NATO có thể can dự vào xung đột vũ trang ở châu Á

Căn cứ vào điều 5 về phòng vệ tập thể, Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rất có thể sẽ can dự vào xung đột vũ trang ở châu Á nếu Mỹ bị cuốn vào đó. Nhân tố tiềm tàng là tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật và vấn đề Triều Tiên.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phạm vi thực thi quyền phòng vệ tập thể của NATO đã vượt qua biên giới châu Âu, hướng về phía châu Á. Hiện nay, NATO đang song hành cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Trong tương lai, nếu Mỹ bị cuốn vào xung đột vũ trang ở châu Á phát sinh từ tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản hay vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, NATO khó có thể đứng ngoài cuộc.

Tàu tuần dương Trung Quốc ở gần vùng đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông, ngày 8/8/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Tạp chí “Kanwa Defense Review” số tháng 8 cho biết trong chuyến viếng thăm Nhật Bản mới đây, Tổng Thư ký NATO Anders Rasmussen đã bàn thảo với Tokyo một số vấn đề liên quan tới quan hệ hai bên rất đáng chú ý. Ông Rasmussen nói nếu Washington bị Bình Nhưỡng tấn công, NATO sẽ có hành động cần thiết theo quy định của điều 5 trong Hiến chương của khối quân sự này về việc thực thi quyền phòng vệ tập thể. Chính vì căn cứ pháp luật này, NATO đã tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ cầm đầu tại chiến trường Afghanistan ở Trung Á.


Theo “Kanwa Defense Review”, đây là lần đầu tiên lãnh đạo NATO biểu thị thái độ cứng rắn về tình hình bán đảo Triều Tiên. Điều đó có nghĩa vấn đề Triều Tiên trở thành nhân tố tiềm tàng để NATO can dự vào công việc của châu Á. Một khi Washington bị Bình Nhưỡng tấn công, NATO đương nhiên sẽ tiến hành chi viện quân sự cho Mỹ theo điều khoản về quyền phòng vệ tập thể. Thậm chí, NATO có thể tham gia vào hành động tấn công quân sự nhằm vào CHDCND Triều Tiên.

Một nhân tố tiềm tàng khác có thể lôi NATO vào cuộc là tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tạp chí trên cho biết trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Rasmussen không đề cập tới vấn đề tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, thái độ của Mỹ trong vấn đề này rất rõ ràng. Một khi Mỹ bị cuốn vào xung đột gây ra bởi tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, căn cứ vào điều 5 của Hiến chương, NATO có quyền phòng vệ tập thể với Mỹ. Hơn nữa, Nhật Bản rất có khả năng dùng sự ủng hộ NATO trong các hành động quân sự tại Afghanistan và Mali… để trao đổi, nhằm có được sự ủng hộ của NATO trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Thực tế cho thấy quan hệ giữa Nhật Bản và NATO ngày một chặt chẽ. Trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, ông Rasmussen đã cảm ơn phía Nhật Bản về sự chi viện tài chính đối với các hành động tác chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Ông Rasmussen còn cùng phía Nhật Bản kí “Tuyên bố chung về chính trị giữa NATO và Nhật Bản”, chủ yếu nhấn mạnh việc hai bên cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, cứu trợ thiên tai, chống phổ biến vũ khí sát thương quy mô lớn, an ninh mạng…

Về phía Nhật Bản, nước này cũng sẽ lần đầu tiên cử đại diện thường trú tại NATO, do Đại sứ Nhật Bản tại Brussels (Thủ đô của Bỉ, nơi đặt tổng hành dinh NATO) kiêm nhiệm.


Một ý nghĩa quan trọng khác của việc tăng cường xích lại gần nhau giữa Nhật Bản và NATO, theo tạp chí “Kanwa Defense Review”, xuất phát từ việc hai bên có cùng quan niệm giá trị như hai bên nhiều lần tuyên bố. Đối với Nhật Bản, quan niệm giá trị luôn là nền tảng chính sách ngoại giao của nước này. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, giới lãnh đạo Nhật Bản đã nhiều lần đề cập tới quan niệm giá trị.

Tuy nhiên, ở đây, “Kanwa Defense Review” cho rằng quan niệm chung về giá trị (giữa Nhật Bản và NATO đương nhiên) là trực tiếp nhằm vào Trung Quốc. Việc này phần nào được phản ánh trong một động thái đáng chú ý gần đây. Đó là tại buổi thuyết minh về “máy bay chiến đấu châu Âu” của không quân Anh mới đây, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc đã được liệt kê ở vị trí hàng đầu trong danh sách đối tượng tác chiến giả định của máy bay chiến đấu châu Âu. Việc này, theo tạp chí “Kanwa Defense Review”, phải chăng là NATO đã coi Trung Quốc là kẻ địch tiềm tàng?


Lê Minh
Kịch bản thực thi quyền phòng vệ tập thể của NATO ở châu Á
Kịch bản thực thi quyền phòng vệ tập thể của NATO ở châu Á

Vì điều khoản phòng vệ tập thể, Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khó có thể đứng ngoài xung đột vũ trang ở châu Á mà Mỹ hoặc Anh bị cuốn vào. Vấn đề đáng quan tâm chú ý là NATO sẽ chi viện bằng cách nào?

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN