn công bố và cập nhật “khái niệm chiến lược mới”, trong đó nhằm vào cả Nga và Trung Quốc.
Theo báo El Pais của Tây Ban Nha, đây được coi là nỗ lực nhằm duy trì trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh do phương Tây chi phối, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho rằng đã đến lúc sụp đổ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này, các nước thành viên cũng có thể công bố kế hoạch tăng gấp đôi qui mô các nhóm tác chiến đồn đóng tại khu vực Đông Âu, theo hướng các lực lượng này sẽ nâng cấp thành các lữ đoàn biên chế đầy đủ.
NATO có thể sẽ tăng ít nhất là gấp đôi qui mô các nhóm tác chiến 1.000-1.600 binh sĩ đang được triển khai hiện nay ở Đông Âu thành các nhóm cấp lữ đoàn, thường có từ 3.000-5.000 binh sĩ. Các nước thành viên cũng thảo luận khả năng các lực lượng này thậm chí còn lớn hơn, bao gồm toàn bộ các sư đoàn NATO, sẽ có tới 15.000 binh sĩ và được đặt dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh liên minh.
Báo El Pais cho hay hội nghị sắp tới sẽ đánh dấu một “bước ngoặt” trong lịch sử khối NATO thời hậu Chiến tranh Lạnh, khi liên minh này dự kiến trải qua "một kiểu tái thành lập" thông qua "Khái niệm Madrid". Đây là mô hình chiến lược mới mà các nguồn tin nói với tờ báo Tây Ban Nha rằng sẽ đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ của NATO với Nga.
NATO sẽ thay đổi đáng kể định nghĩa về Nga trong khái niệm chiến lược mới. Cho đến nay, Nga vẫn được coi là một quốc gia “không có bất kỳ mối đe dọa nào” với NATO. Thậm chí, quan hệ giữa hai bên còn được mô tả là mang “tầm quan trọng chiến lược”. Tuy nhiên, trong khái niệm chiến lược mới, Nga nhiều khả năng được định nghĩa là "mối đe dọa trực tiếp" có khả năng tấn công bất kỳ quốc gia thành viên nào trong NATO.
Theo đài Sputnik (Nga), trong khái niệm chiến lược mới (còn gọi là bản hướng dẫn chính sách mới), NATO sẽ lần đầu tiên coi Trung Quốc là “mối đe dọa mang tính hệ thống”.
Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của NATO lần này, đã có những tín hiệu về thay đổi mang tính căn bản trong chính sách của liên minh. Hãng tin RT (Nga) đưa tin, phát biểu ngày 27/6, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nêu rõ quân số lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao của NATO (Lực lượng Phản ứng Nhanh - NRF) sẽ đạt mức 300.000 binh sĩ.
Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh tại Madrid, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói: “Chúng tôi sẽ tái tổ chức lực lượng phản ứng của NATO và tăng quân số lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao của liên minh lên trên 300.000 quân”. Hiện nay, quân số của NRF vào khoảng 40.000 binh sĩ. Ông Jens Stoltenberg cho biết thêm NATO sẽ nâng cao khả năng phòng không và tăng cường các kho dự trữ quân sự. Đây sẽ là đợt tăng quân và cải tổ lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh tới nay.
Ông Stoltenberg cho biết thêm số binh sĩ tăng cường sẽ tập trận cùng với lực lượng phòng thủ nội địa và sẽ làm quen với địa hình, cơ sở vật chất của địa phương cùng các kho dự trữ được bố trí sẵn. Các biện pháp này kết hợp sẽ tạo thành cuộc cải tổ lớn nhất về khả năng phòng thủ và sự hiện diện tập thể của liên minh quân sự kể từ Chiến tranh Lạnh.
Để làm được điều này, ông Stoltenberg kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa vào quốc phòng. Các nước thành viên NATO đã cam kết dành 2% GDP của họ cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024, nhưng chỉ 9 trong số 30 thành viên đạt được mục tiêu này vào năm 2022 gồm Hy Lạp, Mỹ, Ba Lan, Litva, Estonia, Vương quốc Anh, Latvia, Croatia và Slovakia. Theo dữ liệu được NATO công bố hôm 27/6, chi tiêu cho quốc phòng của Pháp hiện ở mức 1,90%, Italy 1,54%, Đức 1,44% và Tây Ban Nha 1,01%, còn Luxembourg là 0,58%.
NATO lần đầu tiên triển khai cái gọi là “các nhóm tác chiến tăng cường hiện diện tiền phương” đến Ba Lan và các nước Baltic vào năm 2017, như là hệ quả của cuộc chính biến năm 2014 ở Kiev. Bốn nhóm tác chiến tăng cường khác đang được thành lập tại Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia.
Khái niệm chiến lược hiện nay của NATO - trong đó nêu bật sứ mệnh và các mục tiêu an ninh của liên minh - được cập nhật lần gần đây nhất vào năm 2010, ở đỉnh điểm của chiến tranh Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.
Quan hệ giữa Nga với NATO và Mỹ từng bước xấu đi kể từ năm 2014. Trong bài phát biểu mới đây tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở St.Petersburg hôm 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích mạnh mẽ cách phản ứng của phương Tây đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Tổng thống Putin nêu rõ: “Một năm rưỡi trước, phát biểu tại diễn đàn Davos, tôi từng nhấn mạnh rằng kỷ nguyên của trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc - tôi muốn bắt đầu với điều này, đó là một sự thật không thể tránh khỏi. Trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc, bất chấp mọi nỗ lực nhằm duy trì và bảo vệ nó. Thay đổi là quá trình tự nhiên của lịch sử.”
Nhà lãnh đạo Nga nhắc lại quan điểm rằng Điện Kremlin buộc phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine do phương Tây phớt lờ các mối quan ngại chính đáng về an ninh của Nga. Tổng thống Putin cũng lên án chế độ trừng phạt của phương Tây là "điên rồ" và "thiếu suy nghĩ". Ông tuyên bố cuộc chiến kinh tế của phương Tây không những không làm tê liệt Nga, mà còn gây ra “thiệt hại tương đương và thậm chí lớn hơn” cho châu Âu và Mỹ.